'Quái kiệt' Mai Đình Tới: Tôi cải tiến đàn bầu nhờ vợ

08/01/2015 15:22 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - "Quái kiệt" Mai Đình Tới từng được công nhận các kỷ lục Việt Nam và Châu Á vừa có buổi giới thiệu cây bàn bầu mới do ông cải tiến.

Lâu nay cũng có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân cải tiến cây đàn bầu truyền thống. Vậy quái kiệt Mai Đình Tới cải tiến đàn bầu như thế nào, ông có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa.

* Đàn bầu ông cải tiến có khác gì với cây đàn truyền thống và những cải tiến trước đó của các nghệ sĩ, nghệ nhân?

- Đàn bầu truyền thống chỉ chơi được nửa thân trên tính từ cần đàn. Đàn bầu được tôi cải tiến chơi được toàn thân đàn. Mai Đình Tới ví von: “Phần nửa thân đàn còn lại giống như người em song sinh lâu nay chưa được biết đến”. Nửa thân đàn được tôi đánh thức chính là phần tính “ngựa đàn” trở lên. Lâu nay chúng ta chỉ chơi đàn bầu từ cần đàn trở xuống.

* Tại sao ông có ý định “đánh thức” phần còn lại của cây đàn bầu?

- Vợ của tôi là nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Cầm, từng đoạt giải Nhất liên hoan đàn bầu quốc tế tại Huế năm 2004. Trong một lần đàn của Hoàng Cầm bị đứt dây nhờ tôi thay dây và tôi đã nảy ra ý định cải tiến cây đàn bầu. Có thể nói, việc tôi cải tiến thành công cây đàn bầu là nhờ… vợ. Nghệ sĩ Hoàng Cầm đã giúp tôi trong việc thẩm âm, chỉnh lý phần nửa cây đàn còn lại.


Quái kiệt Mai Đình Tới giới thiệu cây đàn bầu cải tiến

* Ông cho biết vì sao lâu nay phần nửa dưới cây đàn bầu không được các nghệ sĩ, nghệ nhân sử dụng?

- Ai cũng biết phía dưới cuối đàn bầu vẫn có thể tạo ra được những âm thanh tương tự như ở nửa phần trên, nhưng không thấy nghệ sĩ nào sử dụng? Đó quả là một điều bí ẩn. Sau khi tìm hiểu, tôi rút ra kết luật về nửa phần đàn không chơi được vì nó có những nhược điểm sau: Nếu đánh các nốt ở phía cuối thân đàn, khi gảy thì dây đàn và tay gảy đều bị chạm vào mặt đàn, gây khó khăn cho các điểm gảy và không tạo được nốt nhạc có cao độ chuẩn xác; Từ cần đàn đến các điểm gảy ở cuối thân đàn có khoảng cách khá xa, khiến cho độ rung luyến, láy từ cần đàn rất khó thực hiện; Tư thế ngồi chơi đàn cũng không thuận tiện… nên không ai sử dụng nửa phần đàn này.

* Vậy ông đã cải tiến như thế nào?

- Để nửa phần còn lại của thân đàn bầu vẫn chơi được như nửa phần trên, có các cách sau:

- Dịch chuyển điểm đặt ngựa đàn mới đi về hướng cần đàn và có khoảng cách là 1,25cm so với điểm đặt ngựa đàn cũ.

- Từ vị trí đặt ngựa đàn mới này nghệ sỹ Mai Đình Tới đã dùng ngựa đàn mới, nâng cao dây đàn lên khỏi điểm đặt dây thông thường khoảng 0,75cm đồng thời Mobile cũng được đẩy lên theo sao cho độ cao của Mobile tỷ lệ thuận với độ cao của dây đàn,khoản cách giữa Mobile với ngựa đàn mới là khoản 10cm

- (Khi đặt Mobile dưới dây đàn nghe âm thanh tốt nhất thì đặt ở chỗ đó vì phụ thuộc vào âm thanh của Mobile hoặc từng chiếc đàn bầu khác nhau)

- Để cho âm thanh truyền dẫn từ dây đàn đến Mobile vẫn phải đảm bảo được âm thanh phát ra vẹn nguyên, chuẩn xác.

- Từ sự cải tiến này Đàn Bầu mới sẽ cho ra được 5 bậc tương ứng với 5 nốt nhạc hoàn chỉnh là: Sol - đô - mi - sol - đố nằm ở phía cuối thân đàn.

- Nếu lấy nốt đồ (tức C1) làm trung tâm thì từ 2 phía của cây đàn ta sẽ được tổng cộng 11 bậc tương ứng với 11 nốt nhạc trên cây Đàn Bầu và chúng đồng âm với nhau.

* Xin cảm ơn ông.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu 2 clip nghệ sĩ Hoàng Cầm chơi đàn bầu cải tiến của "quái kiệt" Mai Đình Tới:




Lịch sử cải tiến cây đàn bầu

Việc cải tiến đàn bầu đã từng được nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện trong quá khứ. Chẳng hạn, theo Nhạc sĩ Bùi Lẫm Thì vào thập kỉ 60, nghệ Sỹ Mạnh Thắng là người sáng chế ra que gảy ngắn, thay vì que gảy thông thường là 10cm, nay chỉ còn 4cm.Từ que gảy ngắn này Nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận đã phát minh ra lỗi kĩ thuật vê trên một cây đàn , đánh bồi âm trên bồi âm.

Nghệ Sĩ Hồ Khắc Chí là người có sáng kiến gắn lên nửa thân phía dưới Đàn Bầu các con ngựa (nhạn đàn) để tạo thêm các âm bồi làm phong phú tiếng đàn. Tuy nhiên, sáng tạo của nghệ sĩ Hồ Khắc Chí là dùng cả bàn tay chặn và tác động trực tiếp xuống dây đàn Bầu. Còn Mai Đình Tới khai thác nửa thân phía dưới Đàn Bầu bằng que gảy như lối chơi thông thường, tạo ra cao độ chuẩn xác, âm thanh mượt mà.

Hay như Nhạc sĩ Mác Tuyên trong thời gian 10 năm ( 1960-1970) ông đã chế tác 11 cây đàn bầu cải tiến nhưng không thành công. Năm 1986 ông tiếp tục cho ra đời cây đần bầu thứ 12 gọi là Lạc Cầm. Năm 1987 ông cho ra đời lạc cầm thứ 13 chuyền tải được âm sắc của 4 loại nhạc cụ dân tộc gồm : đàn bầu, đàn tranh, tứ trầm và tứ trung. Sau đó ông còn cho ra đời cây đàn thứ 15 và 16.

Đàn bầu còn từng được cải tiến, bởi: Kĩ sư Vũ Thiết, nhiều nghệ sĩ cho rằng ông chính là người chế tạo nên cuộn cảm ứng (Mobil) tạo nên tiếng vang dài cho đàn Bầu; Nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam và kĩ sư Nguyễn Văn Lợi là 2 người đã thiết kế chết tạo bộ khuyếch đại (Amply) nhỏ gọn lắp vào hộp đàn sử dụng loa sắt cắm ngoài, rất phù hợp với tiếng đàn bầu và thuận tiện cho nghệ sĩ. Đây là bước cải tiến quan trọng được sử dụng rộng rãi suốt 30 năm qua và chắc chắn còn được sử dụng lâu dài nữa; Nhà giáo ưu tú Quốc Lộc giảng viên Đàn Bầu trường Âm nhạc Việt Nam nay là người có sáng kiến tạo thêm hợp âm cộng hưởng và thêm ngựa đàn để truyền dẫn âm thanh vào hộp đàn mộc.

 

H.Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm