10/10/2022 05:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
Trong ngành quản trị học, có một bài toán gây tranh cãi nhiều năm, rằng liệu hạnh phúc có trước hay là thành công có trước?
Câu hỏi này có vẻ rất dễ trả lời. Các lý thuyết quản trị thường vạch đường tới thành công trước, đề cao kỷ luật và sự khổ hạnh. Các nhà quản lý thì tất nhiên, thường nhấn mạnh vào đức tính kiên nhẫn và sự chịu đựng. Họ không muốn nhìn thấy sự lơi lỏng. Một người phải chịu gian khổ để thành công, rồi sau đó họ sẽ hạnh phúc vì điều đó.
Hạnh phúc trước, hay thành công trước?
Văn hóa làm việc của chúng ta về cơ bản đang dựa trên logic này. Anh muốn hạnh phúc thì đầu tiên phải làm việc chăm chỉ, không được lười biếng, và đôi khi điều này được hiểu là anh không nên quá vui vẻ trước khi đạt được một cái gì đó. Thành công đã rồi mới hạnh phúc, chứ không phải ngược lại.
Nhưng đôi khi cũng có những người hạnh phúc trước. Mùa Hè năm 2003, MU đã ở rất gần Ronaldinho: Tiền đạo người Brazil thậm chí còn rủ rê đồng đội ở tuyển là Kleberson cùng đến Manchester (và cuối cùng chính “Rô vẩu” lại không đến). Các tờ báo đều đã làm sẵn hình Ronaldinho khoác áo Quỷ đỏ, và phân tích xem Sir Alex Ferguson sẽ dùng anh ở đâu, sau khi đẩy David Beckham rời Old Trafford.
Nhưng Barcelona đã nhảy vào giành giật đúng phút chót, và chiến thắng ngoạn mục. Chi tiết này được tiết lộ trong bộ phim tiểu sử “Ronaldinho - người hạnh phúc nhất thế giới”, và lý do, đáng ngạc nhiên, không phải là tiền bạc, hay danh vọng. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được chào đón nồng nhiệt đến thế. CLB đang trong giai đoạn khó khăn, không mấy vui vẻ vì thua nhiều, nhưng sân vận động thì chật kín”, Ronnie kể lại.
Thời điểm ấy, MU đang là đế chế giàu có và tham vọng bậc nhất châu Âu, còn Barca đã thoái trào. Lương ở Manchester cũng cao hơn, nhưng Barca đã làm ngôi sao người Brazil hạnh phúc: Tân Chủ tịch CLB Joan Laporta hứa rằng sẽ đặt anh vào trung tâm đội bóng, trong khi hàng chục ngàn CĐV Barca đã kéo đến Camp Nou hô tên anh từ khi tiền đạo này còn chưa chính thức gia nhập.
Trên sân, sau giai đoạn khó khăn đầu mùa, HLV Frank Rijkaard cho phép Ronaldinho chơi tự do nhất có thể, và sự giải phóng này đã kích hoạt ngôi sao này bùng nổ, giúp Barca vô địch Liga 2 mùa liên tiếp (2005, 2006) và đăng quang Champions League 2006. Đi kèm với thành tích là nụ cười: Ronaldinho là biểu tượng của hạnh phúc trong bóng đá, với một thái độ luôn tích cực và lối chơi ngẫu hứng phi thường. Niềm vui đã đến trước những chiếc Cúp.
Khi phép màu đến
Khi nhìn thấy Quang Hải vật lộn ở Pau FC, đa số dư luận mất kiên nhẫn, và nếu không chỉ trích thì họ chỉ tập trung vào một lập luận: Phải cố gắng nữa, chăm chỉ hơn nữa. Những gì mà Hải đã làm có lẽ là chưa đủ tốt, nhìn vào kết quả thì có lẽ ai cũng nghĩ đó là logic hiển nhiên.
Tất nhiên là không ai phải có “nghĩa vụ” đi hỏi rằng Quang Hải có hạnh phúc không, nhưng hãy thử tưởng tượng cuộc sống mới của anh ở Pau FC: Thị trấn Bizanos nơi CLB của anh đóng quân chỉ có khoảng 5 ngàn dân, và sau các buổi tập mà Hải thường chủ động ở lại thêm hai tiếng để trau dồi, anh chỉ về nhà, tự nấu ăn, và đến giờ là đi ngủ sớm. Hải vẫn chưa biết tiếng Pháp, chưa có bạn bè mới, sống xa gia đình.
Quang Hải không phải là Ronaldinho để có quyền đòi hỏi phải được hạnh phúc trước, nhưng với một người phải đến 25 tuổi mới đổi CLB, đó có vẻ là quá nhiều. Sức ép thì chỉ có tăng lên: Thành tích CLB ngày một được cải thiện, còn Hải thì ngày một quen hơn với… ghế dự bị.
Nhưng anh đã ghi bàn vào lúc tình cảnh có vẻ đang bế tắc đến độ tuyệt vọng, một pha bóng có phần may mắn (cầu thủ đối phương nằm sân vì chấn thương, giúp anh không rơi vào thế việt vị), nhưng cũng đầy sự tỉnh táo. Chính đồng đội chuyền bóng cho anh còn nghĩ Hải đã việt vị, nhưng cựu tiền đạo của Hà Nội FC đã nhận bóng gọn gàng và dứt điểm không hề do dự.
Có vẻ trùng hợp, nhưng hãy thử đọc báo vài ngày trước: Sau mấy tháng cô đơn ở Pháp, bố mẹ và bạn gái của Hải đã cùng anh sang châu Âu lần này. Trên khán đài chỉ vỏn vẹn bốn ngàn chỗ ngồi của Pau FC, giờ Hải đã nhìn thấy thêm những nghị lực mới. Và anh đã ghi bàn.
Khó có thể cưỡng ép sự kiện ấy vào một mối quan hệ nhân – quả với bàn thắng này, nhưng đấy cũng là một gợi ý nho nhỏ: Khi sức ép đã quá đủ rồi, thì một chút hạnh phúc có lẽ hiệu quả hơn. Tôi không chắc có phải niềm vui được sống với gia đình đã mang đến thành quả này, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng Hải đã hạnh phúc hơn rất nhiều mấy tháng cô đơn xứ người vừa qua.
Đấy có lẽ cũng là một gợi ý cho chính các khán giả: Nếu bạn thực sự muốn một cầu thủ tốt lên, thì sau khi đã tạo áp lực, chỉ trích, thậm chí cay nghiệt mà anh ta vẫn giậm chân tại chỗ, thì một vài lời động viên có thể mang lại phép màu. Bàn thắng vừa rồi thực ra không có nhiều logic ở trong đó. Nó gần giống một phép màu, vào lúc Hải đang ở tình cảnh đáng thất vọng nhất. Một chút hạnh phúc có thể màu nhiệm như thế đấy, và ai cũng có thể tạo ra nó, cho người khác.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất