Quan điểm Hà Quang Minh: Arsene Wenger, gã cứng đầu hay kẻ thách thức thời đại

02/12/2014 21:00 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - “Wenger có tội lớn là lặp đi lặp lại liên tục những sai lầm cố hữu bao gồm: Không chịu tăng cường sức mạnh đội hình ở những vị trí trọng yếu và quá bảo thủ với lối chơi tấn công thái quá vốn luôn khiến đội bóng của mình hở lưng bất kỳ lúc nào”.

Chắc chắn sẽ không ít người đồng tình với trích dẫn từ bài viết “Đã đến lúc gã cứng đầu Wenger nên từ nhiệm” của tay bút Giles Smith thuộc tờ The Times. Ở hoàn cảnh của Arsenal hiện tại, soi chiếu lại với nhiều mùa bóng trước, trích dẫn này bỗng trở nên thiết thực và hay hơn tất thảy bất kỳ nhận xét nào về HLV người Pháp. Và nếu chúng ta kiểm đếm lại các dòng trạng thái trên facebook của bạn bè mình sau mỗi trận Arsenal thi đấu, ta sẽ nhận thấy khá nhiều người than phiền, thậm chí dè bỉu Wenger theo cách từ sâu cay nhất cho tới thông tục nhất.

Nhưng cổ nhân xưa vốn có câu: “Cái dở mà nhiều người chê dở là cái dở rất hay và cái hay mà nhiều người khen hay lại có khi là cái hay rất dở”.

Đám đông thường mắc bệnh lây về cảm quan và phương cách tiếp cận sự vật hiện tượng. Còn những người bình tĩnh hơn, tự tách mình ra khỏi đám đông đó, thường có những nhận xét sâu sắc và khách quan hơn, chuẩn xác hơn. Song, thiểu số biệt lập ấy vốn vẫn thường bị vùi dập bởi những cái loa của lực lượng đông đảo hơn, cái cách vùi dập mà hiện nay ta hay dùng hai chữ ‘ném đá’ để mô tả.


Từ sau Adams, Arsenal không còn trung vệ xuất sắc.

Sự thực, Wenger là con người như thế nào, ít ai biết được rõ nhất, ngay cả đó là những học trò thân cận nhất. Và chúng ta hãy thử đặt ra những câu hỏi, và tự trả lời, để nhìn nhận lại xem mình đã nhận định về Wenger đúng hay chưa?

Wenger có phải là kẻ cứng đầu hay không? Sẽ nhiều người vội vã nói “Có” với hàng loạt dẫn chứng về chuyện hoạt động èo uột của Arsenal trên thị trường chuyển nhượng. Thứ dẫn chứng cũ rích ấy không khỏi khiến nhiều người sa lầy trong nó và không thể thoát ra khỏi định kiến về Wenger. Nhưng thực chất, Wenger lại là người rất linh hoạt, biết thay đổi tùy theo thời cuộc và dám chấp nhận những hệ quả đau thương nhất từ chính những thay đổi đó.

Ai nói là Arsenal dưới thời Wenger chỉ chơi tấn công và tấn công? Hãy đọc lại tự truyện của Roy Keane, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng rằng mình đã chẳng hiểu gì về Arsenal cả. Chính Roy Keane đã viết rằng “Arsenal khi đó là một đội bóng chơi phản công rất xuất sắc” và khi đọc đến dòng ấy, hẳn chúng ta sực nhớ ra có một thời kỳ sức mạnh Arsenal dựa trên những cái tên như Bould, Adams, Winterburn, Lee Dixon… Dần dần, theo thời cuộc, Arsenal không còn những hậu vệ đẳng cấp nữa, và Wenger cũng biến đổi từ lối chơi phản công ấy sang lối chơi giành quyền kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương để giảm thiểu những rủi ro. Sự dịch chuyển triết lý của Wenger không nhanh-mạnh-tức thời đến mức người ta có thể nhận ra ngay được những thay đổi mà nó diễn biến chậm, từ từ theo từng thời điểm. Rõ ràng, nếu là một kẻ cứng đầu bảo thủ, Wenger sẽ không bao giờ chịu thay đổi như thế.

Trước đây, Wenger từng tuyên bố sẽ không vung tiền mua ngôi sao cũng như cầu thủ nào đã ra đi khỏi Arsenal sẽ không có cơ hội quay lại. Nhưng rồi những năm gần đây, chúng ta chứng kiến ông đã làm ngược lại lời ông nói, tức là ông đã tạo ra tiền lệ. Sự trở lại (ngắn hạn) của Henry; Campbell và bây giờ là Flamini (dài hạn) cùng việc mua Oezil; Podolski; Cazorla… chính là minh chứng hùng hồn nhất. Wenger có bảo thủ không khi chính ông tạo ra tiền lệ mới để thay đổi những tiền lệ cũ của mình? Chắc chắn là không rồi. Ông không hề cứng đầu và bảo thủ như người đời vốn nghĩ.


Hãy xem như Wenger đang trong một cơn mơ dài...

Có người từng nói nếu tấn công là một nghệ thuật thì phòng thủ cũng đáng được tôn vinh là một nghệ thuật. Giữa một thời đại mà nghệ thuật phòng thủ đã được nâng tầm lên thành lối chơi áp sát liên tục, áp sát lập tức ngay khi đối phương có bóng, việc giành quyền sở hữu bóng nhiều hơn chắc chắn sẽ khiến đội bóng dính nhiều chấn thương hơn. Dễ hiểu, khi anh cầm bóng, anh có thể thoát qua cú áp sát thứ nhất ngoạn mục; vượt qua cú truy cản thứ hai đầy may mắn nhưng anh chắc chắn sẽ phải đổ gục khi cú tắc thứ ba được phóng về phía mình ngay sau đó. Arsenal là nạn nhân của lối chơi pressing đang lên ngôi đó và nhiều người sẽ chỉ trích Wenger tại sao không thay đổi để tìm ra phương cách tiếp cận hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro hơn. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ đến khía cạnh tích cực cho Wenger nói riêng và Arsenal nói chung? Đó là khi pressing thành một nghệ thuật, việc đào luyện để vượt qua cơn bão pressing ấy cũng phải là một nghệ thuật. Và thực hành nghệ thuật thì không chỉ cần thiên bẩm tài năng mà còn cần rất rất nhiều khổ luyện.

Hãy xem như Wenger đang trong một cơn mơ dài, với mục tiêu xây dựng một đội bóng đủ tầm bản lĩnh và kỹ thuật siêu đẳng để thoát khỏi các cú truy cản như bão táp của thời pressing lên ngôi này. Và để xây dựng một tập thể như thế, ông cần thời gian để chọn lọc, đào thải, nâng cấp từng cầu thủ. Sẽ thế nào đây nếu 5 hay 7 năm nữa, Arsenal giới thiệu một đội hình đồng đều xuất sắc chơi bóng như đùa giỡn với các đối thủ liên tục áp sát mình? Quá tuyệt vời cho một giấc mơ dài như thế. Nhưng chắc chắn ai cũng hiểu, có những giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực.

Song, thà sống có một giấc mơ còn hơn là tồn tại với chẳng mộng ước nào. Và Wenger bỗng hiện thân ở Arsenal như một kẻ thách thức lại thời đại, thách thức lại đám đông đang ồ ạt hân hoan với lối chơi pressing kia, thách thức như thể một gã đầu trần đi ngược cơn lốc lớn.

Và chỉ cần như thế, người ủng hộ Arsenal đích thực đã có thể tiếp tục tin và yêu Wenger rồi…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm