SEA Games 31: Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

16/02/2018 08:50 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - "SEA Games 31 và Para Games 11 sẽ tổ chức vào tháng 8/2021, thời điểm này không trùng với các sự kiện thể thao lớn, không rơi vào tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo... Dự kiến là sẽ có 30-36 môn với sự tham dự của 11 quốc gia trong khu vực", Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng hồ hởi nói với Thể thao & Văn hóa như vậy như vậy, trong buổi trao đổi về việc TP.HCM xin đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 tới đây.

Làm sống dậy Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc

Trong Tờ trình của UBND TP.HCM gửi và được Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương về Đề án Đăng cai Đại hội TDTT Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 và Para Games 11 tại TP.HCM ghi rõ: Đăng cai SEA Games 31 là cơ hội nâng cao vị thế và uy tín của TP.HCM – đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị trong cả nước. Đồng thời góp phần chủ động quảng bá hình ảnh TP.HCM đến các nước trong khu vực về sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ không chỉ riêng trong lĩnh vực thể thao mà còn trong nhiều lĩnh vực… Giới thiệu đến bạn bè quốc tế về TP.HCM – giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình và có chất lượng sống tốt đẹp.

Đăng cai tổ chức SEA Games là bước đi cụ thể để triển khai dự án xây dựng Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thành phố, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa 10 và Chương trình hành động số 27 ngày 26/7/2012 của Thành ủy TP.HCM và chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Có thời gian sống tại TP.HCM và biết rõ những trăn trở của những người trong ngành thể thao mới thấy ước mơ xây dựng được một khu liên hợp thể thao hiện đại “trần ai” như thế nào. Nếu người viết không nhầm thì từ năm 1994, TP.HCM đã quy hoạch 220 ha cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Tuy nhiên, tính đến nay, sau hơn 20 năm, Khu liên hợp thể thao này vẫn còn là một vùng đất mênh mông với dừa nước và năn nác um tùm và các dự án xây dựng mới nằm trên…giấy.

Tiếp Thể thao & Văn hóa trong bối cảnh dự án xây một sân vận động hiện đại 50.000 chỗ ngồi tại Rạch Chiếc đang có những tiến triển tốt đẹp, Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao TP.HCM. ông Mai Bá Hùng nói: “Để có cơ hội đăng cai thì TP.HCM phải có sân vận động cho môn điền kinh và bóng đá, một cung thể thao dưới nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện TP.HCM đã có 24 địa điểm thi đấu thể thao, có thể nâng cấp để phục vụ SEA Games. Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng đã được đập đi để xây mới với tổng kinh phí lên tới 19.000 tỷ đồng. Dự kiến, đây sẽ là nơi tổ chức Lễ bế mạc SEA Games 31, nơi thi đấu các môn như TDDC, aerobic, trung tâm báo chí và trung tâm truyền hình”.

Thật ra các quận huyện ở TP.HCM đều có các nhà thi đấu nhưng hầu hết đều nhỏ và xuống cấp, nếu có chăng thì Nhà thi đấu Phú Thọ đủ tiêu chuẩn cho 1 vài môn thể thao nhưng cũng đã cũ kỹ bởi được xây từ năm 2003 (khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22). TP.HCM cũng từng có một sân vận động tầm cỡ quốc gia là sân vận động Thống Nhất nhưng khi Mỹ Đình được xây dựng thì danh xưng này cũng biến mất. Được xây dựng thế kỷ trước, sân Thống Nhất đã quá cũ, xung quanh thì đường xá nhỏ hẹp. Dù có được sửa chữa, nâng cấp vài lần nhưng như “chiếc áo vá đi vá lại” không thể là một chiếc áo đẹp.

Có một việc mà sau này những quan chức ngành thể thao TP.HCM và khán giả có mặt trên sân Thống Nhất trong giải Tiger Cup 2008 không thể nào quên. Số là trước giải, để chăm sóc mặt cỏ cho xanh tốt, những nhà quản lý sân đã bón phân chuồng cho cỏ và thế là sân bốc mùi thum thủm ngay trong trận đấu đầu tiên của giải khiến ai có mặt cũng muốn chạy trốn vì mắc cỡ với các quan khách nước ngoài.

Nhưng chưa phải màu hồng…

Dự án xây dựng Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc đã dần hình thành, dù mới trên giấy, nhưng để có được những bản vẽ hình hài, quy mô của công trình, các nhà đầu tư đã phải bỏ ra vài chục tỷ đồng và thực hiện trong vài năm mới cho một bản thiết kế tổng thể. Như chủ đầu tư Bình Minh Group đã thuê công ty HTT Group của kiến trúc sư Việt kiều Hồ Thiệu Trị và CR Architecture thiết kế tới 6 mẫu xây dựng sân vận động và một trung tâm bóng đá. Còn chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (S.D.I) thì thuê nhóm 3 công ty thiết kế: Sasaki, AISA và Hermes Power để tư vấn xây dựng dự án tổng thể tỷ lệ 1/2000.

Chú thích ảnh
Bản đồ quy hoạch và phối cảnh Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trái tim của SEA Games 31 nếu được tổ chức tại TP.HCM

Có thể nói, bên cạnh sân thi đấu xe đạp lòng chảo trong nhà do một công ty Hàn Quốc đã “đặt chỗ”, trung tâm bóng đá trong nhà (futsal) Thái Sơn Nam, khu dịch vụ thể thao của City Group, nơi tập chèo thuyền trên 1 khúc sông Rạch Chiếc thì “trái tim’ của Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc vẫn là sân vận động chính với sức chứa 50.000 chỗ ngồi nhằm phục vụ cho Lễ khai mạc SEA Games, 1 bảng bóng đá, các nội dung điền kinh trị giá 30.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hùng, nhà đầu tư đã có sẵn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ủng hộ chủ trương cho TP. HCM đăng cai SEA Games 31, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thành ủy và chỉ chờ được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho TP.HCM đăng cai thì TP.HCM sẽ chọn nhà đầu tư và phương án xây dựng.

'Không xây mới công trình phục vụ SEA Games 31 bằng ngân sách'

'Không xây mới công trình phục vụ SEA Games 31 bằng ngân sách'

Sau khi UBND thành phố Hà Nội có công văn gửi Bộ VH, TT&DL xác nhận việc xin đăng cai tổ chức SEA Games 31, PV báo Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội

Theo Tờ trình do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký, để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm phục vụ SEA Games 31, thành phố đề xuất các dự án này được thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BT) và thành phố được sử dụng tài sản công, quỹ đất ngay tại khu Rạch Chiếc phù hợp với quy hoạch để thanh toán hợp đồng BT cho các nhà đầu tư.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

Lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân cứ xoáy lên trong suy nghĩ của người viết khi kết thúc bài viết này. Có lẽ các cấp lãnh đạo TP.HCM không thể chậm trễ hơn nữa bởi thời gian không chờ chúng ta. TP.HCM so với các tỉnh thành khác có thể nói là luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Ngay như lĩnh vực văn hóa, TP.HCM là nơi có một Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ Kịch duy nhất trong cả nước. Và nhất là khi thành phố mang tên Bác mới đây đã được Quốc hội quyết định cho hưởng cơ chế đặc thù.

Chú thích ảnh

Theo đề án đăng cai SEA Games 31 của TP.HCM, tổng kinh phí dự kiến khoảng 15.600 tỉ đồng, bao gồm các khoản chi như đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc (180,731 hecta) và kinh phí chi trực tiếp để đăng cai SEA Games 31.

Dự toán chi trực tiếp cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào khoảng 7.476 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 6.571 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố và địa phương phối hợp (tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai) chi 1.466 tỉ đồng, còn lại 5.105 tỉ đồng được huy động từ nguồn đầu tư xã hội hóa.

Đỗ Hải Âu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm