Chuyển giao bóng đá cho các doanh nghiệp là phù hợp với chủ trương xã hội hóa thể thao của Nhà nước. Nó là con đường hiệu quả nhất để bóng đá các địa phương thoát ra khỏi sự trì trệ của cơ chế và tư duy làm bóng đá bao cấp lâu nay.
Hiện nay, số Công ty Cổ phần bóng đá, hay rộng hơn là thể thao ở ta mới chỉ chiếm thiểu số. Nếu ví việc chuyển dịch đến quyết định thành lâp các Công ty là đã đến cửa biển, thì tất cả các đội bóng đó đã phải trải qua những khúc suối sông với bao trầy xước, biến động. Có thể đó là hành trình khổ ải kiếm tiền tài trợ của các doanh nghiệp trước, sau mỗi mùa bóng, gắn tên kèm theo được nhận mấy tỷ đồng, để rồi không biết Mạnh Thường Quân của mình cắt đuôi lúc nào. Đã quá nhiều mối tình giữa doanh nghiệp với các CLB bóng đá ở ta tan vỡ ở tuổi chuyên nghiệp thứ 9. Rồi rào cản từ những định kiến kiểu: bán đội bóng rồi màu cờ sắc áo, thương hiệu truyền thống còn không?
Việc thành lập Công ty Cổ phần thể thao ( hay bóng đá) là kết quả của những chuyển dịch khó khăn đó. Chủ trương này sẽ tập hợp được nguồn lực về vật chất và trí tuệ của số đông, tạo ra sức bật mạnh mẽ hơn.
Không chỉ riêng SHB.ĐN, khi thành lập Công ty Cổ phần thể thao, các CLB như một kẻ đã đứng trước cửa biển trong hành trình kiếm tìm miền đất hứa. Họ buộc phải bước xuống dòng nước mặn, xông lên phía trước và hiểu rõ sóng gió còn khó khăn hơn rất nhiều. Năm 2008, SHB.ĐN đã ngốn gần hết 40 tỷ đồng cho bóng đá. Vậy nếu không làm cho nó đẻ ra tiền thì tình hình sẽ ra sao ?
SHB.ĐN(trái) từng thắng như chẻ tre ở giải tập huấn Cúp Hà Nội chỉ bằng đội hình hai
Khó, khổ, thậm chí thất bại nhưng việc chuẩn hóa CLB ( mô hình doanh nghiệp) theo tiêu chuẩn của AFC không còn là việc thích hay không nữa, mà đã là nhu cầu bắt buộc của tất cả các CLB trong châu lục đến năm 2010. Nếu không, quyền lợi của CLB hay rộng ra của nền bóng dá các quốc gia thành viên sẽ bị ảnh hưởng. Bài học Bình Dương mới đây không được dự Cup C1 châu Á 2009 còn nóng hổi. Nên nhớ, đây là đội bóng hoạt động chuyên nghiệp thuộc dạng nhất nước, kể cả Hội CĐV.
Tuy nhiên, cũng không đến mức bi quan quá bởi hôm qua, trong ngày vui của SHB.ĐN, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng cho biết con số rất thật: cả châu Á mới chỉ có 10 CLB đạt tiêu chuẩn của AFC mà thôi!?
Thế nên, điều cần thiết với các Công ty Cổ phần thể thao ( hay bóng đá ) ở ta là làm sao để nó trở thành đường băng cho bóng đá cất cánh và gặt hái được nhiều thành tựu.
Việc Công ty Cổ phần Thể thao SHB.Đà Nẵng đề ra trong hoạt động của mình có dịch vụ môi giới, chuyển nhượng vận động viên thể thao là một hành động khá táo bạo. Bóng đá Sông Hàn cũng đang làm rất tốt khâu đào tạo trẻ. Ví như sau VCK U21, cỡ Thanh Hưng nếu lên sàn chuyển nhương giá cũng trên tỷ đồng. Đó sẽ là một nguồn thu rất lớn cho Công ty. TGĐ Công ty Cổ phần thể thao SHB.ĐN Bùi Xuân Hòa nói: “Lãnh đao VFF rất ủng hộ chủ trương này, thế nên anh Hỷ và anh Tuấn mới vào Đà Nẵng dự lễ ra mắt. Việc một giới cầu thủ ở ta lâu nay thiếu công khai, minh bạch khiến thị trường chuyển nhượng ảo, gây tiêu cưc cho bóng đá nước nhà. Chúng tôi làm công khai thì chỉ có tốt cho nền bóng đá nước nhà. Riêng cầu thủ Đà Nẵng, họ sẽ có động lực phấn đấu hơn bởi hoàn toàn có thể đầu quân cho CLB khác để thay đổi môi trường, đồng thời vẫn nhận được số tiền tương xứng”.
Nhưng điều quan trọng nhất với bóng đá Đà Nẵng là từ sự chuyển đổi này, liệu họ có thể làm nên được chức vô địch hay không sau gần 2 thập kỷ trắng tay ở V-League và giải VĐQG ? Bóng đá Đà Nẵng trước khi gắn tên, chuyển sang doanh nghiệp cũng không thiếu tiền, thậm chí có thể nói là thừa tiền và quân rất mạnh nhưng họ vẫn thất bại.
Thế nên điều quan trọng nhất vẫn là cách làm, ít nhất cũng như chặng đường mà họ trải qua ở giai đoạn hai của mùa giải 2008, khi Đà Nẵng thăng tiến chóng mặt và trở thành ứng viên đáng kể trong giai đoạn cuối. HLV Huỳnh Đức biết điều đó và ông cũng đã chuẩn bị tất cả để mùa giải 2009 hanh thông ngay từ vạch xuất phát. Chính sự tự tin của Huỳnh Đức đã làm cho các cầu thủ cũng tự tin, rằng Đà Nẵng mùa này sẽ làm nên cuộc “đảo chính” ở V-League
NGỌC HÒA