Có một Myanmar mới

20/12/2013 13:33 GMT+7 | Bên lề

(Thethaovanhoa.vn) - Thit Ko Ko lúc nào cũng vậy, mặt đầy vẻ nghiêm túc, nói chuyện chậm rãi. Anh nhấp chén rượu nhạt Thai Yee như nhấp chén trà, chẳng có chút gì của một người đang ngồi trong quán rượu. Rồi anh chợt hỏi "How do you feel about my country ?" (Anh thấy đất nước tôi thế nào?).

Phải nói thật, tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này. Lý do bởi tôi mới chỉ có vài ngày ở Nay Pyi Taw, thủ đô 10 năm tuổi của Myanmar. Nhưng khó hơn bởi cái vẻ ngoài đầy nghiêm túc của Ko Ko. Sau một hồi suy nghĩ, tôi đành trả lời một cách an toàn: “Peaceful” (Thật yên bình).

Ko Ko có vẻ không hài lòng lắm với câu trả lời. Anh lại nhâm nhi cái thứ rượu nhạt thếch, dậy mùi mẻ mà tôi và cậu bạn cũng đang uống. Sau một hồi trầm ngâm, anh lại tiếp câu chuyện theo kiểu nhát gừng. Anh nói gì đó về đất nước, về cuộc sống, cả về giới trẻ đang “lạ” dần theo sự phát triển của đất nước. “Truyền thống của người Myanmar không phải thế này”, anh vừa nói vừa đánh mắt về mấy cậu trai trẻ xăm trổ đầy người, tóc vàng tóc xanh... đang ngồi uống rượu bên chiếu dưới. Tôi cười và giải thích, đất nước nào rồi cũng vậy, có phát triển thì có du nhập những cái tốt cái xấu.



Búng vòng, một trò chơi dân gian của người dân Myanmar. Ảnh: C.M.T


Ko Ko gật gù nhưng tỏ rõ vẻ không hài lòng. Chắc hẳn anh là kiểu người truyền thống, giống như Việt Nam một thời thường hay than thở “Bao giờ cho đến ngày xưa”.

Cuộc sống quanh hồ Ngalike khá yên bình. Cứ qua vài ngôi làng lại mới có một quán nhậu bình dân dạng này để cho những người như Ko Ko ngồi.

“Đối với người nông dân Myanmar thì công việc thường chỉ diễn ra vào buổi sáng. Từ khoảng tầm trưa đổ đi họ đã có thể tụ họp nhau ở quán rượu thốt nốt, nhắm thịt chuột kho, nhằn hạt đậu tương chấm mắm tôm hoặc xe vài con cá đập rán. Mọi thứ rất rẻ, chỉ mất chưa đến 1.000 kyat cho 3-4 người nếu không quan trọng đồ nhậu”, Ko Ko vừa dẫn tôi đi vòng quanh cái quán nhỏ lề đường vừa nói về cách nhậu của người nông dân Myanmar. Anh lấy làm tiếc vì không thể giúp tôi mang loại rượu thốt nốt lên men rất đặc biệt này về Việt Nam vì nó dễ hỏng. Nhưng anh hứa xong niêu rượu này, anh sẽ đưa tôi đến một trang trại nhỏ ở ngoại ô Nay Pyi Taw, nơi những người nông dân mới đang có thu nhập tốt hơn rất nhiều với cách canh tác lúa nước truyền thống.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một trang trại bò sữa. Ông chủ trang trại đi vắng, bà vợ lấp ló từ trong nhà nhìn ra một cách đầy tò mò. Có lẽ đây là lần đầu tiên có khách nước ngoài đến thăm gia đình họ. Ko Ko dường như đã quen với gia đình. Anh móc túi mua 2 hộp sữa chua đông đá mời chúng tôi ăn và luôn ra dấu “rất ngon, rất tốt”. Như anh cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của chính phủ, những trang trại như thế này đang giúp nhiều người giàu lên, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong ăn uống. Và đặc biệt có thêm món mới, sữa chua đông đá để giải khát trong thời tiết vô cùng nóng nực của Myanmar.

Phyu Thein Soe vẫy tay chào Ko Ko như người trong gia đình. Khó có thể ngờ rằng cô gái trẻ ấy lại là chủ một trang trại lớn trồng rau quả. Ko Ko cho biết, sở dĩ anh dẫn tôi đến trang trại này bởi vì anh muốn tôi biết về một Myanmar mới với những người trẻ, có học và mạnh dạn làm ăn từ nông nghiệp. Phyu Thein Seo cho biết, trang trại của cô cung cấp rau xanh cho hầu hết các khách sạn lớn ở Nay Pyi Taw và luôn đảm bảo đó là rau sạch. Nhờ có trang trại này, gia đình cô hiện đã xây dựng được một cơ ngơi kha khá cùng các trang thiết bị hiện đại. Mặc dù cho rằng việc người nông dân khó có thể thoát nghèo nhờ trồng lúa nhưng Seo vẫn không bỏ nghề này. Với những gì học được, cô mạnh dạn cắt bớt ruộng, mua thêm vài thửa đất để tập trung chính vào trồng bắp cải, ớt, cà chua, súp lơ...

“Tôi không bỏ lúa mà chỉ tập trung làm buổi sáng. Chiều tôi và vài người nữa chủ yếu chăm rau củ quả. Như vậy cơ bản tôi đã giúp được nhiều người không còn rảnh rỗi vào mỗi buổi chiều”, Seo chia sẻ. Và cho đến thời điểm này, cô vẫn thấy mình đi đúng hướng. “Người nông dân Myanmar có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Họ gần như không làm gì ngoài chăm lo mấy thửa ruộng và điều đó tất nhiên dẫn đến nghèo đói. Những gì chúng tôi, những người trẻ Myanmar đang làm sẽ thay đổi điều đó”. Seo tạm biệt chúng tôi bằng một tờ quảng cáo nho nhỏ nông trại của mình và hẹn gặp lại vào một ngày gần nhất với hy vọng, khi nào chúng tôi trở lại Myanmar, người nông dân của đất nước này đã giàu hơn.

Chốt lại chuyến đi không dự tính trước cùng chúng tôi, Ko Ko lại dẫn đến một quán nhậu khác. Nó giống như quán nước đầu làng ở quê Việt Nam vậy. Ở đây lúc xế chiều tụ tập khoảng 10 người đàn ông. Họ đến bởi giờ chẳng còn việc gì để làm. Đang mùa thốt nốt ra quả, đồ uống đương nhiên vẫn là loại rượu lên men từ thứ cây này. Uống đủ “đô”, tất cả kéo nhau ra giết thời gian bằng cách chơi trò bắn vòng. Khoảnh đất rộng hơn chục mét vuông nhanh chóng được chia thành 2 bên với 5 viên đá được dựng đứng. Nhiệm vụ của 2 người mỗi đội là phải bắn 1 chiếc vòng sắt sang phần sân đối phương. Đá của bên nào đổ hết trước coi như thua.

“Trò vui này được người nông dân Myanmar chơi thường xuyên mỗi khi nông nhàn. Dư dả thì đội thắng có vài trăm đồng kyat. Nếu không thì đội thua mời đội thắng uống thai yee miễn phí”, Ko Ko giải thích. Anh cho biết, thường thì thời gian nhàn rỗi của họ khá nhiều.

Mặc dù hay uống rượu nhưng thai yee là loại rượu rất nhẹ, chẳng thể làm ai say được. Chính vì vậy họ vẽ ra rất nhiều trò chơi quanh nhà. Đám trẻ thì thích chơi đẩy vòng với những chiếc lốp. Người lớn thích búng vòng sắt, chơi một trò chơi gần giống cá ngựa nhưng lại có tới 6 viên xúc xắc và quân lại là bất cứ thứ gì có xung quanh. Nếu không có ai chơi cùng thì họ sẽ chẳng biết làm gì ngoài nhai trầu và đi vòng quanh thăm hàng xóm.

Vừa lái xe đưa chúng tôi về khách sạn, Ko Ko vừa trầm tư bằng cách nói chuyện nhát gừng của mình. Anh lo lắng đôi chút với những khu khách sạn cứ mọc lên san sát suốt dọc trục đường chính của Nay Pyi Taw. “Ở đây du lịch không có gì đặc sắc. Những khách sạn đó, những công trình SEA Games sau tháng này sẽ được sử dụng thế nào cho hiệu quả? Tất nhiên Chính phủ sẽ tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư, các hội thảo quốc tế... về đây để sử dụng hết công suất các công trình đó. Nhưng nói thực tôi vẫn còn băn khoăn lắm”, Ko Ko tâm sự.

Quả thực, tôi cũng chia sẻ với anh chàng này về những điều đó. Nhưng ngược lại, tôi lại đang thấy một Nay Pyi Taw đầy tiềm năng phát triển với một hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn toàn mới. Chắc chắn sẽ không có gì bất ngờ nếu chỉ 10 năm nữa thôi, Nay Pyi Taw sẽ trở thành một thành phố hiện đại, đông đúc và giàu có, đặc biệt là khi có những người còn biết trăn trở vì đất nước như Ko Ko, còn có những người dám mạnh dạn áp dụng những suy nghĩ mới như Seo.

Cao Mạnh Tuấn
Từ Nay Pyi Taw, Myanmar

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm