Rubik bóng đá: Có hôn nhau không?

26/06/2014 15:50 GMT+7 | Bảng G

(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận Đức-Mỹ, người đang lo sợ về một thứ gọi là “Hiệp ước hòa bình Recife”, một phiên bản của “Hiệp ước Gijon” trứ danh năm 1982, một điểm đen trong lịch sử của World Cup.

1. “Hiệp ước hòa bình Gijon” là cái tên mà người Đức đặt cho trận đấu cuối vòng bảng World Cup 1982 tại Tây Ban Nha. Trong trận đấu đó, Đức cần thắng Áo đúng 1 bàn cách biệt là hai đội dắt tay nhau đi tiếp, loại Algeria khỏi cuộc chơi.

Tất nhiên, không có hòa ước nào được ký theo nghĩa đen trước giờ bóng lăn. Nhưng họ thực sự đã ký hòa ước trong đầu. Sau bàn thắng phút thứ 10 của Hrubesch, trận đấu kết thúc. Hai đội bắt đầu chơi một thứ bóng đá chậm chạp và phản cảm không ai có thể chấp nhận được. Ngay cả những CĐV của Đức và Áo trên sân cũng phải la ó đội nhà – nhưng các cầu thủ vẫn bất chấp.

Trận đấu tồi tệ đến mức BLV Eberhard Stanjek của kênh ARD (Đức) ra khỏi cabin bình luận, từ chối làm việc tiếp. BLV Robert Seeger của Áo thì khuyên khán giả hãy tắt TV đi. Trên khán đài, CĐV trung lập pha trò: “Hôn nhau đi, Hôn nhau đi” – họ đồng thanh.

Đó là một điểm đen trong lịch sử World Cup. Sau trận đấu đó, FIFA đã phải xem xét lại cách đá vòng bảng, và quyết định rằng các loạt trận cuối của mỗi bảng sẽ phải đá cùng giờ.

Những toan tính tương tự trong 32 năm sau đó ít đi. Nhưng hôm nay, rất đáng sợ, FIFA cũng như người hâm mộ đang đối mặt với một thứ tương tự. Đó sẽ là “Hiệp ước Recife”, nơi sẽ diễn ra trận đấu giữa Đức và Mỹ. Ở đó, mỗi đội chỉ cần một điểm để đi tiếp. Ở đó, Juergen Klinsmann và Joachim Loew là bạn của nhau. Nguy cơ còn hiển hiện hơn cả năm 1982.

2. Juergen Klinsmann tỏ ra khá bực bội khi được phóng viên hỏi về “Hòa ước Gijon”. Ông trả lời như một người Mỹ:

“Bạn đang nói về một trận đấu diễn ra hàng thập kỷ trước và đó chỉ là một phần của lịch sử Đức chứ không phải của lịch sử Mỹ”.

Ông nhắc phóng viên nhớ rằng nếu người Mỹ muốn hành xử như vậy, thì Mexico không đời nào có mặt tại World Cup. Trong trận cuối của vòng loại khu vực Bắc Trung Mỹ gặp Panama, người Mỹ đã có vé vào VCK. Nhưng chỉ khi Mỹ thắng, thì Mexico mới có vé dự vòng play-off. Và cuối cùng, chính hai bàn thắng vào phút bù giờ của Mỹ đã giúp Mexico có mặt tại Brazil.

Đó là một quan điểm thoạt nghe rất thuyết phục, nhưng thật ra nó là một sự ngụy biện vì trận Mỹ-Panama không có chút nào giống với trận Mỹ-Đức. Người Mỹ cho dù có thua Panama cũng không hề hấn gì. Họ thích đá ra sao thì đá. Nhưng trước người Đức, nếu họ mạo hiểm dâng cao và chỉ cần thua một bàn thôi thì hy vọng cũng có thể tan thành mây khói.

Về lý thuyết, bằng lý trí, không ai có thể ủng hộ cho Mỹ hoặc Đức đá hết mình trong trận này, cho dù là những CĐV yêu bóng đá đẹp nhất. Joachim Loew và Juergen Klinsmann chắc chắn hiểu điều đó hơn ai hết – họ là những người Đức trưởng thành trong một giai đoạn mà các cầu thủ được dạy phải bất chấp mọi gièm pha để giữ thế trận và đạt được kết quả có lợi nhất.

3. Klinsmann là một tiền đạo, nhưng ông hiểu hơn bất kỳ một người Đức nào rằng ngay cả khi anh có đá xấu xí đến đâu mà có vinh quang, thì anh vẫn sẽ được ca tụng. Chính ông và thế hệ của ông đã được hưởng điều ấy.

Đức và Mỹ khó có thể tái hiện hoàn toàn “Hòa ước Gijon”. Nhưng nếu họ chơi một thứ bóng đá chậm và buồn, để hướng tới kết quả có lợi nhất, thì chẳng ai có thể trách được họ.

Tất nhiên người hâm mộ vẫn chờ đợi một thứ gì đó quyết liệt. Nhưng đó có thể là một sự chờ đợi viển vông.

Đức Hoàng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm