'Quán thanh xuân' tháng 9: Nghệ sĩ Minh Vượng, Minh Hòa 'mất show' vì... điện thoại

12/09/2020 11:27 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Quán thanh xuân tháng 9: Alo, Quán thanh xuân xin nghe! là những câu chuyện, kỷ niệm của các khách mời và khán giả, cho thấy sự phát triển của ngành viễn thông song hành với sự phát triển của đất nước, giúp con người gần lại với nhau, đồng thời nhắc nhở chúng ta về giá trị lớn nhất của sự kết nối: Kết nối tình người.

'Quán thanh xuân' tháng 8: Ký ức về những chương trình truyền hình một thời vang bóng

'Quán thanh xuân' tháng 8: Ký ức về những chương trình truyền hình một thời vang bóng

Chương trình Quán thanh xuân tháng 8 với nội dung hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày phát sóng chương trình đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam mang tên "Bật ti vi - Tìm ký ức". 

Trước đây, điện thoại thường chỉ có trong phim ảnh, hoặc trong trò chơi "nối bao diêm" của trẻ em. Muốn nói chuyện với nhau phải gặp mặt, muốn gọi điện thoại phải hẹn trước. Bởi thế mới có chuyện, nghệ sĩ Minh Vượng và Minh Hòa đạp xe từ Lò Đúc xuống Mai Dịch để gọi bạn diễn, lên đến nơi thì mất show vì muộn giờ.

Hoặc là ở các vùng quê, thường có một cán bộ bưu cục làm nhiệm vụ đưa thư và nhận đánh điện đi các nơi. Hay, muốn gọi điện phải ra Bưu điện xếp hàng mỏi chân, nói chuyện riêng mà cả xóm nghe thấy…

Cho đến thập kỷ 80, trước thời đổi mới, dịp Tết, tất cả các bốt điện thoại đều kín người, cả gia đình từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM để gọi điện liên tỉnh, vừa nói được câu "Má à” là cả nhà bật khóc...

Chú thích ảnh

Điện thoại bàn lúc đó ưu tiên lắp cho các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và cán bộ từ cấp Cục, Vụ, Viện... trở lên. Với người dân, rất ít gia đình được lắp đặt. Ở các tỉnh, thành phố, thị xã còn hiếm hơn nữa.

Điện thoại bàn là một vật dụng xa xỉ ở thập kỷ 90. Có không biết bao câu chuyện xoay quanh cái điện thoại bàn. Chẳng hạn như vấn nạn gọi "chùa" điện thoại cơ quan với những hoá đơn dài dằng dặc cần truy tên xem của ai, chủ nhân những cuộc điện thoại giá cao ngất ngưởng có khi còn bị trừ cả thi đua. 

Thông tin di động xuất hiện manh nha gắn liền với hình ảnh của máy nhắn tin. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh chiếc máy nhắn tin với tin nhắn không dấu sẽ được các khách mời chia sẻ tại Quán thanh xuân tháng 9. 

Chú thích ảnh
Ê-kíp thực hiện chương trình "Quán thanh xuân"

Cuối thập kỷ 90, sự xuất hiện của những chiếc điện thoại to, với màn hình đen trắng, gợi nhớ đến hình ảnh “cục gạch”. Thời điểm 1999-2000, để sở hữu chiếc điện thoại này, phải chi khoảng 4 triệu đồng, tương đương mức chi tiêu vài tháng của một gia đình bình thường. Cước phí mỗi phút gọi điện thoại di động lúc bấy giờ “bay” luôn 1 bát phở. Với vài chục phút liên lạc, chủ nhân của một thuê bao phải tốn gần chỉ vàng.

Điện thoại di động bấy giờ có thể đo đẳng cấp của người giàu, người có chức, có nhiệm vụ, để “giải quyết khâu oai”… Như nghệ sĩ Minh Vượng cho biết thì ở Nhà hát của chị, người đầu tiên có điện thoại di động là chị Minh Hoà, anh Chí Trung rồi đến chị. Mà điện thoại di động cũng chỉ là để nhận cuộc gọi đến là chính. Giá cước và sóng điện thoại thời bấy giờ khiến điện thoại di động trở thành một thứ xa xỉ. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ chia sẻ với khán giả của Quán thanh xuân về khái niệm "vùng phủ sóng". 

Trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến như ngày hôm nay, ở những nơi đặc biệt như đảo xa, những thông tin như vợ sinh con, gia đình có việc... phải cả tháng sau mới đến được với chiến sĩ. Điện thoại di động không còn chỉ là một phương tiện liên lạc, nó là “bà mối” kết nối tình yêu. Khán giả Quán thanh xuân sẽ  cùng trò chuyện với cặp vợ chồng nguyên chiến sĩ đảo Trường Sa với hành trình hơn 300 ngày yêu nhau qua… điện thoại.

Ngày xưa, phải thật xa, thật lâu mới liên lạc được với nhau, nên mối liên hệ đó trở nên rất đáng quý, đáng mong chờ. Giờ đây một cú click có thể kết nối thì thay vì tiếp xúc trực tiếp, người ta có thói quen dùng những ngôn ngữ "không cảm xúc" với nhau, gần mà lại thành xa là như vậy. Tuy nhiên, giá trị kết nối của điện thoại di động luôn có ý nghĩa lớn lao. 

Các phương thức truyền tin đã bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Ngoài đường truyền di động, internet, các giải pháp công nghệ của xã hội số đang giúp con người có cuộc sống tiện ích hơn, kết nối  nhiều hơn, hiệu quả hơn. Dù các phương thức ngày càng hiện đại, nhưng có những giá trị không bao giờ thay đổi và cần được giữ gìn, đó là kết nối tình thân giữa con người và con người. 

Quán thanh xuân tháng 9 với sự tham gia của các khách mời: NSƯT Minh Vượng, NSND Minh Hòa, nhà báo Ngô Bá Lục, nhà báo Phạm Thị Thục... cùng các ca sĩ Đông Hùng, Bảo Trâm, Tạ Quang Thắng, Tùng Dương, Thái Thùy Linh... sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h40 Chủ nhật ngày 13/9 trên kênh VTV1.

Tiểu Phong. Ảnh: VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm