Quan điểm của Mourinho và 'Luật Rooney'

12/10/2014 11:33 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - “Không có kỳ thị chủng tộc trong bóng đá. Nếu bạn là HLV giỏi, bạn sẽ có công việc. Nếu giỏi, bạn chứng minh được mình xứng đáng với vị trí đó. Bóng đá chả ngốc đến nỗi đóng cánh cửa với những nhà cầm quân hàng đầu. Nếu bạn tài năng, bạn sẽ trên đỉnh”.

Đó chính là phát biểu của Jose Mourinho trong hội nghị bàn đến vấn đề kỳ thị chủng tộc với các HLV da màu trong bóng đá Anh. Quan điểm mà Mourinho thể hiện trong phát biểu rất rõ ràng: các nhà quản lý nên chọn HLV dựa trên năng lực, thành tích chứ không phải màu da.

Sự cần thiết của luật Rooney

Thế nhưng, không nhiều người đồng tình với ý kiến của “Người đặc biệt”. Hai ngày sau khi HLV Chelsea chia sẻ ý kiến, Phó chủ tịch FIFA Jeffrey Webb tỏ ra khá bất bình. “Thật chẳng thông minh chút nào, thật là thiếu hiểu biết!”- ông nhận xét. Giám đốc điều hành của Liên đoàn bóng đá Anh Gordon Taylor đồng tình: “Ở nền bóng đá của chúng ta đang tiềm ẩn kỳ thị chủng tộc khi HLV da màu chỉ là thiểu số. Điều này khiến các CLB đi thụt lùi”.

Có 92 CLB đang góp mặt trong các giải chuyên nghiệp tại Anh nhưng chỉ 2 trong số đó được dẫn dắt bởi HLV da màu. Trong khi đó, tính trên toàn bộ lãnh thổ Anh, chỉ có khoảng 15 HLV da màu đang làm việc tại các đội bóng. Chủ tịch FA Greg Dyke cho rằng đây là một thống kê đáng xấu hổ của bóng đá Anh và cần thiết phải áp dụng luật Rooney để đưa nhiều HLV da màu vào làm việc ở các CLB.

Luật Rooney được đặt tên theo Dan Rooney, Chủ tịch CLB bóng bầu dục Pittsburgh Steelers, đội bóng có truyền thống sử dụng các HLV là người Mỹ gốc Phi. Theo luật, các CLB buộc phải phỏng vấn ít nhất 1 HLV trưởng là người da màu hoặc bố trí họ làm những công việc quan trọng trong đội bóng. Gần 10 năm sau khi luật Rooney ra đời vào năm 2003, tỉ lệ các HLV da màu tại Mỹ đã tăng từ 6% lên 32,6%.

Trong thời gian luật Rooney ra đời và cho kết quả khả quan ở Mỹ thì tại Anh các nhà quản lý bóng đá vẫn vướng vào những tranh cãi chưa hồi kết. Cựu cầu thủ Sol Campbell phàn nàn trong cuốn tự truyện của mình rằng anh sẽ phải ra nước ngoài nếu muốn theo đuổi nghiệp huấn luyện bởi thái độ “cổ xưa” của người Anh với HLV da màu.

Nhưng giờ, với quyết tâm của người đứng đầu FA, nước Anh đang đợi chờ những thay đổi. “Chỉ cần bạn đi đến bất cứ khu vực nào trong nước cũng thấy sự bất cân xứng về số lượng HLV da màu. Chúng tôi đã lập ra một nhóm để xem xét luật Rooney”- Greg Dyke nói.  

Bóng đá Anh đang tụt hậu

Không riêng gì vấn đề kỳ thị chủng tộc, bóng đá Anh đang cho thấy sự tụt hậu so với châu Âu về chất lượng HLV. Theo báo cáo mới nhất, chỉ có 205 HLV người Anh được UEFA cấp bằng huấn luyện cấp cao, so với 2.353 ở Tây Ban Nha và 1304 trường hợp ở Đức. Ở cấp độ thấp hơn - thường được gọi là bằng B - Anh chỉ có 9548 trường hợp được cấp, thấp nhất trong 5 giải đấu hàng đầu ở châu Âu.

Trên thực tế, có tới 50.000 HLV đang làm việc tại Anh. Tuy nhiên, khi sàng lọc HLV trình độ thì con số rất thấp. Có tới 39.000 HLV không có nổi bằng Youth Award 3 - cấp thấp hơn bằng B.

“Chúng tôi ở xa hàng dặm so với các nước bạn. Về cả năng lực HLV và cơ sở vật chật”- ông Dyke nói.

Để giải quyết vấn đề, FA sẽ thành lập một tổ chức giáo dục HLV, được điều hành bởi những nhà quản lý hàng đầu. Tiêu chí của họ khi thiết lập các khóa học huấn luyện là muốn đào tạo được nhiều HLV chất lượng. Những người giảng dạy sẽ có trách nhiệm phân tích và tìm ra lý do tại sao trình độ HLV tại Anh thấp đến vậy. Do không đủ nguồn cung? Do chi phí hay thời gian?

Một số tiền lớn đã được FA duyệt chi cho dự án này. Dyke tin rằng với hướng đi đúng đắn, bóng đá Anh sẽ bắt kịp được Đức, Tây Ban Nha dù có phải chờ đợi 5 hay 10 năm nữa.

Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm