Ký sự đường xa: 'Để E-mail ở nhà'

09/12/2013 09:25 GMT+7 | Bên lề

(Thethaovanhoa.vn) - Qua những bài báo và cả chia sẻ của các đồng nghiệp đang tác nghiệp kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games lần thứ 27, trên đất Myanmar, kêu ca về chuyện mạng mẽo ở xứ chùa vàng “í ẹ” quá, nhiều nhiều người ở nhà cảm thấy sốt ruột thay.

Một đồng nghiệp của chúng tôi, thậm chí đã buột miệng: “Sao không đi tìm cái hay, cái lạ, cái mà người đọc mong đợi, để viết, thay vì suốt ngày cứ than vãn, mạng mẽo tệ, rồi thức ăn không hợp nhỉ”. Ngày trước, khi mạng internet còn chưa bùng nổ như hiện tại, chúng ta giải quyết thế nào với việc truyền tin bài về, trong những lần tác nghiệp ở nước ngoài? Với các phóng viên viết, mọi chuyện khá đơn giản, khi chỉ cần tìm đến các khách sạn lớn và mò vào phòng business, là coi như xong. Nhưng phóng viên ảnh thời đại kỹ thuật số còn xa vời, quả là bĩ cực, khi họ phải rửa ảnh (từ phim), rồi chạy ra sân bay nhờ người chuyển về nước, để hôm sau báo in…

Nói chung chuyện tác nghiệp của phóng viên thì muôn hình vạn trạng, nhưng theo quan điểm của người viết, chúng ta chỉ nên ghi lại trong các kỷ yếu hay nhật ký cá nhân và xem đó như những trải nghiệm thú vị, thay vì kêu ca trên mặt báo. Người đọc, nói như anh đồng nghiệp của tôi, họ không mong chờ những thông tin như thế, mà họ mua báo để đọc những điều lạ lẫm, thú vị, với chức năng của phóng viên là khám phá, phát hiện và đưa tin.

Các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 27 được hỗ trợ điều kiện làm việc tương đối tốt. Ảnh: C.M.T

Người Việt Nam, với một bộ phận, đúng là thích soi mói, chỉ trích nhiều hơn, thay vì khích lệ và cố gắng cải thiện tình hình. Khi các hệ thống ADSL, cáp quang hay ISDN modern còn ở thời kỳ phôi thai, rất thường xuyên chúng ta chỉ có thể dùng dial-up networking (kết nối máy vi tính với mạng điện thoại). Người ta tính rằng, cuối năm 2000, đã có hơn 1/4 tỷ người quay số vào internet thông qua dial-up. 3 năm sau đó, chúng ta tổ chức SEA Games 22 trên sân nhà.

Lúc này (tức năm 2003), vấn đề mạng internet ở Việt Nam đã khá hơn nhiều rồi và nhiều quán café hộp, họ thậm chí còn có cả hệ thống wifi để phục vụ khách. Nhưng nhiều người, trong đó có anh đồng nghiệp (khác) của tôi, vẫn trung thành với dial-up hoặc quay vnn1269, đã hoảng hốt vì “để quên e-mail ở nhà”, sau khi được tòa soạn đề nghị gửi gấp một tấm hình của VĐV môn petanque Trúc Diễm, người đã bật khóc sau chiếc HCĐ đoạt được, một hình ảnh rất cảm động.

10 năm trước, chúng ta vẫn còn ngô nghê thế đấy, ngay tại sân nhà của mình!

Phóng viên ăn thịt chuột qua bữa

Đối với nhiều phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 27, thời gian quý như vàng. Tất cả đều tận dụng thời gian rảnh để tác nghiệp và có rất ít thời gian ăn uống. Giải pháp của họ thường là ăn lương khô, mì gói, bánh kẹo hoặc... tiện nhà dân nào thì xin ăn ké ở đó.

Tuy nhiên, do thời gian không có nhiều nên đa số phóng viên đến nhà dân vào lúc đã quá bữa và được mời các món khô hoặc đồ nhậu. Phổ biến nhất là thịt chuột khô tẩm ớt, gia vị.

Đây là món phổ biến của người nông dân Myanmar, đặc biệt là đối với dân nhậu. Cũng như ở Việt Nam, sau mùa gặt, người dân bắt chuột đồng, làm sạch sau đó tẩm gia vị rang khô để ăn dần. Thịt chuột được chặt ra thành từng miếng, vuông nhỏ như thịt gà, khi ăn có thể cảm nhận thấy rõ xương giòn, da dai và thịt khá ngọt.

Tất nhiên, không nhiều phóng viên Việt Nam có thể ăn được món này. Cá nhân người viết nhận thấy món này khá ngon và dễ ăn, đặc biệt là khi uống chung với loại rượu nhẹ truyền thống của Myanmar.

Cao Mạnh Tuấn (từ Nay Pyi Taw)


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm