'Sẽ dựng tượng đài tôn vinh nhà báo liệt sĩ'

05/03/2014 09:36 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Trước tin vui về việc Hà Nội có thêm một tuyến phố mới mang tên nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến, TT&VH đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ về sự kiện này, cũng như những kế hoạch sắp tới của Hội để tôn vinh những nhà báo - liệt sĩ của Việt Nam.

Ông Hà Minh Huệ cho biết:

- Trước tiên, thay mặt Hội Nhà báo VN, tôi gửi lời cám ơn chân thành tới UBND Thành phố Hà Nội về sự vinh danh này. Sự kiện Hà Nội có thêm một tuyến phố mang tên Trần Kim Xuyến - lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam và cũng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam theo những tư liệu hiện có - cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhận công lao đóng góp của các nhà báo đối với sự nghiệp cách mạng.

Ông Hà Minh Huệ

Ông Hà Minh Huệ

Trong dịp này, ngoài nhà báo Trần Kim Xuyến, cố nhà báo Thép Mới của báo Nhân dân cũng được chọn để đặt tên cho một trong 28 tuyến đường phố mới của Hà Nội. Trước đó, TP.HCM cũng đã lấy tên nhà báo - liệt sĩ Bùi Đình Túy (bút danh Đình Thúy), nguyên Phó giám đốc của Thông tấn xã Giải phóng, để đặt cho một cây cầu và một tuyến phố tại đây. Theo quan sát của tôi,  đến thời điểm hiện tại đã có 3 nhà báo cách mạng Việt Nam đã được vinh danh bằng hình thức đặt tên đường phố, trong đó có 2 nhà báo của TTXVN. Đó là niềm tự hào của giới báo chí nói chung, cũng như của TTXVN nói riêng.

* Với 2 cuộc chiến tranh vừa qua, hẳn chúng ta đã có rất nhiều nhà báo - đã hy sinh như trường hợp nhà báo Trần Kim Xuyến?

- Theo như những tư liệu hiện có, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên toàn quốc đã có hơn 400 nhà báo nằm lại tại chiến trường. Trong số này, có khoảng gần 300 nhà báo là cán bộ của TTXVN. Đó là chưa kể các nhà báo bị thương, bị nhiễm chất độc da cam, mang di tật suốt đời…

* Ở góc độ chuyên môn, trong những năm qua, Hội Nhà báo đã có những hoạt động gì để tri ân các nhà báo - liệt sĩ này, thưa ông?

- Từ năm 1995, Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định truy tặng Huy chương (sau này gọi là Kỷ niệm chương) "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho các nhà báo đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và giải phóng dân tộc. Năm 1996, Hội đã tập hợp, biên soạn và ấn hành cuốn Chân dung nhà báo liệt sĩ dày 600 trang về hơn 300 nhà báo - liệt sĩ… Thực hiện nguyện vọng của giới báo chí, hiện nay Hội Nhà báo đang xây dựng Đề án (và trên thực tế đang triển khai một phần) Bảo tàng báo chí Việt Nam, trong đó dành một phần không gian để trưng bày, giới thiệu về các nhà báo liệt sĩ.

* Ngoài những đề án trên, Hội Nhà báo Việt Nam còn có kế hoạch dài hơi nào nữa trong ý tưởng tôn vinh các nhà báo - liệt sĩ?

- Từ rất lâu, chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng dựng một tượng đài Nhà báo Việt Nam và đề nghị được sử dụng một không gian trang trọng tại Hà Nội để đặt tượng đài. Theo đó, tượng đài sẽ gồm 3 hình tượng nhà báo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ và giai đoạn hiện đại. Trước mắt, có thể một phiên bản nhỏ sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Sơn Tùng (thực hiện)   
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm