Riga thành Thủ đô văn hóa châu Âu: Latvia sẽ làm kinh ngạc cả dân bản địa

03/01/2014 13:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với thành phố Umea của Thụy Điển, Riga (thủ đô của Latvia), đã được chọn là Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2014. Với danh hiệu đó, Riga sẽ gây kinh ngạc du khách và với chính cả người dân bản địa, thông qua các màn opera hoành tráng và hàng loạt lễ hội đậm chất “địa phương”.

Mở màn cho loạt sự kiện văn hóa diễn ra ở Riga trong năm nay, hàng ngàn người đã xuống đường để tạo nên một dòng sông người, kéo dài từ Thư viện Quốc gia cũ ở phố cổ tới tòa nhà mới nằm bên bờ sông Daugava của Riga. "Chảy" trên dòng sông người này là những cuốn sách, được họ nâng niu chuyền tay nhau.

“Tiền nhỏ, kế hoạch lớn”

Hoạt động biểu diễn kể trên được xem như biểu tượng cho phương châm mà các nhà tổ chức Thủ đô văn hóa Riga 2014 (Riga 2014) đặt ra: thay đổi và vận dụng sáng tạo để cùng nhau tạo ra sự thay đổi. “Đây là năm của người dân thành phố Riga. Nếu người dân địa phương hạnh phúc và hứng khởi thì những người khác sẽ nhiệt tình tham gia sự kiện” - Aiva Rozenberga, Giám đốc chương trình của Dự án Thủ đô văn hóa, cho biết.

Theo kế hoạch, các hoạt động của Thủ đô văn hóa châu Âu chỉ được đầu tư mức kinh phí “khiêm tốn”. Đến nay Riga mới chỉ được đầu tư 33 triệu USD. Do vậy, không giống với các Thủ đô văn hóa châu Âu khác, các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không được đề cao. Tòa nhà Thư viện Quốc gia mới, được người dân ví von là "một ngọn núi bằng kính" mới mọc lên, thực tế đã nằm trong kế hoạch xây dựng từ những năm 1990, thời kỳ Riga vẫn đang phát triển thịnh vượng.


Riga, thành phố lớn nhất vùng Baltic, Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2014

Cho đến khi thế giới chìm trong khủng hoảng kinh tế vào năm 2008, Latvia và thủ đô Riga vẫn phát triển. Tuy nhiên, vài tháng sau khi ngân hàng lớn thứ 4 của Mỹ là Lehman Brothers phá sản, một ngân hàng lớn của Latvia cũng chịu hậu quả theo. Kinh tế Latvia suy sụp, mức lương bị cắt giảm 30%, hàng ngàn người thất nghiệp, nhiều trường học và bệnh viện phải đóng cửa. Đất nước nhỏ bé với dân số 2,3 triệu người đã có lúc đứng trên bờ của vực thẳm. Vì thế sự kiện Thủ đô văn hóa giống như một cú hích lớn về tinh thần.

“Trong năm nay, thông qua các hoạt động văn hóa, người Latvia sẽ vui vẻ thể hiện một cách nghĩ khác” – bà Anna Muhka, phụ trách báo chí nước ngoài của Riga 2014 , cho biết.

Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai

Ở Latvia, văn hóa thường đồng nghĩa với âm nhạc. “Tất cả người dân Latvia đều hát, từ già tới trẻ, từ trai tới gái. Với người dân Latvia, hát giúp họ giảm được gánh nặng của công việc lao động chân tay” – bà Muhka cho hay.

Mùa Hè năm nay, tại World Choir Games, 20.000 ca sĩ từ gần 90 nước sẽ hát vang khắp các quảng trường và đường phố Latvia. Thêm nữa, nhiều ngôi sao âm nhạc sinh ra ở Riga, như Mariss Jansons, Elina Garanca và Gidon Kremor, sẽ tổ chức rất nhiều chương trình hòa nhạc.

Trong tuần này, Nhà hát Opera Quốc gia Latvia sẽ công diễn vở opra Rienzi của nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner. Wagner biên soạn vở opera này khi ông là chỉ huy dàn nhạc ở Riga hồi năm 1837 - 1839.

Ngoài ra, chương trình Riga 2014 có khoảng 200 dự án và sự kiện văn hóa khác, với nhiều dự án nổi bật của văn hóa châu Âu và Latvia. Chẳng hạn, dự án Amber Road (Con đường hổ phách) tạo nên một cây cầu "trực tiếp nối quá khứ với tương lai", khảo sát ý nghĩa văn hóa của hệ thống tiền tệ đầu tiên trong khu vực Baltic và đặt ra câu hỏi về những gì đã thay đổi dọc Con đường hổ phách ngày nay, vốn từng kéo dài từ Roma tới Biển Đen?

Trong tháng này, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Latvia sẽ trưng bày triển lãm mang tên 1914. Triển lãm mô tả thời gian bắt đầu Thế chiến I và có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ những nước hình thành sau cuộc chiến, giống như Latvia.

 Khi Aiva Rozenberga, Giám đốc Chương trình của Thủ đô văn hóa 2014, nói về các hoạt động sắp diễn ra, bà nhấn mạnh tới hàng loạt dự án nhỏ, được tổ chức bằng kinh phí rất nhỏ. "Có thể những dự án này nhỏ đến mức người dân phương Tây sẽ bật cười. Nhưng với Riga, chúng cực kỳ quan trọng” – bà Anna Muhka nói và kể một ví dụ, khi người dân ở một khu chung cư đã được hỗ trợ để biến phần sân khu nhà trở nên xanh tươi hơn, qua đó tạo sân chơi cho cả trẻ em và người lớn.

Riga chính thức trở thành thành phố vào năm 1201. Phố cổ của Riga đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới do thành phố này sở hữu nhiều tòa nhà mang phong cách Art Nouveau (phong cách nghệ thuật, kiến trúc phổ biến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) nhất châu Âu.


VIỆT LÂM (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm