Man United: Đế chế tài chính đang lung lay?

18/12/2013 07:00 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Tương lai của Man United được dự báo là ảm đạm trong thời gian dài sau khi quỹ đầu cơ Odey Asset Management quyết định đặt cược 22 triệu USD vào cổ phiếu của đội bóng này.

Cuộc hành trình của Manchester United kể từ lần đầu lên sàn chứng khoán New York vào tháng 8 năm ngoái là giống như câu chuyện của hai cá thể riêng biệt.

Niềm vui không kéo dài

Trên sân đấu, CLB có 135 năm tuổi đã rơi từ đỉnh của giải Ngoại hạng xuống vị trí thứ 8 trong mùa giải năm nay sau những thay đổi ở thượng tầng, với sự ra đi của cựu HLV Sir Alex Ferguson và cựu Giám đốc điều hành David Gill. Trong 27 năm dưới sự dẫn dắt của Ferguson, Man United đã chuyển mình để thống trị bóng đá Anh, 13 lần vô địch Premier League. Nhưng dưới thời tân HLV David Moyes, Man United đã thể hiện phong độ trồi sụt. Họ không chỉ thua trận những đối thủ đáng gờm mà sẩy chân trước cả những đội bóng được đánh giá là “đàn em”.

Ở lĩnh vực kinh doanh, Man United thể hiện một bộ mặt khác. Là một thương hiệu mạnh với hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, Man United đã có báo cáo doanh thu đạt kỷ lục trong năm 2013. Kết quả kinh doanh quý III (tính đến hết tháng 9/2013) cho thấy doanh thu tài trợ của CLB đã tăng lên 63% so với cùng kỳ năm trước. 


Man United đã rơi xuống vị trí thứ 8 trong mùa này


Trên thị trường chứng khoán, CLB đã có tăng trưởng ổn định kể từ thời điểm lên sàn với giá 14 USD một cổ phiếu.

Man United là một đội bóng doanh nghiệp và phong độ sân cỏ sẽ tác động rõ ràng tới tình hình doanh thu của đội bóng. Sở dĩ có nghịch lý trên không phải vì Man United đứng ngoài quy luật mà nó chỉ đến chậm hơn nhờ hưởng lợi từ chức vô địch Premier League mùa trước. Các bản hợp đồng tài trợ hầu hết đều đến vào 3 quý đầu năm 2013, thời điểm Man United chưa rơi vào khủng hoảng .

Còn hiện tại, Moyes đang chịu áp lực nặng nề để đưa đội bóng trở lại đỉnh cao của giải đấu. Fan Man United cũng đang khát khao điều này. Nhưng liệu điều đó có trở thành hiện thực, ít nhất là trong tương lai gần?

Crispin Odey là “tiên tri”

Quyết định mới nhất của quỹ đầu cơ Odey Asset Management như giáng một nhát búa xuống niềm tin đang dần vỡ vụn của CĐV “Quỷ đỏ”. Người đứng đầu của quỹ đầu cơ có trụ sở tại Anh này, Crispin Odey, đã đặt cược vào tương lai của Man United bằng việc vay 22 triệu USD giá trị cổ phiếu của CLB.

Crispin Odey nổi tiếng ở London bởi cuộc hôn nhân ngắn ngủi với con gái lớn của Rupert Murdoch, với việc thiết kế một chuồng nuôi gà theo kiểu dinh thự ở nhà riêng của mình và cả sự lọc lõi trên thị trường. Không phải tự nhiên mà Odey Asset Management được đưa vào tốp những quỹ đầu cơ khủng nhất với khối tài sản lên tới 7 tỷ USD.

Năm 2008, Crispin Odey từng trở thành tâm điểm giới truyền thông khi bỏ túi khoản tiền khổng lồ 40 triệu USD do dự đoán đúng về tình trạng thắt chặt tín dụng thời điểm nước Anh dần rơi vào suy thoái. Kể từ thời điểm đó, giới kinh doanh chứng khoán thán phục tôn ông làm “tiên tri”.

Hình thức kinh doanh của Odey là ngắn hạn, vay mượn cổ phiếu của một công ty rồi bán đi theo tỉ giá hiện tại trước khi chờ đợi một đợt sụt giảm cổ phiếu để mua vào và kiếm lợi nhuận từ việc trả nợ bằng cổ phiếu. Thế nên, việc Odey vay cổ phiếu của Man United chẳng khác gì dự đoán tương lai ảm đạm của đội bóng áo đỏ thành Manchester trên sân cỏ.

Theo một số nhà phân tích, đự đoán về “sự nghèo đi” của Man United không phải là không có cơ sở. Trong các yếu tố nguy cơ được liệt kê vào danh sách nộp cho Ủy ban chứng khoán Mỹ, Man United nói rõ họ “phụ thuộc nhiều vào các thành viên quản lý, HLV và các cầu thủ”.

Vì số phận CLB liên kết chặt chẽ với thành tích trên sân cỏ, các nhà đầu tư có lẽ sẽ không thoải mái khi nghe phát biểu gần đây của HLV Moyes với truyền thông Anh: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm tốt hơn”.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm