Ra đi từ trạm cuối văn chương

01/06/2010 08:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc đời Nguyễn Khương Bình có thể phác họa sơ qua như sau: Lúc nhỏ, ở quê nhà; thời trai trẻ: đi bộ đội; sau 30 tuổi: làm báo ở TP.HCM; sau 45 tuổi: làm xuất bản và trở lại với văn chương. Văn chương là trạm cuối của một đời lao đao, ít niềm vui.


 Nguyễn Khương Bình (tháng 5/2010).
Ảnh: T.H.D.
Làm thơ từ rất sớm, in rải rác đây đó. Năm 2007, anh có thơ in chung với Nguyễn Thành Nhân, Trương Đạm Thủy, Vương Kiều trong tập Chia tay mùa Hạ (NXB Lao động). Năm 2009, khi lâm bệnh hiểm nghèo, anh gom góp những truyện ngắn cũng đã viết từ lâu, in thành tập Khóc chẳng để làm gì (NXB Lao động). Gần đây nhất, quý 2/2010, những bài thơ mới viết của anh cũng góp mặt trong tập thơ Bông & giấy (NXB Lao động), tuyển của 30 tác giả hôm nay. Cũng trong quý 2/2010, Nguyễn Khương Bình là người biên tập tuyển thơ tân hình thức (new formalism) đầu tiên của Việt Nam, dày 280 trang, gồm 22 tác giả.


Trong bài thơ Rồi sẽ một ngày, viết giữa hai cơn đau, Nguyễn Khương Bình khá bình thản khi nhìn mình, nhìn đời: "Biết rằng tử sinh là chuyện bình thường/ Nhưng một ngày sẽ không còn tôi ngồi đây/ Bạn bè ta có thể nhiều người cũng không còn ngồi đây/ Ngọn gió hoang vu phơ phất buồn tênh/ Một ngày như thế bình thường mà em/ Như một lần ghé lại rồi đi - một đời người/ Có gì đâu/ Rồi sẽ một ngày".

Nguyễn Khương Bình (10/4/1960- 31/5/2010) tên thật là Nguyễn Ngà, quê ở làng Đại Bình (còn gọi Đại Bường), xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Anh là đại diện chi nhánh phía Nam của NXB Lao động.

Nay thì cái ngày ấy đã đến với anh, lúc 13h30 ngày 31/5, tại một bệnh viện ở TP.HCM, gia đình và bạn bè văn nghệ đưa anh về quê nhà yên nghỉ. Làng Đại Bường quê anh rất đặc biệt và thơ mộng, nổi tiếng vì du lịch; một cù lao lưng dựa núi, được bao bọc bởi sông Thu Bồn, suốt thời chiến tranh chẳng ai chết vì bom đạn; ngày nay trái cây bốn mùa trĩu quả, trong đó có những loại ‘đặc chủng’ của miệt vườn Nam bộ như xoài, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Mảnh đất ấy đang đón anh về an nghỉ.


Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm