HĐND TP. Hồ Chí Minh bức xúc lớn với "hố tử thần"

10/12/2010 08:34 GMT+7 | Thế giới

Hai ngày thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn của kỳ họp lần thứ 19 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII (8 và 9/12) vẫn “nóng” những vấn đề cũ như yếu kém trong quản lý đô thị, giao thông, môi trường, tình trạng đua xe trái phép, đầu tư còn dàn trải, đạo đức học đường xuống cấp…

Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũ đã được xới lên qua những hiện tượng, biểu hiện mới phát sinh.


 "Hố tử thần” nằm giữa đường Trương Định, TP.HCM. (Ảnh: Thế Vinh/TTXVN)

“Hố tử thần” và vòng luẩn quẩn quản lý công trình ngầm


Tình trạng lún sụt mặt đường, gây ra các “hố tử thần” là bức xúc lớn nhất tại kỳ họp lần này khi chỉ trong thời gian ngắn đã liên tục xảy ra nhiều vụ sụt lún, từ 15/7 đến nay đã có 59 “hố tử thần” xuất hiện. Điều này được đại biểu Võ Văn Sen cho là "hiện tượng mới chưa từng xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở các đô thị Việt Nam”.

Thừa nhận lần đầu tiên có tình trạng lún sụt dồn dập, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng cho rằng lún sụt có nhiều nguyên nhân như hệ thống ống cấp, thoát nước mục, cũ, ống vỡ gây xói lở, sụp đất tạo hố ở nhiều nơi; do nền địa chất thành phố yếu và khai thác nước ngầm tràn lan; do mặt đường quá tải, xuống cấp, hư hỏng và liên tục bị ngập; do lỗi trong thi công các công trình không đảm bảo quy trình, chất lượng.

Để xử lý “hố tử thần”, hiện Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ mới có giải pháp tạm thời khắc phục, bởi theo ông Phượng, việc này vướng do “hiện chưa có tổng quản lý công trình ngầm”, do cơ chế nên Sở không quản lý đường đô thị và hệ thống cấp, thoát nước, nên rất khó trong xác định nguyên nhân và xử lý sụt lún bởi nhiều đơn vị cùng chịu trách nhiệm. Nhiều đại biểu không đồng tình và cho rằng trách nhiệm chính phải là ngành giao thông vận tải.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nghị định quy định rõ Sở Giao thông Vận tải không quản lý đường đô thị và hệ thống cấp, thoát nước, và hiện có tới 8 cơ quan, đơn vị quản lý công trình ngầm, đại biểu Đặng Văn Khoa cho rằng trách nhiệm chính trong quản lý công trình ngầm phải là Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố mới có đủ quyền hạn chỉ đạo, xử lý.

Quản lý công trình ngầm cũng liên quan đến công tác chống ngập của thành phố. Theo Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Nguyễn Phước Thảo, hiện thành phố còn 58 điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập do triều (giảm so với con số tương ứng 96 điểm và 95 điểm cuối năm 2009).

Dù công tác chống ngập được thực hiện khá tốt nhưng tình trạng ngập tại thành phố ngày càng nặng hơn, theo ông Thảo, có nhiều nguyên nhân: thời tiết, mưa lũ, do các dự án chống ngập chưa hoàn thành, và cả do xâm hại, khó xử lý việc xâm chiếm hệ thống thoát nước. Năm 2009 có 172 vị trí xâm chiếm gây sụt lún công trình thoát nước, gây ngập, đến nay đã tăng lên 272 vị trí xâm hại.

Ông Đặng Văn Khoa chỉ rõ, từ “hố tử thần” đến luẩn quẩn trong quản lý công trình ngầm đã bộc lộ rõ bất cập trong quản lý, điều hành của thành phố, cần “cuộc cách mạng” để đổi mới, phù hợp với điều kiện của thành phố.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Phạm Phương Thảo chia sẻ, với tư cách Đại biểu Quốc hội, bà đã đưa vấn đề chồng chéo, bất cập trong quản lý công trình ngầm, quản lý đường của thành phố ra Quốc hội và Bộ trưởng giao thông vận tải cũng nhìn nhận bất cập này là có thực. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng thành phố cần kiến nghị Trung ương sửa đổi, điều chỉnh những bất cập này.

Vi phạm môi trường, đua xe ngày càng tinh vi, táo tợn hơn

Cũng là vấn đề cũ, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng được nhiều đại biểu nêu lên như một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng.

Nêu những vụ vi phạm xả nước thải, đổ trộm chất thải hầm cầu của các doanh nghiệp, đơn vị liên tiếp trong thời gian qua, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đại biểu Trương Vỹ Kiến, Nguyễn Đăng Nghĩa đề nghị thành phố kiên quyết xử lý những hiện tượng này, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn để thay đổi công nghệ xử lý nước thải, công nghệ “xanh” để giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị thành phố khẩn trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, bởi chương trình thực hiện từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn còn 41 cơ sở chưa di dời.

Giải trình về tình trạng đua xe trái phép vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, từ đầu năm 2010 đua xe có dấu hiệu tăng, cả về quy mô, số lượng xe, thời gian, người cổ vũ và cả tính chất táo tợn hơn, có tính chất gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông và cả chống người thi hành công vụ.

Từ đầu năm đã có 217 tốp đua xe trên 20 tuyến đường, tăng gần 120 tốp so với năm ngoái. Những vụ triệt phá, xử lý đua xe quy mô lớn với gần 500 xe tham gia của Công an quận Bình Thạnh mới đây là đáng khích lệ.

Theo đại tá Phan Anh Minh, để giải quyết nạn đua xe cần sự phối hợp của nhiều lực lượng, cơ quan, đoàn thể, kể cả gia đình, đi cùng với kiểm tra, xử lý là tăng cường động viên, giáo dục tuyên truyền và chế tài. Theo ông, xử lý vi phạm đua xe hiện còn nhiều khó khăn do thiếu lực lượng, thiếu kho bãi và việc xử phạt chưa đủ răn đe, kể cả theo Nghị định 34.

Chia sẻ với ngành công an, nhưng đại biểu Đặng Văn Khoa cho rằng đua xe đã là vấn đề nóng từ chục năm trước, không mới, nhưng vì sao đến nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối thì ngành công an cần xem lại các giải pháp, cách giải quyết trong thời gian qua.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm