Sách chọn 28 nghệ sĩ đương đại Việt Nam: “Gây sốc” không phải là tiêu chí

06/04/2013 07:32 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ thuật đương đại ở Việt Nam: Có hay không? Đó là câu hỏi mà hai nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương và Phạm Trung đặt ra ngay đầu cuốn sách Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010. Câu trả lời tất nhiên là có, bởi nếu không thì cuốn sách này đã không ra đời. 

Cuốn sách phát hành 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh, in màu, dày hơn 230 trang, in ở NXB Tri thức với nguồn tài trợ từ nhiều tổ chức nghệ thuật. 2 tác giả đều công tác tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội tối 4/4.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam được khẳng định có tồn tại, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại thế giới, được đánh dấu bằng màn trình diễn đầu tiên của nghệ sĩ Trương Tân tại xưởng vẽ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào tháng 1/1994. Báo chí chưa bắt kịp diễn biến của nghệ thuật đương đại cho đến cuối thập niên 2000.

Bìa hai bản tiếng Anh và tiếng Việt của cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010
Nghệ sĩ tiêu biểu không có nghĩa là lên báo nhiều

Đây là tài liệu đầu tiên tổng hợp những gương mặt nghệ sĩ đương đại tiêu biểu của Việt Nam suốt từ khi mới xuất hiện đầu thập niên 90 cho đến năm 2010. Đó là khoảng thời gian mà theo 2 tác giả, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã mở đầu (1994-1999), trải qua làn sóng thứ nhất (2000- 2002) và thứ hai (2003-2005), rồi đến giai đoạn 2006-2010 đầy ắp sự kiện.

Một điều “ngang trái” là nghệ thuật đương đại ở ta lâu nay nỗ lực “mở cửa” hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác bằng cách đưa các vấn đề đời sống xã hội vào tác phẩm, nhiều khi năng động hơn cả văn học, âm nhạc và điện ảnh, nhưng vẫn bị coi là một lĩnh vực “bí hiểm” đối với chính xã hội.

Có lẽ, đó là do cách thể hiện: các tác phẩm mỹ thuật, trình diễn với hình thức lạ lẫm, thậm chí đôi khi khiến công chúng bình thường thấy khó chấp nhận. Mới đây nhất, một tiết mục trình diễn của Đào Anh Khánh ở bãi sông Hồng đã bị nông dân phản đối, buộc dẹp bỏ.

2 tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung cho biết, khi viết cuốn sách này, họ đã tham khảo cách viết giản dị từ cuốn Art Today của nhà nghiên cứu người Anh Edward Lucie-Smith, đó là lập ra một danh sách các nghệ sĩ nổi bật cùng những bản “CV” (lý lịch) sự nghiệp ấn tượng.

28 nghệ sĩ đương đại được chọn đưa vào sách là 28 nhân vật có đóng góp nổi bật cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam qua thời gian tồn tại non trẻ 20 năm. Một số cái tên tiêu biểu: Trương Tân, Đào Anh Khánh, Trần Lương, Lê Quang Đỉnh, Lý Trần Quỳnh Giang, Lê Huy Tiếp, Ly Hoàng Ly...

Trong đó, những nghệ sĩ trình diễn tiên phong của Việt Nam như Trương Tân, Đào Anh Khánh, Trần Lương đều có điểm chung là từng có những màn trình diễn gây sốc, khiến giới nghệ thuật và báo chí xôn xao. Nhưng gây sốc không phải là một tiêu chí. Chẳng hạn, Lại Thị Diệu Hà, một nữ nghệ sĩ đương đại gây chú ý vài năm gần đây vì những màn trình diễn khỏa thân hay hành xác, không có tên trong sách.

Trao đổi với  TT&VH, nhà nghiên cứu Bùi Như Hương cho biết đánh giá của 2 tác giả không bị ảnh hưởng bởi mức độ ồn ào của các sự kiện nghệ thuật trên báo chí. “Chúng tôi có quan điểm riêng và độc lập” - bà Hương nói.

Nghệ sĩ Trương Tân trong màn trình diễn ghê rợn mang tên Ô nhiễm năm 2000: giết lươn và nhét vào hàng trăm chiếc bánh mỳ với thông điệp tẩy chay sát sinh, tẩy chay bạo lực. Ảnh chụp từ sách Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010

Nghệ thuật Việt Nam: “không chỉ biết qua Nora Taylor”

Quan trọng hơn, đây là cuốn sách đầu tiên viết về nghệ thuật đương đại Việt Nam bằng tiếng Anh để giới thiệu với giới nghệ thuật quốc tế.

Nora Taylor là nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, tác giả cuốn Họa sĩ ở Hà Nội: Yếu tố dân tộc học của nghệ thuật Việt Nam vẫn được nhắc đến như một tài liệu nghiên cứu công phu và tâm huyết của một người nước ngoài về nghệ thuật Việt Nam.

“Ở nước ngoài, khi bàn về nghệ thuật Việt Nam, người ta vẫn dựa vào tác phẩm của Nora Taylor, bởi rất ít tác giả viết về nghệ thuật Việt Nam bằng tiếng Anh. Chúng ta nên để người nước ngoài biết cách người Việt Nam đánh giá về nền nghệ thuật của mình. Nora là một nhà nghiên cứu giỏi, nhưng đánh giá của bà cũng chỉ là một góc nhìn mà thôi” - nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh, một trong những cái tên được nhắc đến trong cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010, nói.

Bà Natasha, vợ của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân và là chủ salon Natasha nổi danh trong giới nghệ thuật Hà Nội, nhận xét phần lý thuyết của cuốn sách không quá đi sâu vào học thuật và các khái niệm phức tạp mà viết khá sơ lược, dễ hiểu, phù hợp với độc giả đại chúng.

Có hay không độc giả đại chúng cho dòng sách nghiên cứu nghệ thuật? Có thể có ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam e rằng hơi khó. Trong buổi ra mắt, sách được bọc giấy bóng trang trọng tặng cho người quen của 2 tác giả. Không có sách cho báo chí như những sự kiện ra mắt sách thông thường khác. Giá bìa 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh là 300.000 đồng và 350.000 đồng, cũng đủ cao để nhiều độc giả không hoạt động hoặc nghiên cứu nghệ thuật ngại mua.

“Đương đại” là “siêu hoài nghi”

Trong cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010, 2 tác giả viết: “...một trong những đặc điểm dễ nhận biết của tác phẩm nghệ thuật đương đại chính là tâm trạng siêu-hoài nghi, chất vấn cũng như tinh thần phê phán, phản tỉnh, dấn thân nào đó của tác phẩm trước những vấn đề cá nhân, xã hội và toàn cầu”. 


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm