Sol Campbell: Họ gọi tôi là "kẻ phản bội da đen đồng tính"

16/07/2012 15:06 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Còn ai có thể nói về những nhìn nhận và đánh giá với cầu thủ da màu tốt hơn Sol Campbell, một trong 4 đội trưởng da đen của đội tuyển Anh, một trong những trung vệ xuất sắc nhất, có sự nghiệp kéo dài nhất và cũng bị phân biệt đối xử nhiều nhất ở bóng đá xứ sở sương mù.


Sol Campbell từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc - Ảnh: Getty

Campbell nói những vấn đề của anh tại Tottenham bắt đầu từ rất sớm và không chỉ dừng lại ở các CĐV. Là một thanh niên nghiêm túc và có kỷ luật, anh ký hợp đồng cầu thủ trẻ với CLB khi 15 tuổi, năm 1989 và có trận ra mắt 3 năm sau đó. Khi đó Campbell mới 18, nhưng anh tin rằng mình lẽ ra phải được khởi nghiệp sớm hơn. “Tôi lẽ ra có thể dễ dàng bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp ở tuổi 16, 17. Riêng ở vị trí của tôi, tôi giỏi hơn hầu hết những cầu thủ khác trong đội. Những người khác có kinh nghiệm, nhưng nói riêng về tài năng, tôi lẽ ra dễ dàng được chơi cho đội một”.

Cầu thủ da trắng nhận lương cao hơn

Phải chăng là vì màu da? “Tôi không biết”, Campbell tỏ ra thận trọng. “Tôi không dám nói một điều như thế. Có lẽ họ chỉ không sẵn sàng để tôi ra sân quá sớm, vì một thứ định kiến kỳ lạ nào đó. Có lẽ họ chỉ sử dụng cầu thủ da trắng cho vị trí trung vệ, còn da màu cho những vị trí khác. Có lẽ họ không chờ đợi nhìn thấy một cầu thủ da đen cư xử như tôi”.

Vậy họ chờ đợi một cầu thủ da đen cư xử như thế nào? “Cười cợt, khéo léo trên sân, nhưng nghiện rượu, thái độ tồi. Không chỉ ở Spurs, mà ở các CLB khác, đó là những gì họ chờ đợi. Không phải một thiếu niên da đen chín chắn, chuyên nghiệp, chăm chỉ và có kỷ luật”. Campbell cho rằng những cầu thủ da đen bị đối xử khác biệt ở mọi cấp độ: “Một cầu thủ da trắng giỏi bằng, hoặc thậm chí không giỏi bằng vẫn được trả lương cao hơn. Tôi từng rất thất vọng vào lúc khoảng 17, 18 tuổi, đã muốn rời CLB. Bạn bè tôi đều đạt được bước đột phá vào đội một, nhưng tôi thì không”.


Campbell bị CĐV Spurs căm ghét vì chuyển sang Arsenal - Ảnh: Getty

Khi Campbell rời Spurs và gia nhập đội bóng kình địch Arsenal, anh bị những CĐV ở White Hart Lane gọi là “kẻ phản bội”. Từ đó trở đi, các CĐV Spurs dùng những từ ngữ tồi tệ nhất với Campbell. Trong bối cảnh đồng tính vẫn là một đề tài rất nhạy cảm trong thế giới bóng đá, cầu thủ duy nhất công khai chuyện đó, Justin Fashanu, đã tự kết liễu đời mình, thì những lời chửi bới Campbell là một thứ cocktail đắng ngắt pha trộn giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những kết tội anh là kẻ đồng tính (bất chấp sự thật là Campbell có khá nhiều bạn gái nóng bỏng thời điểm đó và giờ đã kết hôn).

Vết sẹo cuộc đời

Tuy nhiên, trong khi thừa nhận đã trải qua những ngày khó khăn, cựu đội trưởng tuyển Anh cho rằng mọi việc còn gian nan gấp bội với những cầu thủ da đen khác: “Tôi có gia đình và bè bạn, tôi cũng mạnh mẽ, nhưng họ làm tổn thương cả gia đình tôi, với tôi, như thế là quá sức chịu đựng”. Năm 2005, người em trai là John bị bắt giam một năm vì tấn công gây thương tích nghiêm trọng với một sinh viên học cùng vì sinh viên ấy rằng Sol là người đồng tính. Những sự kiện như thế đã khiến Sol suy nghĩ tới việc ra đi, thậm chí là giải nghệ. “Tôi từng nghĩ đến việc chuyển sang Tây Ban Nha, hoặc Italia, dù những nơi đó cũng có vấn đề với cầu thủ da màu không kém gì ở Anh”, Campbell nhớ lại.

Năm nay, Campbell thậm chí khuyên những người Anh da đen không nên tới Ba Lan và Ukraina tham dự EURO 2012 sau khi các sự kiện phân biệt chủng tộc ở đây được chiếu trên BBC. Rốt cuộc đó là sự thận trọng quá đáng, nhưng rõ ràng quá khứ đã để lại vết sẹo với anh. “Tôi thật sự rất buồn, cảm thấy trống rỗng”, anh nói về những lần như thế. “Tôi đã phải tự chống chọi một mình. Không ai thèm quan tâm. Tự tôi phải đến gặp FA (LĐBĐ Anh), gặp cảnh sát mỗi lần có chuyện, để nói: Có chuyện này xảy ra với tôi. Tôi cần giúp đỡ. Đây là bóng đá, không phải chiến tranh hay phong trào chính trị”.

Trần Trọng

* Đón đọc kỳ cuối trong số báo ngày mai, 17/7/2012

Vì sao hiếm thủ môn da đen?

Thủ thành Arthur Wharton có lẽ là cầu thủ bóng đá da đen chuyên nghiệp đầu tiên ở Anh khi ông được đưa về Rotherham năm 1889, nhưng Wharton chỉ chơi 6 trận cho 7 CLB trong sự nghiệp kéo dài 16 năm.

Trong 70 năm tiếp theo, chỉ rất ít cầu thủ da đen thành công với bóng đá Anh. Trong số đó có Clyde Best, người duy nhất đá chính ở giải hạng Nhất vào đầu những năm 1970. Giờ ông đang làm việc ở quê nhà Bermuda. Best chơi cho West Ham và trong khi trên sân nhà, các trận đấu khá dễ chịu, sân khách là chuyện khác. “Mỗi khi xa nhà, tôi lại bị chửi bới kinh khủng”, ông nói. “Ít nhất ngày nay một đội bóng có 4-5 cầu thủ da đen để giúp nhau. Tôi chỉ có một mình. Tôi luôn tự nhủ mình là một đại sứ của tất cả những người da đen yêu bóng đá, để có thể vượt qua”.

75 năm sau khi Wharton treo găng, thủ môn da đen thứ hai xuất hiện ở giải chuyên nghiệp Anh. Alex Williams có trận ra mắt ở Manchester City năm 1980. Tại sao các thủ môn da đen lại hiếm hoi như vậy? Rất đơn giản, theo Williams, có một định kiến: “Cầu thủ da đen luôn được coi là khỏe và nhanh: họ chỉ đá được tiền đạo”.

Là một thủ môn, Williams dễ phải nhận các tràng la ó hơn bất cứ cầu thủ nào khác trên sân. “Hồi đó, căng thẳng sắc tộc còn rất lớn và tôi không thể nào chơi hết một trận mà không bị ai đó nói gì về màu da của mình”. Năm 1979, Williams chơi trong trận chung kết Cúp FA cho đội trẻ gặp Millwall, một đội nổi tiếng với các CĐV cực hữu: “Chúng tôi chơi lượt về ở Old Den, thật khủng khiếp, họ gọi tôi bằng đủ thứ, ném chuối và đồng xu xuống sân như mưa rào”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm