09/08/2023 08:05 GMT+7 | Văn hoá
Người ta thường dùng câu "Tài hoa bạc mệnh" mỗi khi có một người trẻ tài giỏi nào đó bỗng dừng lại và trở về với cát bụi. Tôi vẫn nghĩ rằng đó là câu nói để an ủi, là cách để xoa dịu sự mất mát, nhưng không phải cho người đã đi xa, mà cho chính những người ở lại. Sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Trần Văn Xâm ở tuổi 39 đang khiến cho bạn bè, đồng nghiệp, cùng khán giả yêu âm nhạc truyền thống không khỏi xót xa và tiếc nuối.
1. Nhắc đến người nghệ sĩ, nhất là một nghệ sĩ đích thực, không phải showbiz, không phải bị cuốn vào thế giới màu mè của những hào nhoáng tạo ra đôi khi không từ tài năng và sự cống hiến trong nghệ thuật thì đương nhiên, điều đầu tiên và gần như là duy nhất đó chính là nghệ thuật mà họ gắn bó. Ở người nghệ sĩ âm nhạc gắn với một cây đàn thì người ta sẽ đề cập đến tiếng đàn, kỹ thuật đàn và "chất đàn".
Trong màu sắc của âm nhạc, mỗi loại nhạc cụ có một màu âm riêng, có cách phát âm và âm thanh đặc trưng, đó cũng có thể coi là tiếng đàn. Nhưng như thế chưa đủ bởi lẽ cùng một cây đàn, cùng một bản nhạc, cùng một người thầy hướng dẫn nhưng sẽ không có một tiếng đàn nào giống tiếng đàn nào. Mỗi người chơi đàn sẽ thể hiện một cách khác nhau, những khán giả tinh ý có thể nhận ra được sự khác biệt.
Tiếng đàn của Xâm trong cảm nhận của tôi, nó có tình, có chút "ngông", nhưng ẩn chứa trong đó nhiều tâm sự.
Đối với kỹ thuật đàn của một người thầy thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như Xâm có lẽ không cần phải bàn. Cái đáng nói ở đây, Xâm đã thoát ra được kỹ thuật cơ bản, kinh điển để hòa mình vào đời sống âm nhạc, hòa mình vào những làn điệu dân ca, hòa mình vào những ca khúc mới. Xâm sẵn sàng theo "trend" của giới trẻ, hòa mình vào những khúc nhạc quốc tế từ Thái Lan, Lào, Campuchia đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những bản nhạc của Nga, Đức, Pháp, Áo… những nhịp điệu cuốn hút của Tây Ban Nha hoặc âm nhạc La-tinh…
Xâm trong góc nhìn của tôi, đã vượt qua "cảnh giới" của sự hàn lâm và hòa vào đời sống đại chúng. Kể cả những nơi bình dân nhất, như không gian công cộng ở phố đi bộ Hồ Gươm, hoặc những chương trình truyền hình thực tế đậm màu showbiz mà Xâm sẵn sàng xuất hiện với tư cách một người chơi. Qua đó, Xâm tiếp cận thêm được nhiều khán giả.
2. Vẫn phải nói chút về chi tiết Xâm đã vượt qua 2.000 thí sinh để giành giải Nhì tại Cuộc thi đàn nhị quốc tế tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2012. Lần ấy, tác phẩm mang tính "then chốt" giúp Xâm tạo ấn tượng là Kể chuyện ngày mùa của nhạc sĩ Thao Giang.
Đây là tác phẩm kinh điển được viết riêng cho cây đàn nhị Việt Nam, kể chuyện ngày mùa ở làng quê Bắc bộ. Ở đó là những khó khăn vất vả sớm hôm của nhà nông, ở đó là niềm vui của ngày mùa thóc lúa bội thu, ở đó có tiếng chim hót mỗi sớm mai và có ngày hội mừng một năm vất vả. Truyền tải những nội dung ấy là tiếng đàn đa dạng sắc thái cũng như kỹ thuật, lúc thì giai điệu trữ tình như một làn điệu dân ca, lúc thì rộn ràng, giục rã, lúc thì như có tiếng chim hót, khi thì cần những kỹ thuật chạy rất cao ở tốc độ nhanh, thậm chí rất nhanh.
Thông qua các tác phẩm như vậy, nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp của Việt Nam đã tiệm cận với kỹ thuật đàn nhị Trung Quốc và có thể ví von như cây violin của dân tộc. Cũng vì Xâm đã chinh phục được những kỹ thuật khó của cây đàn, nên mới tự tin đứng giữa một cuộc thi lớn ở giữa đất nước có nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp phát triển nhất thế giới.
Thực ra, để tạo được thành công như vậy, không chỉ có kỹ thuật mà còn phải có cái hồn của người nghệ sĩ, tiếng đàn mang đặc trưng cá nhân và cái chất "say", chất "điên" dường như thuộc về bản năng được trời ban cộng với kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu mới tạo ra được tiếng đàn vừa quen, vừa riêng và phần trình diễn như thế.
3. Sự ra đi của Trần Văn Xâm khiến nhiều nghệ sĩ không khỏi tiếc nuối. Từ TP.HCM, NSND Đỗ Lộc - một nghệ sĩ gạo cội của làng âm nhạc dân tộc Việt Nam - chia sẻ: "Tôi đi biểu diễn tại Trung Quốc một lần với Xâm. Xâm chơi nhị hay lắm. Một tài năng trong làng nhạc dân tộc chúng ta".
Nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng chia sẻ với người viết: "Trần Văn Xâm là một tài năng đàn nhị của Việt Nam. Nhớ ngày anh dạy môn ký xướng âm cho lớp khoa dân tộc, em là học trò thông minh nhất trong số những bạn ở lớp đó; em có đôi tai rất nhạy cảm, một đôi tai của những nghệ sĩ sinh ra để làm âm nhạc chuyên nghiệp. Sau này rất nhiều lần anh mời em biểu diễn và thu âm cho anh, thế nên chúng ta xưng hô với nhau như anh em đồng nghiệp".
Nghệ sĩ opera Phúc Tiệp cũng chia sẻ câu chuyện chung lớp các môn tổng hợp ở hệ đại học cùng Trần Văn Xâm: "Nhớ lại những buổi học nghe giao hưởng hoặc concerto, xong anh em thi nhau ghi tại giai điệu chủ đề... Ai giỏi thì ghi được 1-2 bè. Còn Xâm thì ghi từ 3 bè trở lên. Một người em tài năng và hóm hỉnh".
Nghệ sĩ Bùi Phương Hảo (giảng viên Học viện Múa Việt Nam) chia sẻ với tôi: "Xâm hồi trước ở cùng phòng 3B với em, cùng Hiền (Trần Thu Hiền - lý luận âm nhạc) và Loan (nghệ sĩ đàn organ). Phòng 3B ở đây là phòng 3 tầng 2 trong ký túc xá của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) những năm 1990. Sở dĩ Xâm được bố trí ở cùng phòng với toàn các chị là vì Xâm là anh họ Trần Thu Hiền. Hiền hơn tuổi nhưng vai vế lại là em và nhận trách nhiệm với gia đình về việc chăm sóc cho Xâm những ngày mới bước chân lên Hà Nội.
Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hương Giang, giảng viên đồng nghiệp cùng Khoa Âm nhạc Truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) với Xâm, chia sẻ tấm hình chụp từ thời ký túc xá trên trang cá nhân. Trong tấm hình đều là các nhân vật nữ, có duy nhất Xâm, là em út trong phòng. Hương Giang viết: "Tạm biệt em nhé! Xâm ơi! Chị và tất cả mọi người sẽ luôn nhớ đến em. Hãy để tiếng đàn vang mãi dù ở nơi đâu em nhé"!
Một thành viên khác trong phòng là nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Thị Thanh Thủy (giảng viên Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) cũng đăng tải một tấm hình, kèm theo dòng cảm xúc: "Không chỉ có riêng chị, mà tất cả mọi người đều yêu quý và trân trọng tài năng cũng như nghị lực sống của em. Ở bên kia thế giới em hãy luôn vui vẻ, lạc quan và mang tiếng đàn của mình vang mãi em nhé. Thương, thương lắm em à, em ơi...".
"Xâm trong góc nhìn của tôi, đã vượt qua "cảnh giới" của sự hàn lâm và hòa vào đời sống đại chúng" - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
4. Xâm là người huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ở giai đoạn đó, Tứ Kỳ có lẽ cũng là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều gia đình có truyền thống yêu âm nhạc, chủ yếu là âm nhạc dân tộc. Hai trong số những học sinh đến từ Tứ Kỳ giai đoạn ấy sau này có sự nghiệp hoạt động nghệ thuật vang danh, đó là nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và Trần Văn Xâm.
Cả 2 cùng gắn với cây đàn nhị, cả 2 đều có xuất phát điểm có gia đình khó khăn, cả 2 đều nổi tiếng là chăm ngoan, học giỏi. Nhưng Xâm thì có lẽ cuộc sống gia đình khó khăn hơn. Những ai đã từng ở ký túc xá hoặc theo học Nhạc viện thời ấy hẳn không thể quên hình ảnh người cha khiếm thị lần những bước lên thăm con trai. Biết và nhớ hình bóng ấy thì càng quý mến, yêu thương Xâm nhiều hơn.
Có lẽ cũng vì gia đình khó khăn nên trong Xâm một mặt luôn chăm chỉ học tập, một mặt khác luôn chăm chỉ đi kiếm tiền ngay từ nhỏ. Tất cả những show diễn lớn nhỏ, trên sân khấu, bên ngoài trời, trong không gian tiệc hoặc tư gia của một khán giả yêu âm nhạc dân tộc, Xâm đều không nề hà.
Và có lẽ cũng vì thế mà nó đã góp phần hình thành nên hướng đi cũng như phong cách âm nhạc của Trần Văn Xâm. Rất lửa, rất đam mê, có thể chơi những tác phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, cũng có thể thể hiện những giai điệu âm nhạc đại chúng quen thuộc nhất. Đồng thời, bên cạnh công việc giảng dạy có tính ổn định, Xâm cũng đã "đóng đinh" với việc biểu diễn âm nhạc.
Nghe nói, cũng vì chăm chỉ và tiết kiệm, cuộc sống của Xâm sau này cũng ổn định hơn, bên cạnh sự nghiệp âm nhạc ngày càng vững vàng. Dẫu thế, đời sống tình cảm của Xâm vẫn chưa thực sự trọn vẹn. Xâm ra đi giữa bạt ngàn màu hoa trắng. Xâm vẫn chưa kịp xây dựng cho mình một tổ ấm.
Trong nghệ thuật, người tài có cuộc sống nhiều thăng trầm, có đời sống tâm hồn thật chông chênh có lẽ đúng với Trần Văn Xâm. Nhưng hình ảnh Trần Văn Xâm, một người nghệ sĩ nồng nhiệt, cháy hết mình cùng tiếng đàn vẫn còn mãi trong tâm trí người yêu nhạc. Tiếng đàn cùng những phần trình diễn ấy đã được lưu lại, sẽ còn sống dài dài với công chúng yêu đàn nhị.
Tài hoa và bạc mệnh là vậy!
Trần Văn Xâm sinh năm 1984, quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Lên Hà Nội học âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 7 tuổi. Sau này trở thành giảng viên tại Khoa Âm nhạc Truyền thống của chính học viện này. Được cộng đồng mệnh danh là "quái kiệt" đàn nhị. Anh mất ngày 6/8/2023 tại thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất