Rồng rắn lên cây

14/02/2013 09:12 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Năm Thìn sắp qua, năm Tỵ đang đến. Ngày Xuân thử giải mã bài đồng dao: Rồng rắn lên cây (hoặc lên mây)…

Rồng rắn

Rồng là con vật hư cấu do tưởng tượng lắp ghép những yếu tố của các loài như có sừng của loài thú, có chân của loài chim, có vảy của loài cá và có đuôi của loài bò sát - nhưng chủ yếu là lấy cảm hứng từ loài rắn với thân hình uốn khúc mềm mại trong vận động và biến hóa vô cùng. Trong 12 con giáp của bộ lịch pháp tính chu kỳ là 60 năm (chịu ảnh hưởng của thiên văn học và toán học Babylon) chỉ có rồng (năm Thìn) là hư cấu, còn 11 con vật kia đều có trong thế giới tự nhiên, kể cả loài rắn (năm Tỵ).

Trong huyền thoại sáng tạo thế giới của Ấn Độ, hình ảnh rồng và rắn đồng hóa với nhau và hết sức được tôn sùng. Đại sư Long Thọ (Nagarjuna) mang ngay hình tượng của rồng rắn tức naga trong tên hiệu của mình. Và Bồ tát Long Thọ từ hơn ngàn năm nay được coi như nhân vật xiển dương đạo pháp cao nhất sau Đức Phật Thích ca.

Sự biến hóa của rồng mở rộng khắp cả bốn cõi: bay lượn trên cõi trời, làm sấm hóa mưa giúp cây cỏ nảy mầm sinh sôi, sống trên cạn ở núi ở hang (rồng đất), và sống dưới nước (long vương, long nữ ở thủy cung). Tất cả cho thấy là hình mẫu nguyên thủy của rồng là loài rắn và loài bò sát như (cá) sấu. Địa bàn sinh hoạt gốc của những loài này là khu vực đầm lầy nhiệt đới và gắn liền với văn minh lúa nước.

Rồng rắn lên mây. Ảnh: Nguyễn Ngọc Oanh

Theo sự nghiên cứu về ngữ âm học và ngữ nguyên học của giáo sư Huỳnh Sanh Thông (tạp chí Nghiên cứu Việt (Việt Studies), NXB Đại học Yale năm 1989) thì chữ long trong chữ Nho là mượn từ gốc các ngôn ngữ Môn-Khmer của Đông Nam Á như rồng, klong, thuồng luồng, thằn lằn, trăn, rắn, chằn,…

Rồng rắn lên cây

Đã từ lâu có một bài đồng dao rất nổi tiếng nói về rồng rắn, đồng thời là một trò chơi phổ biến trong trẻ em khắp các miền đất nước. Lời ca được hát như sau: Rồng rắn lên cây (hoặc lên mây)/Có cây lúc lắc (hoặc núc nắc)/Có nhà hiển vinh/(Hỏi) Thầy thuốc có nhà không?/ (Trả lời) Thầy thuốc có nhà (hoặc: Thầy thuốc đi vắng)/Xin thuốc cho ai?/ Xin thuốc cho con/Con lên mấy?/Con lên một(hai ba bốn năm…)/Thuốc chẳng hay/Con lên mười/Thuốc hay vậy/Xin khúc đầu/Cùng xương cùng xẩu/Xin khúc giữa/Cùng máu cùng me/Xin khúc đuôi/Tha hồ thầy đuổi.

Trong trò chơi rồng rắn này, các trẻ em sắp hàng nối nhau bằng cách vòng tay ôm eo đứa trước, đi uốn lượn quanh một em đóng vai thầy thuốc, và đều chuyển động sau mỗi câu hỏi và đáp. Đến câu sau cùng thì thầy thuốc rượt bắt và các em vẫn phải giữ mối nối kết chỉ để cho đứa sau cùng tức khúc đuôi có thể bị bắt hay không. Sự thống nhất và liền lạc của đất nước được thể hiện rõ nét trong hình thức của trò chơi này.

Trò chơi xuất hiện đã lâu, có lẽ hơn cả thế kỷ rồi, nhưng chưa bao giờ được giải mã một cách chu đáo và có tính thuyết phục. Bài viết này thử làm việc giải mã đó và mong được sự chỉ giáo hoặc góp ý của bạn đọc quân tử bốn phương quan tâm.

Khởi hứng cho việc giải mã này là tác phẩm Kinh thi Việt Nam (NXB Hàn Thuyên, Hà Nội, 1940) của nhà phê bình văn học Trương Tửu. Trong sách này Trương Tửu muốn xây dựng ca dao tục ngữ Việt Nam thành bộ kinh điển cho văn học nước nhà, giống như Khổng Tử 2.500 năm về trước đã làm cho văn hóa Trung Quốc với tác phẩm Kinh thi. Mở đầu, Trương Tửu mượn việc tình cờ gặp gỡ một cụ già, được cụ giải thích cho ý nghĩa và nguyên văn của bài đồng dao Ú tim òa ập cùng với trò chơi mang tên này: Chi chi rành rành/Cái đanh (đinh) nổi lửa/Con ngựa chết trương/Tam vương ngũ đế/Cấp kế đi tìm/Ú tim òa ập.

Sự đính chính và giải mã của cụ già đối với bài đồng dao này là: Chu tri rành rành/Cái đinh nổ lửa/Con ngựa đứt cương/Tam vương tứ nguyệt/Cấp kế đi tìm/Ú tim òa ập.

Cụ cho biết sự kiện lịch sử làm nảy sinh bài đồng dao này là việc Pháp đánh chiếm Việt Nam cùng với việc triều đình Huế thay đổi ba vua trong bốn tháng trời sau khi vua Tự Đức mất năm 1883. “Chu tri” là cái biết tròn vẹn đầy đủ như vòng tròn. “Cái đinh nổ lửa” là ám chỉ khẩu súng của Tây. “Con ngựa đứt cương” chỉ việc đất nước giềng mối kỷ cương nên phải tìm kế sách cứu nước trong những phong trào Cần Vương và Văn Thân từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20.

Những bài đồng dao là những bài hát được trẻ em truyền miệng và được áp dụng vào những trò chơi vận động. Có thể phỏng đoán các tác giả vô danh của các bài này là những nho sĩ hoặc giới trí thức ưu thời mẫn thế đã lợi dụng số lượng đông đảo của trẻ em và hình thức vui đùa của trò chơi để làm phương tiện tuyên truyền trong quần chúng. Với thời gian cộng với sự truyền miệng khiến lời văn và ý nghĩa của những bài này bị xuyên tạc hoặc mất mát đến trở thành ngô nghê. Công việc giải mã giống như nhà khảo cổ phải khai quật những tầng ngữ nghĩa để tìm ra mặt mũi chân thực của chúng.

“Rồng rắn” không còn là biểu tượng phong kiến của vua chúa nữa, mà ở đây thay mặt cho nhân dân cả nước. “Lên cây” là tìm về cội nguồn bản sắc của dân tộc, như cây đa ở đình làng, như cây tre làm thành lũy ở nông thôn. “Cây núc nắc” là loài cây to như cây me, có quả đẹp và dài, có hột ăn được và dùng làm thuốc (trị giun sán đường ruột, theo Từ điển tiếng Việt, NXB VHTT). “Núc nắc” còn có nghĩa là đất nước như trong các từ ngữ bếp núc tức bếp nước, uống nác tức uống nước, còn thông dụng ở những vùng Thanh  - Nghệ - Tĩnh.

“Thầy thuốc”, tức ông lang là người trị bệnh cho thân thể và cho cả tâm hồn của cá nhân cũng như cộng đồng.

Theo nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh, thuộc nhóm Hàn Thuyên, trong một lần nói chuyện tại Đàm trường Viễn kiến năm 1960 ở hẻm chùa Từ Quang - đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, thì bài đồng dao tưởng chừng như vô nghĩa và chỉ có giá trị bất vần sau đây: Ông Nỉnh ông Ninh/Đi ra đầu đình/Lại gặp ông Nảng ông Nang/Ông Nảng ông Nang/Đi ra đầu làng/Lại gặp ông Nỉnh ông Ninh, thực ra chứa đựng một bài học minh triết sâu sắc của dân tộc. Nếu ta cải biến ngữ âm, thì hai tên gọi trở thành chức vụ của hai ông: ông Linh lo phần đời sống tâm linh như các thầy mo, thầy pháp, già làng; và ông Lang lo phần sức khỏe vật chất thân thể. Hai chức năng này là nền tảng hai mặt của đời sống xã thôn. “Thầy thuốc” trong bài “rồng rắn” ở đây là một sự kết hợp của cả hai ông Linh và Lang để lo phần tìm phương thuốc trị bệnh cả thân thể và tâm hồn cho dân tộc. Khúc đầu của con rồng Việt Nam là miền Bắc, khúc giữa là miền Trung, và khúc đuôi là miền Nam. Xin thuốc cho con là cho dân chúng Việt Nam. Con lên mấy tuổi là những năm tháng đất nước mất chủ quyền coi như mắc bệnh cần phải điều trị. Tùy số năm mất chủ quyền đó mà trả lời cho số tuổi của con.

Bài đồng dao này nói về tình cảnh Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Pháp muốn lấy miền Bắc nhưng khó nuốt vì gặp sự chống đối quyết liệt và vùng này lại cận kề với Trung Quốc cho nên toàn là xương xẩu. Lấy miền Trung là gặp sức đề kháng mãnh liệt ở Đà Nẵng năm 1858 của tướng Nguyễn Tri Phương. Cho nên thực dân Pháp chỉ lấy được Lục tỉnh Nam kỳ, khi vua Tự Đức bắt buộc phải nhường ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường năm 1862; sau đó lấy nốt ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên khi Phan Thanh Giản miễn cưỡng giao nộp để tránh cho dân chúng khỏi phải đổ máu hi sinh vô ích do lực lượng đôi bên quá mất cân bằng.

Bài học đau thương của đất nước nếu được hiểu thấu và in sâu vào tâm trí của lớp trẻ hẳn là một liều thuốc để giữ hồn dân tộc và sức quật khởi mà thế kỷ 20 đã chứng thực cho tất cả quốc dân và thế giới được biết về bản sắc của Việt Nam: “Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc/ Về sau làm chủ mới là kỳ”.

Gia Định, ngày rằm tháng Mười Một năm Nhâm Thìn (2012)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm