Quy luật của tình yêu

27/10/2010 12:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - 1. Ngồi liệt kê xem số lượng khán giả của Navibank.Sài Gòn mùa giải 2010 trên sân Thống Nhất mà cám cảnh. Vòng 2 (trận ra mắt khán giả TP.HCM), con số là 2.500 khán giả. Vòng 4 tụt xuống còn 2.000,  vòng 5 được 3.000… để rồi đến vòng 24 (gặp K.KH) chỉ còn 300 khán giả. Con số này được trang web của VFF chính thức “bầu” như là kỷ lục trong những kỷ lục (tệ nhất) V-League mùa giải vừa qua.

300 khán giả của một trận đấu chuyên nghiệp, nghe quá xót xa bởi nó không bằng một trận đấu cấp xã ở nhà quê. Càng không tưởng tượng nổi trận đấu ấy diễn ra ngay trong lòng Sài Gòn hoa lệ.

Có điều, không thể trách được khán giả TPHCM, bởi họ còn rất nhiều nhu cầu giải trí khác. Đến xem một đội bóng vừa không phải là của mình, lại đang bê bết như thế thì chỉ đổi lại nỗi buồn cùng sự bực dọc.

Đấy là quy luật của tình yêu. Khi cuộc hôn nhân không có tình yêu, thì khó mà hạnh phúc. Chính xác hơn, vẫn có những tình yêu nảy nở sau khi kết hôn, nhưng trường hợp đấy rất hiếm. Đồng thời, cần có yếu tố tiên quyết là vợ (hoặc chồng) phải thay đổi theo chiều hướng tích cực một cách đột biến để chinh phục đối tác.


HN.T&T ăn mừng chức vô địch mùa giải 2010 với một khán đài vắng hoe đằng sau

Có lần, phóng viên TT&VH từng nói thẳng với HLV Vũ Quang Bảo, đội bóng không thể đòi hỏi khán giả thành phố phải đến sân và cổ vũ nhiệt tình. Người hâm mộ chưa thấy chút dáng dấp của bóng đá Sài thành trong N.SG đã đành, cái chất QK4 cũng chẳng thấy nữa thì trách được ai. Nên nhớ, ngay trận đầu thầy trò HLV Vũ Quang Bảo chơi V-League trên sân QK4, số lượng khán giả kéo đến sân là 12.000…

Đấy là N.SG còn chơi ở chuyên nghiệp. Nói thế để thấy cái tiền đồ của Xuân Thành.Sài Gòn (khi chuyển hộ khẩu vào TP.HCM)  để đá hạng Nhất chắc cũng chẳng có gì sáng sủa.

2. Đấy là điều mà HFF hoàn toàn có thể cảm nhận. Họ thừa biết khán giả TP.HCM chẳng cần có thêm một, hoặc cả chục đội bóng nữa, mang danh bóng đá Sài Gòn nhưng mang chút nào hơi thở của vùng đất phương Nam. Có lẽ, thứ người hâm mộ nơi đây mong muốn nhất là cái gốc, cái bản sắc của bóng đá TP.HCM phải sớm được gây dựng trở lại.

Ở bóng đá chuyên nghiệp hiện nay, vì cuộc đua đồng tiền và xu hướng doanh nghiệp hóa, người ta đang coi thường bản sắc, cái gốc và những giá trị truyền thống. Tình yêu của người hâm mộ với đội bóng chỉ thực sự sâu sắc khi họ được đáp ứng những tiêu chí đó. Người ta quên rằng bóng đá không có khán giả sẽ chết. Bóng đá chuyên nghiệp sẽ đi về đâu, một khi hàng loạt những cuộc “sang tên, đổi chủ” vô tội vạ bất chấp nguyện vọng khán giả ruột; những cái tên kiêu hùng lần lượt giãy chết kiểu như Công an Hà Nội, Thể Công, Cảng Sài Gòn, CA.TPHCM, Hải Quan…kéo theo bao nỗi đau của người hâm mộ?

Bất cứ sự phát triển nào nếu đánh mất bản sắc thì hậu quả khôn lường, bởi khi cắt đứt sợi dây thiêng liêng liên kết với quá khứ người ta không biết mình là ai, phải ứng xử như thế nào trước đủ thứ phức tạp phải tiếp nhận. Bóng đá chuyên nghiệp cũng thế.

Nếu không chiếm được tình yêu của khán giả, thì sớm hay muộn cũng tự triệt tiêu. Đấy là thực tiễn 10 năm lên chuyên mà bằng chứng cụ thể nhất chỉ còn vài ba cái sân trên toàn quốc là còn nóng, lôi kéo được khán giả nhà đến sân. Mùa bóng vừa rồi, HN.T&T vô địch và Hội CĐV của họ xuất sắc nhất, nhưng mỗi trận đấu trên sân Hàng Đẫy, chỉ thấy một nhúm khán giả đến sân. Đấy là quy luật của tình yêu!

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm