14/05/2022 08:55 GMT+7 | Chuyển động
Ở 3 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển bơi Việt Nam đều đứng vị trí thứ 2 toàn đoàn. Tại khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Singapore vượt hẳn lên về trình độ, trong khi Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều đầu tư rất mạnh những năm gần đây. Vì thế, kết quả ở 3 kỳ SEA Games 2015, 2017 và 2019 được xem như thành công của các kình ngư Việt Nam.
Ở giải đấu trên sân nhà lần này, những kình ngư Việt Nam xác định mục tiêu đảm bảo vị trí thứ nhì toàn đoàn. Đằng sau đích ngắm khiêm tốn đó là vô vàn khó khăn đội tuyển đang phải trải qua.
Khoảng trống của Ánh Viên
Trong thành tích chung của đội tuyển bơi Việt Nam, những đóng góp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vô cùng đậm nét. 25 tấm HCV đã được cô gái quê Cần Thơ này mang về cho bơi lội Việt Nam ở các kỳ SEA Games 2013, 2015, 2017 và 2019 là minh chứng. Cũng trong 4 kỳ SEA Games đó, Ánh Viên đã đóng góp đến 25/36 HCV cho đội tuyển bơi Việt Nam!
Vậy nên, khi Ánh Viên chia tay ĐTQG, khoảng trống của “cô gái vàng” để lại là không thể phủ nhận. Điều này cũng dự báo, bơi Việt Nam sẽ khó khăn như thế nào cho mục tiêu giành 6-8 HCV SEA Games 31. Còn theo nhận định của giới chuyên môn, không còn Ánh Viên, đội tuyển bơi Việt Nam có thể mất ít nhất 4 HCV tại SEA Games lần này.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh- nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) đã nhận định: “Một thời, Ánh Viên là “của để dành” nhằm gánh trọng trách lấy HCV SEA Games. Bây giờ. Ánh Viên nghỉ thì “hụt hẫng rồi” là đương nhiên. Tôi nghĩ các VĐV trẻ trong khả năng có thể cố gắng phấn đấu để lấy được 4-5 HCV cho môn bơi ở SEA Games 31 tới, còn để thêm HCV nữa đúng là khó khăn”.
Chỉ tiêu giành từ 6-8 HCV dựa vào ai?
Chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển bơi Việt Nam tập luyện xuyên Tết Nguyên Đán. Sau đó có chuyến tập huấn tại Hungary với các VĐV chủ lực. 9 kình ngư nam, nữ với những cái tên nổi bật Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Phạm Thành Bảo, Phạm Thi Vân, Lê Mỹ Thảo… đã sang châu Âu tập huấn từ cuối tháng 2 năm nay.
Cùng với đó, nhiệm vụ giành HCV được đặt lên vai những kình ngư tên tuổi Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên. Trong đó, Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ giành 3 HCV ở các nội dung sở trường gồm: 400m, 800m và 1.500m tự do nam.
Cùng với đó, Phạm Thành Bảo dự tranh ở 100m và 200m ếch. Nguyễn Hữu Kim Sơn và Trần Hưng Nguyên sẽ cạnh tranh ở nội dung 400m tự do, 200m và 400m hỗn hợp. Mới đây, tại giải bơi ở Eger - nơi các tay bơi Việt Nam đang tập huấn bên Hungary, kình ngư trẻ Trần Hưng Nguyên đã giành HCV 400m hỗn hợp và lập kỷ lục quốc gia với thành tích 4’19”54 (kỷ lục cũ là 4’20”62).
Ngoài ra, một số gương mặt khác cũng được hy vọng. Đó là Lê Mỹ Thảo, một trong những VĐV kỳ cựu ở đội tuyển bơi Việt Nam., đặc biệt ở nội dung bơi bướm. Người còn lại là Phạm Thị Vân, nữ kình ngư 17 tuổi.
Trong khoảng 2 năm gần đây, Phạm Thị Vân là phát hiện lớn nhất của làng bơi Việt Nam. Đáng chú ý, trong 3 giải đấu liên tiếp trong thời gian qua, Phạm Thị Vân đã vượt qua Ánh Viên đến 4 lần. SEA Games lần này, rất có thể Phạm Thị Vân có thể bước ra ánh sáng tại “đường đua xanh”.
Về mục tiêu giành được từ 6-8HCV, Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam Đinh Việt Hùng khẳng định: “Sẽ có khó khăn hơn các kỳ SEA Games trước. Tuy nhiên, sự tranh chấp HCV sẽ là 50/50 thôi. Thật sự, ban đầu chúng tôi có tham vọng lớn hơn, nhưng căn cứ vào thực tế, chúng tôi quyết định chọn phương án từ 6-8 HCV. Mục tiêu này không thay đổi và kỳ vọng đội tuyển bơi Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc”.
Các nội dung thi đấu của bộ môn bơi sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 19/5, tại Cung Thể thao dưới nước (Mỹ Đình, Hà Nội)./.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất