Rap bắc cầu nối âm nhạc với thơ ca

08/02/2023 19:00 GMT+7 | Giải trí

Ca sĩ Đen Vâu đang là người viết rap, hát rap hay bậc nhất Việt Nam. Chính cách gieo vần rất phong phú của thơ Việt giúp anh kéo dài sự nghiệp của mình từ Đi về nhà, Trốn tìm, tới Mang tiền về cho mẹ…. Trong dư âm của Ngày thơ Việt Nam cuối tuần qua, chúng ta hãy bàn về rap và thơ.

1. Thử nghe: "Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng Hè/ Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về/ Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang/ Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan…".

Nếu không có vần chân (cước vận) "hè, về, gang, ngoan"… thì làm sao Mang tiền về cho mẹ lại dễ cuốn hút đến vậy? Mà với thơ Việt, thì ngoài vần chân lại còn có vần lưng (yêu vận), còn có vần chính, vần thông, vần liền, vần cách…

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu rất khoái chữ "choang" trong câu ca dao: "Xuềnh xoàng đánh bạn xuềnh xoàng/ Trẻ thời bạn trẻ, già choang bạn già". Chữ ấy, rơi vào vị trí ấy, tượng thanh mà gợi hình, vang lên như chuông đã tìm được dùi, Bá Nha đã thấy Tử Kỳ, cụ ông đã kết cụ bà!

Nói cho hết ý thì ta nghe được trong một chữ ấy âm thanh sảng khoái khi chiếc dùi - nguyên một khúc cây săn seo tuổi gỗ - đụng tới được đại hồng chung! Mà thứ nhạc cụ gõ này thì vốn là thứ "Chuông già đồng điếu chông kêu/ Anh già lời tán em xiêu tấm lòng".

Nói dài lời như thế để thuyết phục bạn yêu thơ rằng, nội một chữ "choang" kia thôi, vang lên đầy đủ ý tứ của các sự tìm bạn, kết bạn, đãi bạn, giã bạn… Tất tần tật các ý ấy chỉ từ cái nghĩa mới hình thành tức thời khi choang theo đà vần xuềnh xoàng mà có!

Rap bắc cầu nối âm nhạc với thơ ca - Ảnh 2.

Đen Vâu - một rapper đậm chất thơ của Việt Nam

2. Câu lục bát dưới đây có thể cứ trên 6 dưới 8 không khó gì, nhưng nếu chỉ trên 6 dưới 8 thì nhịp 6/8 này thiếu một đảo phách thú vị. Vì vậy phải bật "máy biến thể", thêm một nốt hoa mỹ để tiết tấu lục bát tăng từ 2 phách lên 3 phách trong ô nhịp cuối cùng: "Phải chi cắt ruột đừng đau/ Để em cắt ruột em trao/ Anh mang về".

Một cái "máy biến thể" tốt, có độ nhạy rất cao trong chức năng tạo vần! Đã nạp vào máy rồi, một cơ-thể-chữ luôn được thay áo-vần để thành một người-thơ-mới. Trong câu hò dưới đây, "chắc - chắn (khắn) - gắn - bó - có" xuất hiện nhanh, còn hơn tay cấy thoăn thoắt của mấy cô thợ cấy Quảng Bình. Vừa cấy vừa hò: "Có yêu nhau thì yêu cho chắc/ Cho khắn, cho bó, cho có tình thương/ Đừng như con thỏ nọ đầu truông/ Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng".

Ai đấu được cây bút thơ của mình vào cái "máy biến thể" chúng ta đang tìm hiểu, sức bút của người ấy sẽ tăng đến không ngờ, câu lục bát 14 chân chữ có thể thành 28, hoặc nhiều hơn. Nhờ thay đổi hình thức như thế, nội dung cũng thay đổi theo, ai đang thương, đang yêu, được yêu thương nhiều hơn.

Không chỉ: "Thương sao thương lạ thương lùng/ Thương tím khúc ruột thường hồng lá gan". Mà còn: "Anh thương em thương lún thương lụn/ Thương tụm, thương túm,  thương thiết, thương tha/ Thương lột da óc, thương tróc da đầu/ Ngủ thương mộng thương mị, thức thường sầu thương bi…".

3. Trong bài thơ, vần dùng để phát triển ý. Vần không trói buộc ý tứ lại như một số người muốn bỏ vần thường viện dẫn, mà ngược lại, nhờ vần, ý tứ đột ngột thăng hoa, rất tự nhiên chuyển từ bình diện này sang bình diện khác.

Chúng ta đã gặp trường hợp này trong câu nổi tiếng của Trần Đăng Khoa: "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". Chính vần "a" đã bứng, đã khiêng cây đa từ mãi đẩu đâu trên quê trăng của chú quậy về trồng tức thời bên thềm. Thơ vốn không hề có đa ấy, chú bé Khoa thần đồng đã đúc hình cho tiếng, cho âm thanh vốn là thứ vô hình, chỉ nghe được! Nhưng, cái thứ tiếng mỏng và nghiêng có thể đo được kia thì lại mười mươi ta đã mắt nhìn!

Về kĩ xảo này, chính Trần Đăng Khoa đã giải thích trong Thế giới mới số 289: "Anh đến Côn Sơn rồi chứ? Làm gì có cây đa nào, nhưng em nghĩ, đã nói "đền" phải có "đa", để có "Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng".

Cũng có thể học điều này trong vần "iêu" nơi bài thơ thuộc loại hay nhất của Đồng Đức Bốn: "Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió Đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro".

Thơ đang là con diều hiện hữu, ràng rành như củ khoai kia, như rạ, như rơm, như con trâu trên đồng… nhưng lần lần, dây vần bén lửa cháy hết, nổ ra chữ vần cuối cùng, nổ ra cú vần quyết định. Thế là, chính chữ "chiều" này chứ không phải chữ "lửa" kia thiêu cháy tất cả, hóa tất cả như người ta hóa vàng để thơ biến từ không gian qua thời gian, từ mô tả qua triết lý, từ hiện thực qua siêu thực, trừu tượng… Trong trường hợp này, gieo trúng vần ấy, thơ đã tô được màu tro xám cho thời gian.

4. Mưa là hòa âm ngẫu hứng của thiên nhiên cho nên nhà thơ viết về mưa luôn dụng công hòa chữ: "Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn" - bài Buồn đêm mưa.

Ở câu lục bát trên, thay vì chỉ cần 1 cặp vần, Huy Cận, đã dùng tới 4 cặp, ngoài "nhà-ta", còn "nương-nước", còn "nặng nặng", còn "buồn-buồn". Khi chuyển sang một nhịp thơ khác, nhịp thất ngôn, Huy Cận vẫn không quên khai thác điều này. Trong bài Mưa Xuân trên biển, gồm 3 khổ 12 dòng thất ngôn, dòng đáng nhớ nhất, dễ nhớ nhất là dòng số 6, đi một chùm 3 vần "ưa", tạo đà để đẩy câu thơ tới được chữ "ấm" nhãn tự của cả bài.

"Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui/ Lưa thưa mưa biển ấm chân trời/ Chiếc tàu chở đá về bến cảng/ Khói lẫn màu mây tưởng đảo khơi".

Viết về mưa, Xuân Diệu dùng cả hai biện pháp tu từ nói trên, vừa tăng vần gieo, vừa điệp phụ âm đầu, bằng cách huy động các từ lấp láy lâm thâm, thì thầm: "Lâm thâm mưa chuyện trên cành/ Thì thầm lá nói trong mành nước xe".

Rap bắc cầu nối âm nhạc với thơ ca - Ảnh 2.

Nhà thơ Huy Cận. Ảnh tư liệu

5. Theo luật định, theo "mức khoán" của lao động thơ ca thì chỉ cần ba vần cho bốn câu. Chính Nguyễn Du đã nhắc về định lượng này: "Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần".

Ấy vậy mà trong thời sung sức nhất, Tố Hữu vẫn tăng năng xuất để vượt khung: "Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn/ Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng/ Một giọng thơ ngâm một giọng đàn".

Thử đếm "lan - tan- tràn - ngâm - đàn" đã là 5 vần, lại thêm 3 vần "đường - dương - sương", còn chưa hết, lại có "vọng - giọng" nữa! Đó là chưa kể xét trong phạm vi vần thông, thì hai chữ "xưa" và "thơ" cũng cùng vần với nhau!

Chưa biết khổ thơ trên đã phải là khổ thơ nhiều vần nhất, chỉ biết thơ cầu 3, thi sĩ cung tới 10, vượt xa kế hoạch, nhờ vậy khổ thơ vang lên như một hợp xướng khi 2 khi 3 khi 5 bè đồng thanh. Từ đây, mượn ngôn ngữ âm nhạc mà nói thì vần chính là sự hòa âm trong thơ! Vần nối những dòng thơ thành giai điệu. Nhờ giai điệu đã sẵn như thế, thơ có thể ngâm như hát và thậm chí có thể hát lên trong các khúc ru, các bài rap.

6. Nếu nhìn mỗi bài thơ là một cơ thể sống, thì vần lại là những khớp nối để đầu mình và tứ chi liền nhau thành người. Cho nên trong thơ có cả vần lưng (yêu vận, "ăn - ân"): "Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn/ Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa"; có cả vần chân (cước vận, "a - oa"): "Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình", để thành nàng thơ, đẹp như những người mẫu trường túc mỹ nhân, đẹp như những thôn nữ lưng ong thắt đáy. Đẹp đến hút hồn Xuân Diệu: "Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh đi lững thững chẳng theo gần/ Vô tâm - như giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần".

Hai người bắt vít, bắt vần với nhau như thế thì chữ vần kia đã vượt thoát khỏi vòng tay ôm của nàng thơ mà ra với đời để thể hiện mọi sự "sắt cầm tác hợp, loan phụng hòa minh", mọi sự thuận lý, thuận tình. Lúc này, nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật, "nụ hôn" và "má đẹp" là có vần, "đường bằng" và "chân đi" là có vần! Nhưng mà "má con gái" và "cái tát trái" lại là thất vận!

7. Nhìn hẳn sang âm nhạc thì thấy, có ai bắt ca từ trong ca khúc phải có vần như thơ cách luật đâu, vậy mà nhạc sĩ Phạm Duy dùng rất nhiều vần ("ói - ơi - ui - ai", trong cả thanh bằng và thanh trắc) cho chỉ 12 dòng ca từ, để có một lời hát đậm chất thơ trong bài Quê nghèo.

"Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/ Có những cánh đồng cát dài/ Có lũy tre còm tả tơi/ Ruộng khô có những ông già rách vai/ Cuốc đất bên đàn trẻ gầy/ Có người bừa thay trâu cày//

Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói/ Những mái tranh buồn nhớ người/ Xơ xác điêu tàn vì ai/ Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai/ Có tiếng o nghèo thở dài/ Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi".

Rap bắc cầu nối âm nhạc với thơ ca - Ảnh 4.

Vì thích thơ, nên các ca khúc của Phạm Duy rất giàu chất thơ. Ông cũng là một bậc thầy của các ca khúc phổ thơ

Cũng Phạm Duy, trong bài Tình ca, ngợi ca tiếng Việt, ông có một giai điệu vần thật đẹp, vừa phong phú vừa chặt chẽ. Bài hát vào với những vần "ơi" mời gọi: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời".

Tiếng Việt theo giai điệu âm nhạc, phát triển qua nhiều nhóm vần khác để rồi kết bằng khổ thơ lục bát, có vần "ơi" mời gọi đã bắt đầu bài này, tạo ra thế đầu cuối tương ứng trong kết cấu vần, khiến ca từ hoàn chỉnh như một bài thơ độc lập: "Vì yêu, yêu nước, yêu nòi/ Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca".

Tiếp cận thơ ở khía cạnh vần, xin mời các bạn trẻ thử đọc rap thơ xem có theo kịp nhịp của tuổi trẻ hôm nay?

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm