Bìa hồi ký nạn nhân của Roman Polanski gây tranh cãi

27/07/2013 17:03 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Samantha Geimer, người phụ nữ cách đây 36 năm bị đạo diễn lừng danh Roman Polanski cưỡng bức khi mới 13 tuổi, vừa xuất bản cuốn hồi ký với ảnh bìa là bức ảnh chân dung cô do chính Polanski chụp.

Cuốn hồi ký có tên The Girl: A Life in the Shadow of Roman Polanski (Cô gái: Một cuộc đời bị bao phủ bởi cái bóng của Roman Polanski). Sách do NXB Atria Books ấn hành.

Những bức ảnh định mệnh

Theo Hollywood Reporter, ảnh đăng trên bìa do đạo diễn Polanski chụp ở thời điểm 3 tuần trước khi xảy ra vụ cưỡng bức tai tiếng khiến cuộc đời của cả hai đều thay đổi. Khi đó, Geimer đang là người mẫu 13 tuổi triển vọng mang tên Samantha Gailey. Cô vẫn là một cô gái tuổi teen có đôi má bầu bĩnh, đeo dây chuyền có mặt trái tim, ánh mắt nhìn xa xăm.

Polanski chụp bức ảnh này ở nhà của Geimer ở Woodland Hills, Los Angeles, Mỹ vào ngày 20/9/1977. Liền đó, ông dụ dỗ cô bé chụp bán khỏa thân. 3 tuần sau, trong một buổi chụp ảnh khác ở nhà riêng của nam diễn viên Jack Nicholson, Polanski đã cho Geimer sử dụng chất kích thích, uống rượu champagne và cưỡng hiếp cô. Đó là những chi tiết mà tòa án sau đó đã cáo buộc vị đạo diễn này.










Đạo diễn Roman Polanski năm 1977, năm diễn ra vụ cưỡng bức
Geimer nhớ lại: “Điều làm tôi không thoái mải là ông bắt tôi thay quần áo trước mặt ông. Những bức ảnh cuối cùng được chụp trong bồn tắm, nhưng khi ông bước vào bồn tắm, tôi bắt đầu nhận ra rằng mình sắp gặp rắc rối lớn”.

Geimer đã cung cấp bức ảnh này cho tòa án xử Polanski năm 1988. Tòa đã xử Polansi phải bồi thường cho Geimer 500.000 USD và hoàn trả cho cô những bức ảnh ông đã chụp cô.

Trong lời bạt cho cuốn hồi ký này, luật sư của Geimer trong phiên tòa đó là Lawrence Silver đã kể lại vài chi tiết xung quanh những bức ảnh: “Trong khi thi hành lệnh khám xét, cảnh sát đã không nhận ra tầm quan trọng của một tờ séc biên nhận từ hãng nhiếp ảnh Sav-On Drugs” - Silver viết.

“Nhiều năm sau đó, tôi nghe nói Polanski đưa cho luật sư của ông ta tờ biên nhận, họ đã giữ kín cuộn phim đã tráng và các cuộn phim âm bản lấy từ cửa hàng bán chất kích thích. Trong quá trình kiện, luật sư của Polanski đã đưa cho tôi những bức ảnh đó. Đây là những bức ảnh rất quan trọng cả về mặt luật pháp và tư liệu, không nên được tiết lộ nếu không phải là vì vụ kiện”.

Mặc dù vậy, khi bìa hồi ký được công bố, công chúng có phản ứng lẫn lộn. Thậm chí, trên trang Hollywood Reporter, độc giả còn tranh cãi nảy lửa về việc sử dụng bức ảnh có phần nhạy cảm này, và cả tư cách của những người trong cuộc.

Trước phản ứng này, Geimer nói với CBS khi được hỏi qua điện thoại: “Tôi ngạc nhiên vì những bình luận mà tôi đã đọc. Tôi không nghĩ rằng ảnh bìa sách lại gây tranh cãi. Bức ảnh đó là lựa chọn rõ ràng đối với tôi khi làm sách”.


Bìa cuốn sách The Girl: A Life in the Shadow of Roman Polanski với bức ảnh Geimer lúc 13 tuổi mà Polanski đã chụp.

“Trả lại tên cho em”

Hiện tại, khi phát hành cuốn hồi ký, Geimer muốn kể lại câu chuyện từ góc nhìn của cô.

Qua cuốn sách, Geimer muốn chuyển tải thông điệp: “Tôi không chỉ là cô gái Nạn nhân Tình dục, một thứ thẻ tên mà truyền thông gán cho tôi. Bạn bè tôi ở trường trung học bị bố mẹ họ bắt phải tránh xa tôi. Tất cả đều dán nhãn cho tôi. Tôi kể câu chuyện của mình không phải vì phẫn nộ, mà chỉ vì mục đích khẳng định lại danh dự của chính mình”.

Nhà xuất bản mô tả: “Samantha (Geimer), cũng như Polanski, đã trở thành một người sống trốn tránh kể từ khi chuyện xảy ra hơn 30 năm trước. Bằng cách lần đầu kể lại toàn bộ câu chuyện, Samantha khẳng định lại danh tính và chứng minh, một cách không thể phản bác, rằng các nạn nhân cưỡng bức hoàn toàn có thể sống, từ rối loạn đi đến sự ổn định, từ hổ thẹn chuyển thành mạnh mẽ”.

Trong vòng 1 thập kỷ qua, vụ việc 36 năm trước vẫn liên tục được xem xét lại.

Năm 2003, khi Polanski được đề cử giải Oscar cho bộ phim kiệt tác The Pianist, Geimer đã viết bài trên báo Los Angeles Times, đề nghị Viện hàn lâm điện ảnh hãy công bằng khi đánh giá bộ phim chứ không để nhân thân của nhà làm phim làm ảnh hưởng.

Năm 2008, bộ phim tài liệu Roman Polanski: Wanted and Desired, làm từ góc độ thông cảm với vị đạo diễn trong vụ bê bối tình dục này, được giới thiệu ở LHP Sundance. Chính Geimer đã đến dự ra mắt phim và vui vẻ cho báo giới chụp ảnh.

Năm 2009, cảnh sát Thụy Sĩ bắt Polanski và quản thúc ông theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Tại thời điểm đó, Geimer đã đề nghị tòa án hủy bỏ bản án của Polanski, nói rằng việc công khai thông tin về vụ cưỡng bức đã làm gián đoạn cuộc sống của cô.

Đạo diễn Roman Polanski hiện 79 tuổi, sống ở Pháp. Ông không bao giờ trở về nước Mỹ, từng chạy trốn khỏi đất nước và sống lưu vong 33 năm vì bị buộc tội trong vụ kiện. Còn Geimer hiện 50 tuổi. Năm 2011, cô tuyên bố đã tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của vị đạo diễn.

Còn Polanski năm 2011 đã tuyên bố ông đã sống trong hối hận suốt hơn 30 năm qua. Ông vẫn tiếp tục làm phim. Tác phẩm mới nhất là Venus in Fur vừa dự LHP Cannes hồi tháng 5.

Cuốn hồi ký sẽ ra mắt vào tháng 7.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm