Quy hoạch phát triển điện ảnh Việt Nam: Tiền không phải tất cả

25/04/2014 08:39 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua (24/4), Bộ VH,TT&DL và Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc hội nghị trực tuyến phổ biến nội dung và lấy ý kiến về "Chiến lược và Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030" tại Hà Nội và TP.HCM. Dù đã tới giai đoạn triển khai, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở xung quanh bản chiến lược này.

1. "Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm nay. Trong đó, nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2014 đến 2016 sẽ ưu tiên dựng rạp mới tại các tỉnh thành chưa có rạp. Giai đoạn hai từ 2016 đến 2020 sẽ xây dựng rạp tại các tỉnh thành phố trực thuộc trên cả nước. Các rạp chiếu phim sẽ đáp ứng tiêu chuẩn số. Ngoài ra sẽ đầu tư xây mới trường quay tại TP.HCM, Đà Nẵng; xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM mỗi thành phố 1 trung tâm chiếu phim hiện đại…


Bộ phim được Nhà nước đầu tư kinh phí 22 tỉ đồng Sống cùng lịch sử vừa hoàn thành xong, nhưng chưa biết đến bao giờ mới ra rạp

Riêng việc đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch đề ra đến năm 2030 điện ảnh Việt sẽ "có một đội ngũ sáng tác, sản xuất phim có trình độ chuyên môn cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, trong đó có những tài năng quốc tế được công nhận". Quy hoạch này đã đưa ra những con số rất cụ thể về lượng người được đào tạo trong nước và nước ngoài.

Về mục tiêu sản xuất phim, từ năm 2014 đến 2015, sẽ sản xuất 8-9 phim truyện, đến 2016 - 2020 sẽ tăng lên 10 - 12 phim, và tới năm 2030 sẽ là 11 - 12 phim. Con số này khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên lại sát với thực tế của điện ảnh nhà nước trong những năm gần đây, mỗi năm chỉ sản xuất cầm chừng 2-4 phim.

2. Trước và sau khi bản chiến lược phát triển điện ảnh này được phê duyệt, đã có rất nhiều ý kiến. Những người trong nghề đặc biệt lo lắng về hiệu quả và tính khả thi của bản kế hoạch. Tại hội nghị hôm qua, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ sự trăn trở đó.

Các hãng phim đều "khát" rạp, đó là thực tế, vì hiện nay hệ thống rạp tốt nhất trong các thành phố lớn đều do các công ty tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Phim Việt sản xuất xong, muốn vào các cụm rạp này không phải dễ. Nhưng xây mới là một chuyện, quản lý thế nào lại là chuyện khác. Trước đây đã từng có những rạp được xây lên sau đó do vận hành kém nên ngày càng xuống cấp, và bỏ không. Ngoài ra, phim Việt hiện nay không chỉ thiếu, mà còn yếu về chất lượng, liệu ra những rạp này có đủ người tới xem?

Nhiều đại biểu cũng rất băn khoăn về hạng mục đầu tư cơ sở vật chất. Kinh nghiệm cho thấy trước đây nhà nước đã tốn tiền tỉ để mua nhiều thiết bị hiện đại, đắt tiền về nhưng do không đồng bộ, và không biết cách khai thác nên chỉ một thời gian thiết bị lạc hậu và phải đắp chiếu. Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam, nhà quay phim Lý Thái Dũng nêu ý kiến: Đã mua thiết bị thì phải đầu tư đồng bộ, và phải có đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Còn không hãy để thị trường tự điều tiết, các hãng phim chỉ cần bỏ tiền ra thuê thiết bị, thì sẽ không bao giờ lo thiết bị lạc hậu.

Các đơn vị điện ảnh tư nhân thì cho rằng, điều cần nhất là các cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn mới, còn không điện ảnh Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ. Trên thực tế, dù hô hào "đoàn kết lại", nhưng điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân vẫn là hai khối riêng biệt. Điện ảnh tư nhân đang phát triển rất nhanh, như một dòng chảy riêng biệt, họ đã và đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách. Nhưng dường như tất cả vẫn chưa được tìm được tiếng nói chung. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn lúng túng trong hoạt động quản lý, loay hoay tìm ra một chiến lược thích hợp để điện ảnh Việt Nam đi lên.

Linh Lan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm