04/01/2020 06:48 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/1/2020 chúng tôi sẽ lại ngược dòng Nho Quế lên Mé Lầu (Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang) cắt băng khánh thành điểm trường thứ 11, đầu tư 200 triệu đồng, giao cho địa phương trước Tết! Điểm trường này có cả bàn ghế, sân chơi, bể nước và có công trình phụ. Một công trình có chất lượng hơn nhiều những điểm làm trước.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Trong một lần lên khánh thành lớp mẫu giáo ở Vần Chải (Đồng Văn, Hà Giang) năm 2014, có một hình ảnh hy hữu làm tôi nhớ mãi. Đó là một bé chừng 3 tuổi, được một cô trong đoàn thiện nguyện mặc cho bộ quần áo mới và lùa vào chân đôi dép tổ ong mà đoàn mang lên tặng. Vừa xong thì bé khóc thét. Không ai hiểu lý do. Càng dỗ nó càng khóc lớn! Sau đấy, mấy mẹ người Mông nói gì với nhau, rồi quần và áo được cởi ra, dép được rút ra, lúc ấy bé mới nín.
Hóa ra quen ở trần, bị mặc quần áo đi dép cháu có cảm giác bị trói buộc, nên sợ hãi quá mà khóc!
Câu chuyện này rất điển hình cho cái khó khi làm thiện nguyện ở rẻo cao. Đừng tưởng làm thiện nguyện là dễ. Lại càng đừng nhầm ai cũng thích“của cho”và dễ dàng nhận “của cho”.
Nhóm từ thiện “Chung tay vì trẻ em vùng cao” có3 người làm trực tiếp, do cô Lương Hằng trưởng nhóm, gọn nhẹ vô cùng mà 5 năm qua làm cho Đồng Văn, Mèo Vạc được 11 điểm trường mẫu giáo, 26 lớp với gần 400 ghế, vào sâu trong bản cũng là câu chuyện lên thác xuống ghềnh, dù việc đó chỉ lợi cho các cháu ở sâu trong núi.
Làm thiện nguyện ở Đồng Văn khởi đầu may mắn là có được sự hợp tác chặt chẽ của Phó Chủ tịch huyện Lý Trung Kiên, nên mọi chuyện về sau dần dần vào nhịp!
Và cũng không thể quên sự ủng hộ nhiệt thành và đặt niềm tin tuyệt đối của các nhà hảo tâm cho nhóm.
Cách làm của nhóm đã sử dụng tiền của các nhà hảo tâm rất hiệu quả. Không rơi rụng đồng nào, chỉ cho tiền móng, còn nhà mang lên lắp tận nơi. Nơi quá khó khăn phải lấy đất nền vào diện tích riêng của gia đình thì chi thêm tiền mua đất nền lớp học.
2. Với người rẻo cao thì chuyện cho trẻ đi học có vẻ chưa bao giờ là quan trọng như ở xuôi. Việc thiện nguyện đó cũng không “suôn đầu sẻ đuôi” như mọi người thường nghĩ rằng “có tiền thì làm gì chẳng được”, “có tiền để cho lại càng dễ”! Nhưng đâu phải thế. Bắt tay vào làm mới biết! Có lần trưởng nhóm Lương Hằng phải buồn tủi than vãn: “Vì các cháu mà làm, vậy mà đôi chỗ đến xin việc cũng không đắt”.
Có rất nhiều sự nhầm lẫn ở đây mà giải thích không thấu. Ví dụ mục tiêu của đoàn là khảo sát tận nơi những bản khó khăn, có số trẻ mẫu giáo đủ một lớp chừng 20 em trở lên là sẽ xây gian lớp rộng 35 - 40m2. Nhưng cơ sở lại muốn nhà rộng hàng trăm mét và trao tiền họ tự làm. Nhiều người cứ nghĩ cái gì đem xuống địa phương đều là của nhà nước cả. Mà là của của nhà nước thì họ có quyền đòi thêm cho đủ.
Trong 5 năm xây dựng 11 điểm trường cũng có nhiều chuyện vui buồn khó nói hết. Ở một điểm trường nọ, thợ của nhóm lên 1 tuần rồi không có nguyên vật liệu để làm. Nhóm phải chuyển tiền lên cho họ thuê người bốc nguyên liệu vào hết. Đến khi bốc xong, bắt đầu dựng nhà thì mới biết cái móng làm thiếu mất 5 mét, trong khi chiều dài nhà là 4 phòng, mỗi phòng 5 mét. Lại phải tiếp tục chuyển tiền lên làm nốt móng. Xong đến khi lát nền thì họ bảo: Người nhận tiền (vốn là cán bộ xã đã chuyển công tác) mua gạch lát thiếu, giờ phải đưa tiền mua bù thôi! Lại lần nữa phải thu xếp tiền chuyển lên. Đến đoạn lắp bàn ghế thì thợ gọi về mới biết bàn ghế bằng gỗ ép công nghiệp nhưng họ chuyển vào vứt giữa trời cả tuần mưa gió ngập nước, ngấm nước nở bung vỡ hết!
Kết quả là tiền đầu tư lên đến 350 triệu, suýt vỡ kế hoạch nếu không được các nhà từ thiện đỡ tay kịp thời!
Lại có lần tại một điểm trường, cán bộ không rành đọc bản vẽ, cậu phụ trách xây dựng phải nhờ bạn làm xây dựng ở thành phố Hà Giang phi xe máy về tận xã để chỉ cho họ làm mặt bằng, đổ móng.
Làm mỗi điểm lại thòi ra một cái bất ngờ ngáng trở, không điểm nào giống điểm nào.
3. Ngọn nguồn sông Nho Quế là đất Thượng Phùng, Sơn Vĩ vắng lặng. Dân ở đây thưa thớt, những bản thuần Mông cụm lại thường nhỏ, nằm kín khít sau những vách núi cao lừng lững. Dòng Nho Quế phía đầu nguồn giống cái hồ dài hút sâu vào trong núi bởi những đập thủy điện ngăn nước dâng lên theo cao trình con đập. Thi thoảng mặt nước cau có run lên bởi cơn gió núi chạy lao xao trênmặt. Nhưng chỉ một thoáng nước lại phẳng, một sắc xanh trong trẻo êm dịu và tự tin trải dài đến chân bờ.
Đoạn này, muốn qua sông phải ngồi trên mảng chứ không có thuyền. Mỗi mảng chở được trên chục người. Mảng được làm từ những cây luồng to bó ghép lại hai ba tầng.
Người núi ở đây cũng quăng chài bắt cá như dân vùng sông nước mọi nơi. Đúng là văn hóa hình thành trên đất sống, cũng xê dịch chứ không có một khuôn mẫu nào cả.
Qua mặt sông rộng vài chục mét, đi mảng mất 15 phút. Bên kia sônglà Mé Lầu A thuộc Sơn Vĩ, Mèo Vạc.
Năm 2018, chúng tôi đã lên khảo sát nhưng do không vận động xin được đất của dân để dựng lớp nên đành rút lui. Nếu làm sẽ là điểm thứ 10. Năm 2019, chúng tôi đã quay trở lại Mé Lầu A khi nghĩ đến hơn 40 cháu bên sông xa trung tâm cả chục cây số không thể đến lớp. Thế là chụm nhau lại, quyết định dành ba chục triệu mua đất làm nền cho khu lớp mới…Cũng vừa xây dựng xong, đó là điểm trường thứ 11. Ngày 4/1/2020 khánh thành.
4. Năm 2019 nhóm thiện nguyện “Chung tay vì trẻ em vùng cao” chúng tôi hoàn thành bàn giao được 4 điểm trường cho địa phương: Đầu năm Sà Lủng, tháng 4 là Quả Lủng, tháng 6 là Xéo Hồ và bây giờ là Mé Lầu A đều trên đất Mèo Vạc.
Một mùa Xuân đang đến. Dự án xây điểm trường mẫu giáo xuống bản của nhóm chưa kết thúc. Điểm thứ 12 đã khởi động tại Lủng Chư, xã Thượng Phùng, Mèo Vạc (4 lớp học, kinh phí dự kiến 300 triệu đồng) để hoàn thành vào tháng 7 tới.
Những ngày này, Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn xanh và cao. Đi chơi vào dịp tam giác mạch nở hoa ríu rít, đào lê đơm nụ này thì tuyệt. Nhưng tôi lại đang ngồi nhớ bao kỷ niệm trên núi: Đi vẽ, viết, đi làm thiện nguyện cùng nhóm năm nay. 5 năm với số tiền quyên góp được là 1.786.750.000đ (một tỷ, bảy trăm tám sáu triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng) của các nhà từ thiện, nhóm thiện nguyện chúng tôi đã làm cho Đồng Văn, Mèo Vạc 26 lớp mẫu giáo tại 11 điểm trường của 11 bản.
Tính ra đến hôm nay, dăm trăm lượt các cháu 5 năm qua đã có chỗ học an toàn ấm áp tại gốc bản. Cộng với tiền ủng hộ lẻ của bạn bè, có người xa tận TP.HCM, trang bị vật dụng cho các lớp học và tiền xe cộ ăn uống tự bỏ ra của các thành viên thiện nguyện, tiền đối ứng của một số bản, số tiền tất cả cộng lại chỉ suýt soát 2 tỷ đồng. 2 tỷ đồng mà có một thành quả không hề nhỏ và quá ý nghĩa với rẻo cao. 2 tỷ đồng bì với hàng trămtỷ ở đâu đó bị thất thoát do tham nhũng và quản lý kém cỏi, mới thấy đồng tiền chắt chiu có ý nghĩa như thế nào với đời sống miền rừng.
Vài câu chuyện đi làm thiện nguyện ở núi kể vào vào ngày Xuân để chúng ta cùng mừng thành quả cho các cháu nhỏ và cùng cười vui theo mùa đào nở!
Họa sĩ Đỗ Đức
(Nhóm “Chung tay vì trẻ em vùng cao”)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất