'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của Vũ Hiệp: Đi tìm cá tính nghệ thuật Việt Nam

28/02/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Cá tính, bản sắc luôn là câu hỏi thường trực không chỉ đối với các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam mà nó còn quan trọng đối với mỗi nghệ sĩ, và với từng con người khi họ tự ý thức về bản thân. 

Với tác giả Vũ Hiệp, cá tính hay bản sắc nghệ thuật Việt cũng là vấn đề xuất hiện xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu của anh. Trong đó, Sự kiến tạo các nền nghệ thuật là công trình mới nhất được ra mắt bạn đọc, bàn trực tiếp đến vấn đề cá tính nghệ thuật Việt Nam.

Bằng nghiên cứu, điền dã, kinh nghiệm và cảm quan, các cuốn sách của Vũ Hiệp từng bước xây dựng góc nhìn về đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam trong môi sinh của văn hóa xã hội - tâm lý học - nhân học. Sự kiến tạo các nền nghệ thuật (NXB Mỹ thuật) đề cập đến cá tính nghệ thuật Việt Nam qua khái niệm "tam giác kiến tạo" bao gồm: Cá tính tập thể, tự sự cộng đồng và huyền thoại. Trong đó cá tính tập thể có thể là khía cạnh mà chúng ta dễ hiểu, dễ cảm nhận trong đời sống với tư cách là một cá thể trong cộng đồng Việt Nam, còn tự sự cộng đồng và huyền thoại là khái niệm mang nguồn gốc tâm lý và kiến tạo phức tạp mà không phải ai cũng nắm bắt được.

'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của Vũ Hiệp: Đi tìm cá tính nghệ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Chân dung tác giả Vũ Hiệp

Tính độc đáo tập thể

Dân tộc Việt Nam mang trong mình những đặc trưng văn hóa nghệ thuật được đặc biệt chú ý bởi các học giả phương Tây khi họ muốn tìm hiểu về các thuộc tính dân tộc Việt Nam. Tiếp nối những nghiên cứu đi trước, trong cuốn sách này, Vũ Hiệp đã khái quát những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật Việt Nam để dựng nên một bức tranh sơ bộ về tâm hồn Việt Nam qua nghệ thuật.

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Việt Nam là nơi giao lưu giữa các nền văn minh Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á, và sau này là các nền văn hóa phương Tây. Trên thực tế, nghệ thuật Việt Nam ít nhiều có tính "lai ghép" được thể hiện qua rất nhiều công trình di tích kiến trúc, hình tượng mỹ thuật dân gian hay cả nghệ thuật hiện đại mà tác giả đã phân tích như kiến trúc chùa Bách Môn, linh vật Garuda, sự ra đời của hội họa lụa, sơn mài, phong cách các nghệ sĩ nổi bật của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, đến các công trình kiến trúc truyền thống và đương đại.

Về mặt cảm quan tri giác, tính "khắc" - tập trung vào nét, chất cảm, kết cấu bề mặt - là cá tính thứ hai mà tác giả nhắc đến trong nghệ thuật Việt Nam. Tính "khắc" có mối liên quan đến "mối liên hệ giữa tri giác với văn hóa" được các nhà tâm lý học trên thế giới từ giữa thế kỷ 20 đi sâu nghiên cứu. Và dựa trên lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam đạt được những thành tựu rực rỡ liên quan đến tính chất tạo hình thị giác của nghệ thuật chạm khắc.

'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của Vũ Hiệp: Đi tìm cá tính nghệ thuật Việt Nam - Ảnh 2.

Sách “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật”

"Gián" trong nghệ thuật Việt Nam hay gián tiếp là sử dụng bước đệm để giảm tránh sự trực diện, "làm mềm ranh giới". Theo tác giả, nó có ảnh hưởng từ "Phật giáo và lối sống tập thể làng xã". Nó thể hiện một tính chất khéo léo, mềm dẻo trong văn hóa ứng xử, được phân tích qua các lớp kiến trúc dân gian, qua tục ngữ ca dao, cách ăn nói… Trong tâm lý học, những bước đệm như thế rất quan trọng để chuyển trạng thái nhận thức một cách êm đẹp của cộng đồng. Đặc biệt, các hình thức lễ hội tín ngưỡng dân gian như bầu chứa văn hóa, gián tiếp cài cắm khéo léo giáo dục cộng đồng cho sự phát triển hài hòa lành mạnh của thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, sự "tùy", "biến", linh hoạt, ưa những thứ "nhỏ" nhắn, ưa sự chân "thực" gần gũi với đời sống giản dị, hài "hòa", hay "bỡn" cợt bông đùa, "ngoa" hay nói quá… là những đặc điểm không chỉ được tác giả làm rõ qua các hình thức kiến trúc, nghệ thuật của Việt Nam, mà dường như nó hiện diện, ăn sâu vào đời sống tâm lý xã hội trong trạng thái vô thức.

Tác giả Vũ Hiệp từng gây ấn tượng mạnh với cuốn sáchNghệ thuật dưới góc độ di truyền (NXB Mỹ thuật, 2019) được trao tặng thưởng loại A của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.

Huyền thoại và tự sự cộng đồng

Theo tác giả, tự sự cộng đồng là cách thức một cộng đồng bày tỏ mình. Có nhiều phương thức khác nhau để "kể" về mình như ngôn ngữ (truyện dân gian, văn học, báo chí, truyền thông), bản đồ (ranh giới quốc gia, vùng miền, địa phương), bảo tàng (cổ vật, hiện vật lịch sử), nhân khẩu (dân tộc, quốc tịch)... và các tác phẩm nghệ thuật.

Tự sự cộng đồng dung hòa 2 thái cực của nhân loại là "đại tự sự" và "tiểu tự sự". Tự sự cộng đồng mang tính chủ động kiến tạo. Trong đó huyền thoại là một cách tự sự cộng đồng với nhiều cấp độ cá nhân - dân tộc - giống loài. "Những đặc thù chính trị, văn hóa, nhân học mới là vấn đề trọng yếu khi tiếp cận huyền thoại - tâm lý - văn nghệ,… huyền thoại chỉ có thể được thông diễn và thông hiểu khi đặt trong bối cảnh xã hội, dân tộc cụ thể. Huyền thoại vừa nằm trong hành trình tiến hóa sinh học, vừa thuộc về quá trình xã hội hóa".

'Sự kiến tạo các nền nghệ thuật' của Vũ Hiệp: Đi tìm cá tính nghệ thuật Việt Nam - Ảnh 4.

Theo gợi ý của cuốn sách, một vài huyền thoại trọng tâm của Việt Nam có thể là cảm hứng hay tính chất cốt lõi cho văn học nghệ thuật Việt Nam như câu chuyện về đất nước gắn với các câu chuyện chia ly và hoàn cảnh địa lý đặc trưng của dân tộc. "Vuông - tròn" là 2 hình ảnh cơ bản, toàn vẹn trong quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới. Với Việt Nam, quan niệm về hình ảnh này đặc biệt ăn sâu vào tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nghệ thuật cổ, các hình thức tri giác và nhận thức trong đời sống, bởi vậy nó có thể đặc trưng cho nghệ thuật thị giác của người Việt Nam. Bên cạnh đó "giao long" và "cây"... cũng là những đối tượng cụ thể gắn liền với lịch sử văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam…

Tác giả phân tích các kịch bản tự sự cộng đồng ở nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, nhân khẩu, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật hội họa, kiến trúc… của các nước như Nga, Liên Xô (cũ), Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… và  đưa ra quan điểm về sự cạnh tranh các nền nghệ thuật. Từ đó, anh  đưa ra "kịch bản tự sự nghệ thuật Việt Nam" trong thời điểm hiện tại với một số nội dung chính: "Hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", "hệ sinh thái đa dạng, gắn với văn hóa vùng miền, có thể sử dụng như một cách tự sự cộng đồng trong nghệ thuật", "với cơ cấu nhân khẩu, hệ gien, vị trí địa lý có nhiều nét tương đồng với các quốc gia Đông Nam Á lân cận, nên có thể xây dựng nền nghệ thuật lấy Đông Nam Á làm trung tâm", "với đặc thù chính trị - xã hội, nghệ thuật Việt Nam có thể kiến tạo những đỉnh cao chỉ huy do nhà nước hậu thuẫn, bên cạnh các xu hướng khác của nghệ sĩ tự do".

Trong những nhận định trên, "nghệ thuật gắn với hệ sinh thái đa dạng vùng miền" và "Đông Nam Á tâm luận" có thể coi là những phát hiện đáng lưu ý. Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, các hội thảo về nghệ thuật diễn ra trên thế giới tập trung rất nhiều về Đông Nam Á, trong đó các nước như Indonesia, Campuchia với các công trình điêu khắc kiến trúc vĩ đại của họ được lấy làm mũi nhọn. Bên cạnh đó, các vấn đề như xã hội hậu thuộc địa, hậu chiến tranh, biến đổi khí hậu, bản sắc - danh tính, nhập cư - di cư, ranh giới quốc gia… là những vấn đề nóng mà toàn thế giới hướng mũi nhọn vào nghiên cứu nghệ thuật Đông Nam Á. Nằm trong địa chính trị của Đông Nam Á, Việt Nam có lịch sử nghệ thuật và hoàn cảnh địa lý xã hội hoàn toàn phù hợp với tâm điểm trên. Nhưng trên thực tế nghệ thuật Việt Nam chưa thực sự được chú ý trong các hội thảo quốc tế về nghệ thuật Đông Nam Á.

"Nghệ thuật phải tự tìm cho mình một đường quyền, xuất phát từ chính tự sự cộng đồng, định vị, kiến tạo cá nhân trong không gian tương tác với cộng đồng khác" – theo Sự kiến tạo của các nền nghệ thuật.

Cuốn sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật đưa người đọc qua những suy tư sâu sắc về cá nhân, tập thể, lịch sử văn hóa cộng đồng. Trước hết, nó khẳng định giá trị của bản sắc văn hóa cộng đồng đối với mỗi con người trong xã hội Việt Nam. Vấn đề bản sắc được tác giả khai thác dưới nhiều góc độ. Điều thú vị là trong cuốn sách của Vũ Hiệp có hàng trăm ví dụ minh họa đi cùng những phân tích cặn kẽ về ý nghĩa. Việc mạnh dạn xây dựng lý thuyết, khái niệm đến chứng minh nó một cách đầy đủ qua tôn giáo, lịch sử, chính trị, thần thoại, điện ảnh, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, võ thuật, âm nhạc, thơ văn, ca dao tục ngữ, truyện dân gian,  ngụ ngôn, ngôn ngữ, tâm lý… ở các quốc gia khác nhau đem đến sự phong phú và mới mẻ cho cuốn sách và thể hiện sự cầu thị về kiến thức, sự suy tư một cách sâu sắc của tác giả cũng như sự trân trọng với tri thức chung của tác giả. Qua đó, người đọc được truyền cảm hứng.

Mạch viết của Vũ Hiệp trôi chảy và liên tục như văn nói. Đây cũng là một điểm cuốn hút với người đọc.Các luận điểm trong cuốn sách được trình bày theo lối quy nạp - diễn dịch, đưa ra những ý kiến và thuật ngữ có thể mở ra những bàn luận hoặc dễ gây tranh cãi. Trên thực tế, điều này rất cần thiết một trong giới nghiên cứu để thúc đẩy và phát triển môi trường học thuật của Việt Nam. Cuốn sách viết về nghệ thuật nhưng đưa ra rất nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực liên ngành được bàn luận sâu, thẳng thắn. Đó cũng là môi trường của nghệ thuật và rất quan trọng đối với việc định hình một nền nghệ thuật.

Cùng với các công trình trước đó, Sự kiến tạo các nền nghệ thuật của tác giả Vũ Hiệp là tư liệu tham khảo thú vị đối với người thực hành sáng tạo ở Việt Nam và những ai quan tâm đến vấn đề bản sắc.

Vài nét về tác giả Vũ Hiệp

Sinh năm 1982, tốt nghiệp kiến trúc sư Trường Đại học Kiến trúc Xây dựng Saint Petersburg, Nga. Hiện làm giảng viên tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lý luận- phê bình nghệ thuật. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - chuyên ngành Phê bình Mỹ thuật.

Các sách đã xuất bản:

+ Tinh thần khai phóng của nghệ thuật, NXB Mỹ thuật, 2015

+ Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật, NXB Mỹ thuật, 2018

+ Nghệ thuật dưới góc độ di truyền, NXB Mỹ thuật, 2019

+ Sự kiến tạo các nền nghệ thuật, NXB Mỹ thuật, 2022

Các cuốn sách của Vũ Hiệp đã được trao nhiều giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia, Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.

Huyền T. Trần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm