Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo: Làm phim "dưỡng già"

15/12/2009 16:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Gọi điện cho tôi từ Cà Mau, khi đang lênh đênh trên thuyền dọc dòng kênh đi tìm bối cảnh cho bộ phim nhựa Cánh đồng bất tận (BHD sản xuất), ông nói: Ngồi đây ngắm cảnh, nghĩ đến Nguyễn Ngọc Tư.

“Cố vấn” cho phim Cánh đồng bất tận

Nhà phê bình Ngô Thảo cùng con rể Nguyễn Phan Quang Bình (đạo diễn phim Cánh đồng bất tận) đi chọn cảnh ở Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp. Vừa làm “cố vấn nghệ thuật” cho phim, ông vừa tranh thủ gặp các bạn văn dưới miền Tây, cùng nhau đi thăm lại căn cứ kháng chiến Bảy Núi (Long An), ngủ lại một đêm trên Núi Cấm. Đến Đồng Tháp, vẻ đẹp vẫn còn nét hoang sơ của vùng đất và các món ăn dân dã: cá linh, bông điên điển làm ông vui thú. Sau khi cố định cảnh để quay Cánh đồng bất tận vào cuối tháng 11 vừa qua ở hai tỉnh Đồng Tháp, Long An, ông đã trở về Hà Nội vừa lúc thời tiết vào Đông.


Ông Ngô Thảo

Trở về Hà Nội, hẹn gặp, ông “kéo” tôi lên tầng 18, khu văn phòng rộng (đến, về đều bị lạc lối) của Công ty BHD do hai cô con gái Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích Hiền làm chủ. Tôi tò mò hỏi: Ông làm gì ở đây thế? Nhà phê bình Ngô Thảo cười hồn hậu: Ông lên đây đọc báo, uống trà vặt thôi.

Thì ra sau hơn 20 năm làm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, có hai khóa làm Phó Tổng Thư ký thường trực, ông về hưu năm 2006. Giờ đây, ông được hai con gái mời làm “giám hộ” nghệ thuật cho Công ty BHD và Hãng Phim Việt, được trả lương đàng hoàng. Với đồng lương ấy, ông lại mời bạn bè đi nhậu. Trong một buổi tiệc, khách mới không khỏi lạ khi thấy một ông già mặt tròn, tóc điểm bạc, dáng bệ vệ, áo sơ mi cắm thùng quần âu, tuổi gần 70, liên tục đứng dậy, tươi cười xởi lởi gắp thức ăn và rót rượu cho tất cả người ngồi chung bàn, dù những người ngồi chung ấy, kém ông từ 10 đến 50 tuổi, mặt bơ phơ và quần áo nhàu nhĩ.

Đau đáu những kỷ niệm về thời trận mạc

Nhà phê bình Ngô Thảo bắt đầu câu chuyện từ năm 1964, sau khi tốt nghiệp khóa 5, Khoa Văn học, ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công về làm việc tại Viện Văn học Việt Nam. Đến tháng 2/1965, Ngô Thảo đi bộ đội với cấp bậc binh nhì tại Trung đoàn Pháo binh 38, Sư 308. Tháng 5/1965, ông được về Hà Nội, kết hôn với người yêu từ thuở phổ thông (cùng học cấp 3 Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh).

(Kể chuyện đến đây, ông Ngô Thảo ngâm nga: “Hoài đời mà lấy binh nhì/ Năm đồng một tháng lấy gì nuôi con” rồi cười khà khà).

Tháng 4/1968, đơn vị pháo binh của ông đi chiến trường Bình Trị Thiên, đánh nhau tổng cộng 23 trận trong đó có 13 ông trận trực tiếp chiến đấu. Từ binh nhì, Ngô Thảo lên trung đội trưởng trinh sát pháo binh, lên chính trị viên phó đại đội, làm trợ lý tuyên huấn của trung đoàn phụ trách một đội “cờ đèn kèn trống” đi biểu diễn văn nghệ cho các đơn vị trong trung đoàn...

... Hỏi ông, suốt từng ấy năm đánh trận, điều gì làm ông nhớ nhất? Không cần nghĩ, ông kể luôn: Đó là ngày 6/4/1968 đi chiến trường, hơn một tháng sau, ngày 7/5/1968, đơn vị ông bị B52 đợt đầu tiên. Một nửa trung đội chỉ huy và một nửa khẩu đội pháo dính bom ở đường tránh cua chữ A đường 20. Giữa rừng, cáng liệt sĩ trên võng, ông đi trước phát cây mở đường, một anh  lính trẻ đi sau, mưa tầm tã ướt cả liệt sĩ lẫn chiến sĩ. Đi được một đoạn, anh lính trẻ xin đi trước vì sợ. Ông hiểu rõ, người đi sau, nghĩa là phải trông thấy liệt sĩ rõ mồn một. Ngày ấy, lính tráng ai cũng còn trẻ măng, chỉ mới học cấp cứu thương binh, nào ai biết khâm liệm liệt sĩ. Miếng vải liệm đặt ngang hay dọc, buộc dây bao nhiêu nút và làm điếu văn đều không tường. May tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân kế bên có “kinh nghiệm” làm điếu văn sẵn, phút cuối, chính trị viên tiểu đoàn Đỗ Son đưa ông bản viết sẵn đó. Ông vừa đọc vừa sửa để hợp với hoàn cảnh hy sinh của đơn vị. Ông hoàn thành nhiệm vụ tốt đến nỗi, từ đó về sau, hễ đơn vị có người hy sinh, ông lại được cử ra để viết và đọc điếu văn. Nghe thật buồn!

Ngô Thảo tâm sự: “Ra mặt trận, điều lo nhất lúc bấy giờ là có chịu đựng nổi khó khăn, vượt qua được chính mình? Nhờ những lần cọ xát chiến trận như vậy đã giúp ông dày dặn lên. Con có biết khi chôn đồng đội, cảm giác lớn nhất của ông là gì không? Lúc ấy, ông đã ước, giá như mình nằm ở đây. Đồng đội thì ra đi thanh thản, còn người sống phải lo thu dọn trận địa tanh bành, đau đớn nhất là phải nhặt xác đồng đội không nguyên vẹn, rồi lo miếng cơm manh áo và con đường phía trước thì dài dằng dặc...”.

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai, liên quan đến vợ con. Năm 1966, vợ sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Ngô Thị Bích Hiền. Lúc ấy, sắp đi chiến trường, ông nghe tin vợ đẻ, vừa mừng lại vừa lo không biết sẽ nuôi con như thế nào. Năm 1969, khi Hiền được ba tuổi, vợ ông mang con vào miền tây Quảng Bình, nơi ông ra an dưỡng thăm chồng. Đang lúc bom đạn ác liệt lại đưa con thơ dại đi cùng, bà quả là gan! Mỗi khi thấy bộ đội, bà lại nhờ mang tin nhắn đến chồng, ấy vậy mà sau hai ngày, ông cũng nhận được tin nhắn. Khi biết vợ con đang tìm mình, ông mừng vô kể kèm theo bối rối vì kỷ luật đơn vị không cho phép người thân vào thăm. May sao, nơi an dưỡng gần quê ông, ông được đơn vị cho phép gặp vợ ba ngày. Ra bến xe sơ tán của Đồng Hới, ông tìm được vợ con đang nằm trong chuồng trâu, trên cái võng mượn được từ một anh bộ đội nào đó. Đưa vợ con về thăm quê, ban đầu Hiền không nhận ra bố, vì từ khi sinh ra, nào đã biết mặt ông, cố gắng cưng nựng, dần dần Hiền cũng quen, khi quen được bố rồi, cũng là lúc cô phải xa bố.

Năm 1971, ông được Tổng cục Chính trị điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập lý luận rồi chuyển sang làm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu cho đến khi về hưu.

Cuộc đời thật nhiều bất ngờ, làm anh bộ đội, đi biểu diễn văn nghệ, làm nhà phê bình, làm lãnh đạo giới sân khấu, và giờ đây, về hưu lại “đa mang” thêm với nghề làm phim...

***

Trước khi chào ông ra về, tôi hỏi: Kết thúc của phim Cánh đồng bất tận có u ám như truyện không? Ông nói, không hề đâu nhé, cảnh kết sẽ mở ra một cánh đồng lúa chín đầy lạc quan. Nhưng lúc này, miền Tây đang mùa nước nổi, để có cảnh cánh đồng lúa chín trong ba tháng tới, đoàn làm phim đã phải tiến hành việc tát nước ra khỏi đồng, cấy lúa sớm, rồi còn chuẩn bị cả đàn vịt mấy trăm con...

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm