Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội

13/02/2024 18:22 GMT+7 | Tin tức 24h

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, trời Hà Nội nắng ấm, thuận lợi cho những chuyến du Xuân đầu năm.

Từ mùng 1 Tết (ngày 10/2) đến mùng 4 Tết (ngày 13/2), các điểm di tích, các điểm vui chơi trên địa bàn thành phố đều đón lượng lớn khách đến tham quan, trải nghiệm trong không khí tưng bừng, phấn khởi.

Những di tích là điểm đến nổi tiếng của Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, Thăng Long tứ trấn, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm... thu hút đông đảo khách đến chiêm bái, lễ Phật, Thánh và trải nghiệm không khí đón Xuân ngày đầu năm mới. Công tác tổ chức đón khách du lịch tại các khu, điểm tham quan diễn ra sôi động, chu đáo. Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chuỗi các hoạt động, sự kiện tại các điểm đến đã giúp các du khách hòa mình vào không khí Tết cổ truyền của vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 1.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo du khách dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN phát

Tính đến ngày mùng 4 Tết (ngày 13/2), lượng khách đến tham quan Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đạt hơn 50.000 lượt khách trong những ngày đầu năm Giáp Thìn. Dịp này, sân Đoan Môn, trước thềm điện Kính Thiên, khu vực Hậu Lâu... được trang hoàng rực rỡ với sắc màu của các loài hoa Xuân, các tiểu cảnh sắp đặt, các đồ trang trí Tết cung đình. Du khách còn được ngắm nhìn cây nêu ngày Tết dựng ngay trước Đoan Môn, thưởng lãm không gian trưng bày Tết dân gian truyền thống, Tết cung đình...

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 2.

Du khách tham quan điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN phát

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến thu hút đông đảo người dân Hà Nội và du khách các tỉnh, thành phố đến tham quan, xin chữ đầu năm. Tại đây cũng đang diễn ra Hội chữ Xuân Giáp Thìn nên càng hấp dẫn du khách. Trong 4 ngày từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón 90.000 lượt khách đến tham quan. Để đảm bảo du khách tới đón Xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ… tại toàn bộ khu vực di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sáng mùng 1 Tết, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức đón 36 khách quốc tế (Đan Mạch và Na Uy) đến "xông đất" làng cổ. Các du khách được đón tiếp nồng hậu thông qua chương trình chào mừng, được tặng quà là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và những món quà mang ý nghĩa ngày Tết. Họ cũng được Ban Quản lý hướng dẫn đạp xe tham quan di sản và thưởng thức ẩm thực ngày Tết của Đường Lâm. Trong 4 ngày Tết, làng cổ Đường Lâm đón hơn 15.000 khách tham quan, trong đó có hơn 600 khách quốc tế.

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 3.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long rực rỡ sắc Xuân, thu hút đông đảo du khách tham quan. Ảnh: TTXVN phát

Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, để phục vụ nhu cầu tham quan và tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền, Ban Quản lý tổ chức các trò chơi dân gian tại cổng làng và đình làng. Tại các không gian sáng tạo, các điểm di tích, các nhà cổ đều tổ chức các điểm "check-in" đón tiếp du khách. Làng cổ Đường Lâm vừa được Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á công nhận là sản phẩm du lịch bền vững năm 2024, được đông đảo du khách quốc tế chọn là điểm đến khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ.

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 4.

Suối Yến tấp nập du khách trẩy hội chùa Hương đầu năm. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, Khu di tích Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 25.000 lượt khách tham quan trong 4 ngày Tết Nguyên đán. Khu di tích Thành cổ Sơn Tây cũng tổ chức trưng bày sinh vật cảnh với hơn 400 tác phẩm, trưng bày hội báo Xuân với hơn 20 đầu báo, trưng bày ảnh nghệ thuật với hơn 60 tác phẩm, tổ chức các giải đá cầu, kéo co, cờ người... chào Xuân.

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 5.

Ông đồ cho chữ tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: TTXVN phát

Ngay từ mùng 2 Tết, lễ hội chùa Hương đã đón du khách trẩy hội sớm. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, trong 3 ngày miễn phí vé (từ 30 Tết đến mùng 2 Tết) số lượt du khách đến với chùa Hương là 30.000 người. Mùng 3 Tết bắt đầu thu vé, số lượt người đến vãn cảnh chùa là hơn 20.000 người. Trong ngày mùng 3 Tết, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lễ hội chùa Hương trước ngày khai hội.

Đánh giá về công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội chùa Hương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, công tác chuẩn bị cho ngày khai mạc lễ hội đã sẵn sàng, đảm bảo đúng quy định. Là một lễ hội trọng điểm, thu hút đông người, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự báo tình hình và sẵn sàng các phương án xử lý khi lượng người dự hội đông, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.

Sôi động không khí du Xuân tại các điểm di tích, vui chơi ở Hà Nội - Ảnh 7.

Đông đảo du khách trẩy hội chùa Hương đầu Xuân. Ảnh: TTXVN phát

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách đến Hà Nội tăng hơn so với năm trước, đặc biệt là khách quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cũng ban hành nhiều công văn gửi các đơn vị về việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; tăng cường đợt cao điểm tập trung người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền trên địa bàn Hà Nội; đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật dịp Tết Nguyên đán.

Đinh Thuận/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm