Quan điểm Hà Quang Minh: Diễn viên Smalling, và vở kịch Manchester

03/11/2014 08:00 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - 15 phút đầu hiệp 1 và 15 phút đầu hiệp 2 trận derby thành Manchester có thể là hai đoạn khởi đầu dẫn đến hai kết cục khác nhau. Nếu coi trận cầu là một vở kịch, và màn mở màn của nó là 15 phút đầu hiệp 1, Man United có thể sẽ thua nát bét, như trận thua mà Balotelli lột tấm áo lên ăn mừng để lộ dòng chữ “Tại sao luôn là tôi?”.

1. Dễ hiểu, 15 phút ấy, Man United bị cuốn vào lối chơi nhanh của đối thủ, khi mà tập thể của họ chưa thực sự là một khối ăn ý với nhau. Tất cả mới chỉ làm quen cùng nhau trong một hệ thống mới, với một huấn luyện viên mới, và nhất là, họ đang ở trong một cuộc khủng hoảng nhân sự mới cùng những chỉ trích mới nhưng lại ở định dạng những so sánh cũ (với Man United của David Moyes) hoàn toàn.

Giả như Man United chơi đủ người, và cứ cuốn vào lối chơi nhanh có nhịp điệu của Man City như 15 phút đầu tiên ấy, Man United sẽ vỡ trận rất sớm, như cái cách mà 2 cầu thủ tấn công Man City làm toát mồ hôi một hàng thủ 4 người của Man United một cách dễ dàng.

Nhưng khi Smalling bị thẻ đỏ, sự kiện mà nhiều người cho rằng là bước ngoặt của trận cầu, và thậm chí mỉa mai Smalling dựa trên nghĩa của cái tên anh là ‘Mãi chả lớn’, thì đó lại là lúc Man United tỉnh lại, để biết mình biết người, để không thể thua một trận vỡ mặt khi họ cần hạn chế những chấn thương tâm lý nhất.

Ai cũng có thể trách người bị thẻ đỏ, nhưng suy cho cùng, như chuyện Tái ông thất mã, cái thẻ đỏ của Smalling có khi lại cứu danh dự Man United.

Đơn giản, khi thiếu người, một đội bóng không thể nào chơi cương cường với đối thủ mạnh hơn mình, mà phải hiểu mình hơn, để chơi một cách thận trọng, để hiểu mình hơn hẳn.

Và chỉ với 10 người trên sân, Man United không còn thể cương với Man City được như trước nữa. Thay vào đó, họ co cụm lại, để bảo toàn chính mình, để mong có được trận hòa và nếu có phải thua, cũng chỉ thua trong tầm mức chấp nhận được.

2. Chính vì biết mình như thế, đâm ra Man United lại làm cho Man City phải gặp bế tắc khi triển khai trấn áp đối phương. Nếu không có bàn thắng sớm ở hiệp 2, rất có thể Man City sẽ phải chuyển sang phương án câu bóng bổng liên tục vào vòng 16m50 của Man United với kỳ vọng mang tên Dzeko của mình.

Tất cả những điều đã xảy ra, khiến vở kịch derby Manchester bộc lộ rõ cái hấp dẫn của bóng đá.

Đè bẹp một đội bóng yếu hơn mình khi họ đủ 11 người, và còn máu ăn thua với mình, dễ hơn hẳn việc thắng một đội bóng chỉ có 10 người, và tâm thức là bảo toàn danh dự tối đa.

Thế nên, có khi cái mất của Man United khi Smalling bị thẻ đỏ lại là cái mất nhỏ, Bởi nếu anh không bị đuổi, chuyện Man United vỡ trận vì cứ cuốn vào cách đá nhanh của Man City là điều không khó hình dung.

Trận cầu như một vở kịch. Và Smalling chỉ là một diễn viên phụ. Đôi khi, không có một diễn viên phụ, đạo diễn vẫn xoay xở để vở kịch diễn tiến trôi chảy, dù chẳng theo ý mình.

Đạo diễn chỉ lo nhất khi vở kịch chưa diễn ra mà diễn viên chính bỗng dưng mất tích. Không có diễn viên chính, vở kịch chắc chắn bất thành.

3. Đủ 11 người, Man United không có diễn viên chính tốt như Man City, như cách ông HLV trưởng ĐTVN Miura đã nói với tôi khi cùng xem trận derby này rằng “Thời đại này, để tìm một cầu thủ duy nhất lãnh trách nhiệm tổ chức lối chơi trong một đội bóng là khó. Vì thường không còn ai chuyên trách như thế cả, mà cầu thủ đa năng hơn”. Người tổ chức lối chơi ấy, không khác gì diễn viên chính của vở kịch.

Man City có được người đóng vai chính đúng thời điểm của đạo diễn Pellegrini, khi Yaya xẻ đường bóng quyết định để tạo nên bàn thắng.

Còn Man United thì không, và Van Gaal vẫn phải cố kiếm tìm.

Nhưng may cho Van Gaal, và Man United, là vở kịch không diễn ra ở nhà hát của những giấc mơ. Bởi vậy, trận thua của họ không trở thành một bi kịch nặng nề…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm