'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền

11/12/2023 12:19 GMT+7 | Văn hoá

Saigon Concert và Arabesque Việt Nam bắt tay thực hiện vở diễn ballet đương đại mới, mang tên Senzen, sẽ diễn 2 đêm 16, 17/12 tại Nhà hát TP.HCM. Đã hơn 2 năm kể từ đại dịch Covid-19, Arabesque Việt Nam mới chính thức tái ngộ công chúng, sau một thời gian miệt mài đi lưu diễn, giao lưu ở nước ngoài.

Vở ballet đương đại Senzen (biên đạo: Nguyễn Ngọc Anh) được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Giám đốc nghệ thuật Tấn Lộc, cũng là người thủ lĩnh của Arabesque Việt Nam, chia sẻ, anh có duyên nợ với nước Nhật rất nhiều.

Tấn Lộc từng có những quãng thời gian đi du học về múa ở Nhật khá dài, mà lần đầu tiên là từ 29 năm trước. Không lạ khi vở diễn của Tấn Lộc, ngoài các nghệ sĩ đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), có sự góp mặt nghệ sĩ múa tài năng người Nhật Chika Tatsumi, có Trần Văn Thịnh, người từng được học bổng đào tạo và làm việc tại Nhà hát ballet quốc tế Fukuoka. Đặc biệt là có sự tham gia của tay trống taiko nổi tiếng của Nhật Bản, người từng trình diễn tại lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020.

'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền - Ảnh 1.

Giám đốc nghệ thuật Tấn Lộc. Ảnh: Đại Ngô

Kể chuyện thiền qua ngôn ngữ của múa

Đây là lần đầu tiên Arabesque Việt Nam thực hiện một vở về thiền và cũng hiếm hoi mới có một vở ballet đương đại khai thác về thiền. Đạo diễn Tấn Lộc đã ấp ủ đề tài này từ những ngày sống giữa dịch Covid-19 ở TP.HCM.

Thời gian đó, với vai trò tình nguyện viên của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Tấn Lộc cùng bạn bè, người thân hầu như ngày nào cũng ngược xuôi nhiều nơi của thành phố để tiếp ứng thực phẩm, đến mức người ta chỉ biết và quen gọi là "ông thầy Lộc từ thiện".

'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền - Ảnh 2.

Diễn viên múa Vũ Minh Thư trong “Senzen”. Ảnh: Đại Ngô

Trong những ngày tháng ấy, anh càng cảm nhận rõ hơn việc mình và bạn bè phải đối diện với quá nhiều chuyện không như ý, khi mọi thứ trong đời sống đều bị đảo lộn, khi không làm được điều mình có thể làm được, và sự quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói bên trong bản thân quan trọng đến mức nào.  Để nhận ra, những xáo trộn khiến mình phải tĩnh lại mới có thể làm những việc mình mong muốn được tốt, ý nghĩa hơn.

Sen đẹp nhờ bùn, không bùn thì cũng không sen, như con người ta luôn có mặt phải và mặt trái, làm sao để có thể dung hòa được cả hai mặt này là cả một quá trình không dễ dàng. Tấn Lộc đem suy nghĩ ấy thể hiện trong Senzen. Anh nói, ê-kíp thực hiện dựng vở ballet này không phải là để cho khán giả thấy chúng tôi là thế này, thế kia, mà là những người đang cố gắng làm việc tốt nhất theo cách của mình, bằng tất cả niềm yêu mến công việc đang làm.

'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền - Ảnh 3.

NSƯT Tố Như trong “Senzen”. Ảnh: Đại Ngô

Người nghệ sĩ đã nhìn những sự việc khó khăn, chật vật trong cuộc sống, những sự xáo trộn nội tâm, tìm về cái tôi bên trong và tìm đến việc thiền định trong đời sống như một điều cần thiết. Senzen diễn tả nội tâm rất mạnh mẽ của người bên ngoài sóng gió, nhưng bên trong bình tâm, vững chãi để có thể giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Vở ballet cuối của nghệ sĩ Tố Như?

Bên cạnh sự góp mặt của các tên tuổi như biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh, Cao Chí Thành, còn có NSƯT Tố Như tiếp tục đảm nhiệm vai trò múa chính trong Senzen. Tố Như cho biết, sau vở diễn thành công The ballerina, chị đã dự định giã từ công việc biểu diễn và chỉ tập trung vào công tác giảng dạy, đào tạo. Nhưng sau khi nghe đạo diễn Tấn Lộc và ê-kíp phân tích nội dung Senzen thì Tố Như quyết định tham gia một lần nữa, trước khi từ biệt hẳn.

Nghệ thuật thay đổi cuộc sống

Tấn Lộc tâm sự: "Nghĩ về thiền, mỗi người sẽ nghĩ có một kiểu cảm nhận khác nhau. Chỉ mong làm sao cho mỗi người xem sẽ gặp nhau ở cảm nhận: thiền giúp cho người ta bình tĩnh hơn, tập trung hơn, sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc hiện tại của mình hơn".

Trước đây, vở Sương sớm do Tấn Lộc đạo diễn từng có đợt diễn miễn phí cho sinh viên ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào năm 2016. Khi đó, Tấn Lộc nghĩ nhiều bạn sinh viên đi xem cũng là để thỏa tò mò một vở múa hiện đại nó như thế nào.

'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền - Ảnh 5.

Nghệ sĩ trống Satou Kensaku sẽ trình diễn trong “Senzen”. Ảnh: Oonishi Nobuo

Nhiều năm sau, Tấn Lộc đi lưu diễn ở miền Trung, ngụ ở một khách sạn lớn, thì có người đến chào thầy. Anh hỏi lại tôi dạy múa cho em hồi nào mà không nhớ. Người thanh niên kia nói, em không có học thầy, nhưng được xem vở Sương sớm của thầy. Em quê ở miền Trung, đôi khi em xem nhẹ quê mình. Sau khi xem Sương sớm, em mới thấy yêu thích và thương quê hương mình nhiều hơn. Từ một đứa rất lười học, em đã quyết tâm học thật giỏi. Ra trường, em về quê, làm ở khách sạn 5 sao, mong giúp đỡ quê mình nhiều hơn.

"Khi bạn nói vậy, mình mới nhận ra, à công việc mình làm lúc ấy thấy cũng bình thường, nhưng đối với một số người nào đó, lại đặc biệt hơn và có ý nghĩa hơn. Mình hiểu hơn về chuyện nghệ thuật thay đổi cuộc sống. Đó là câu trả lời cho câu hỏi mọi người hay nói về mình: mày khùng à, biết làm là lỗ mà vẫn cứ làm hoài". Đó là một trong những điều củng cố cho niềm tin chắc như đinh đóng cột lâu nay của Tấn Lộc: nghệ thuật có thể thay đổi cuộc sống, làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

'Senzen' - vở ballet đương đại mang hơi thở thiền - Ảnh 6.

Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh trong “Senzen”. Ảnh: Đại Ngô

Anh nói, làm chương trình này, một lần nữa chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn về tài chính, địa lý, khi các nghệ sĩ tham gia, người TP.HCM, kẻ Hà Nội, người ở nước ngoài. Chúng tôi học được nhiều thứ, thực hành tinh thần của vở diễn: đối diện với nhiều khó khăn, nhiều việc bất như ý, mình càng phải "senzen", phải tĩnh, phải lắng, phải thiền một chút để giải quyết.

"Đối với bản thân Lộc, khi thảo luận với các anh chị em nghệ sĩ khi lên ý tưởng thực hiện vở diễn, việc tịnh tâm không chỉ riêng tụi mình cần, mà cả xã hội đều cần. Bây giờ mọi người sống nhanh sống vội quá, bản thân mình cũng vậy. Tính thiền trong Senzen, trước tiên là để nhắc nhở bản thân mình, sau đó là nhắc nhở những người xung quanh, bạn bè, học sinh của mình, sự lan tỏa sẽ dần dà. Đó là mong muốn của mình khi thực hiện chủ đề này" - Tấn Lộc nói.

"Thể loại múa ballet đương đại tương đối kén khán giả, nhưng tín hiệu vui đã có khi khá nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Z, tiktokker nổi tiếng đã mua vé đi xem" - Tấn Lộc nói.

Lỗ vẫn làm

Chuyện khó khăn tài chính với Arabesque khi thực hiện vở mới đã là chuyện thường ngày phải gói ghém, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Lỗ vẫn làm, đó là xác định chắc nịch của ê-kíp thực hiện. Rồi sẽ tìm cách giãn lỗ, tìm kiếm thêm cơ hội trình diễn nhiều hơn cho Senzen vào năm 2024. Tấn Lộc và Arabesque vẫn nhận lời làm chương trình event này, biểu diễn sự kiện thương mại nọ, để kiếm tiền lo cho múa.

Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm