Sách 'Á - Âu cách một cây cầu': Kinh nghiệm 'phi phượt thủ' qua 20 quốc gia

13/09/2018 19:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Á - Âu cách một cây cầu, cuốn sách vừa ra mắt của Diễm Trang, là 20 bài viết kỷ niệm về 20 quốc gia mà cô “tự bó buộc” để đi qua. Như nhận xét của PGS Trần Lê Hoa Tranh, giữa những tác phẩm du ký gần đây, cuốn sách này vẫn có một vẻ đẹp riêng, pha trộn hài hòa giữa sự uyên bác và nét bình dị.

Diễm Trang tự nhận mình không phải là một “phượt thủ” chuyên nghiệp như các tác giả viết du ký khác. Cô khám phá, trải nghiệm những nơi mình đã đến từ góc nhìn của một khách đi chơi thông thường, đi cùng các đơn vị lữ hành, với một lịch trình đã được định sẵn và một khoảng thời gian bó buộc.

Nhưng cũng chính điều đó mà Á - Âu cách một cây cầu trở thành những gợi ý thú vị cho những ai muốn đi du lịch mà không có điều kiện làm “phượt thủ”.

Chú thích ảnh
Cuốn du ký “Á - Âu cách một cây cầu”

Kinh nghiệm “phi phượt thủ”

Dù du lịch theo đoàn bị nhiều giới hạn, nhưng bằng khả năng quan sát tinh tế và một năng lực cảm nhận đặc biệt, Diễm Trang vẫn nắm bắt được “cái chất” của mỗi vùng đất mà mình đã đi qua. Các trang viết vẫn có được những nét độc đáo, riêng biệt nhất của mỗi vùng đất, nó không đến từ những điều to tát, nổi bật, mà lại nằm sâu ở những chi tiết hay biểu hiện hết sức bình thường trong sinh hoạt hàng ngày.

Chẳng hạn, viết về Dubai, tác giả để ý đàn ông Trung Đông - “những pho điêu khắc sống” - hay chào nhau bằng cách “chạm mũi”; rồi khi tìm hiểu những bộ đồ dân U.A.E mặc bên trong lớp áo truyền thống, thì phát hiện ra toàn là hàng hiệu. Những phụ nữ Trung Đông bí ẩn và kín kẽ cũng tám chuyện như bất kì chị em nào khác trên thế giới khi họ ở trong các… nhà vệ sinh.

Nhiều người từng đến Dubai, nhưng chủ yếu bị choáng ngợp và cuốn theo những hào nhoáng, để rồi tấm tắc khen họ giàu và sang, ít ai như Diễm Trang, tìm kiếm cái sang của họ trong những điều nhỏ nhặt như thế. Đọc xong bài Người ở, em về, nhiều người sẽ muốn được một lần quay lại đó để trải nghiệm những gì mà tác giả đã chia sẻ.

Ở một bài viết khác, tác giả lại khiến người đọc muốn đến với thị trấn Kiama của Australia, thánh đường Hagia Sophia của Thổ Nhĩ Kỳ, đấu trường Colosseum của nước Italy chỉ qua việc nhận xét… những chiếc lỗ đặc biệt ở các quốc gia này (Những chiếc lỗ trần gian).

Chú thích ảnh
Diễm Trang trong một chuyến du ký

Thôi thúc người đọc cất bước

Qua những hình ảnh, những chi tiết, những sự việc đôi khi không cần quá cầu kì, tráng lệ, Diễm Trang mang đến cho ta niềm ao ước được đi. Bằng những câu chữ duyên dáng, được viết do “ngẫu hứng” và “nồng độ xúc cảm” (chữ dùng của tác giả), khi đọc sách, độc giả như được trực tiếp đối diện với con người và thắng cảnh.

Đây là một điểm khác biệt của Á - Âu cách một cây cầu so với những cuốn sách cùng thể loại du ký gần đây. Nó không quá ôm đồm hay cố tình đưa lượng thông tin lớn về những nơi mình đã đến như một cách để thể hiện sự hiểu biết và trải nghiệm. Diễm Trang chỉ chọn viết về những điều thực sự để lại ấn tượng, hoặc từ một ấn tượng ban đầu, cô ngẫm nghĩ sâu hơn về “cái lõi” của hiện tượng.

Như chính cô đã bộc bạch: “Những ghi chép của tôi hầu hết là ngẫu hứng và dựa trên “nồng độ” xúc cảm khi tiếp cận cảnh, con người, văn hóa. Tôi nghiệm ra rằng không phải cái gì hoành tráng, lâu đời thì sẽ cho cảm xúc đậm đà và ngược lại , cứ viết khi căng tràn cảm xúc”.

Một điều khác nữa, cũng khá ấn tượng, là sức liên tưởng, so sánh nhạy bén trong các bài viết. Mỗi khi đứng trước một điều mới mẻ nào đó vừa khám phá, thì rất nhanh, tác giả liền liên hệ chúng với những điều quen thuộc, gần gũi ở Việt Nam. Thấy trái chà là trên đất Dubai là tác giả nghĩ đến những trái sung, trái mận ở quê nhà. Gian hàng tạp hóa ở Myanmar gợi nhớ đến “những hàng kẹo ú, bánh tráng me những năm 80 ở Việt Nam”. Người đàn ông buôn bán cần cù ở chợ Thổ Nhĩ Kỳ thấp thoáng hình ảnh bà Tú Xương. Nhìn Cột Nước Mắt lập tức nghĩ ngay đến ca khúc Mắt lệ cho người của Từ Công Phụng...

Sự liên hệ ấy cho thấy chân dung một người trẻ thích du lịch, thích khám phá nhưng sâu thẳm trong tâm hồn vẫn là sự gắn bó với quê hương đất nước của mình. Điều này đã làm cho Á - Âu cách một cây cầu có nét riêng và chiều sâu, chứ không chỉ thôi thúc người đọc cất bước như một khách du lịch đơn thuần.

Nhưng chắc chắn, đọc xong ta sẽ muốn đi.

Chú thích ảnh
Tại thánh đường  Sheikh Zayed Grand (Dubai)
Chú thích ảnh
Với con ngựa thành Troia (Thổ Nhĩ Kỳ)
Chú thích ảnh
Trong một cửa hàng lưu niệm ở Amsterdam (Hà Lan)
Chú thích ảnh
Trước cung điện Versailles (Pháp)
Chú thích ảnh
Cười cùng Bayon (Campuchia)
Chú thích ảnh
Giữa đường phố Tokyo (Nhật)
Diễm Trang thuộc thế hệ 8X. Hiện là giảng viên bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, thuộc Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Cô đang làm luận án tiến sĩ có tên Từ nghệ thuật ngôn từ đến nghệ thuật biểu diễn: trường hợp sân khấu khon (Thái Lan).

Hoàng Mai

Ra mắt sách 'Tập tục đời người': Một lịch sử riêng sau lũy tre làng

Ra mắt sách 'Tập tục đời người': Một lịch sử riêng sau lũy tre làng

Ròng rã 20 năm khảo cứu và điền dã, cuốn sách của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng xoay quanh một lĩnh vực tưởng cũ, nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng: vai trò của tập tục làng, xã trong đối với nông dân Việt.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm