Michel Platini: Tương lai của bóng đá phụ thuộc vào cầu thủ

20/03/2011 06:09 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Vào ngày 22/3 tới, Michel Platini sẽ hoàn thành xong nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch UEFA. Cuối năm 2010 vừa qua, huyền thoại người Pháp này đã tái đắc cử Chủ tịch UEFA thêm một nhiệm kỳ. Trả lời phỏng vấn tạp chí thể thao Kicker của Đức, Platini đã nói về các nguy cơ đe doạ bóng đá, Đạo luật Tài chính công bằng cũng như cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch FIFA.

Chống lại cá độ bất hợp pháp

* Ông có hài lòng về công việc của mình trong bốn năm qua?

- Hài lòng, tôi hoàn toàn hài lòng với những gì mà tôi đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử bốn năm về trước. Tôi đã cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề từng đưa ra chỉ trong vòng một năm. Câu lạc bộ đã được trả tiền khi có cầu thủ thi đấu cho đội tuyển quốc gia còn Champions League cũng như Europa League đã được cải tổ. Những gì liên quan đến trách nhiệm của UEFA, cả một phần nào đó bên ngoài UEFA, tôi đã giải quyết hết. Nhưng tất cả đều chưa hoàn tất, vẫn còn rất nhiều vấn đề chờ đợi chúng tôi xử lý tiếp.

* Cụ thể đó là những vấn đề nào?

Chủ tịch UEFA, Platini (bên phải) - Ảnh Getty

- Nguy cơ về mặt tài chính, tình trạng mua chuộc, hối lộ, cá độ bất hợp pháp, bạo lực, sử dụng chất kích thích... Trong bốn năm qua, chúng tôi vẫn chưa làm được nhiều. Hiện tại, chúng tôi có hai nhiệm vụ cấp bách: Đạo luật Tài chính công bằng giữa các câu lạc bộ và Chống tình trạng cá độ bất hợp pháp thông qua việc mua chuộc.

* Mafia trong bóng đá đang là một vấn đề lớn?

- Bản thân bóng đá là tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt khác, đến từ bên ngoài. Chúng tôi có hệ thống kỷ luật và các cầu thủ hay câu lạc bộ đều thừa nhận. Trong cuộc đấu tranh với nạn cá độ bất hợp pháp, chúng tôi phải bảo vệ tính trong sạch của thể thao. Chúng tôi đã đầu tư khá nhiều tiền nhằm sớm phát hiện ra các dấu hiệu vi phạm, các trọng tài bị mua chuộc và các cầu thủ bị lôi kéo. Sau đó, chúng tôi kết hợp với các tổ chức khác để cùng xử lý vấn đề. Chúng tôi không thể làm một mình.

* Họ gồm những ai?

- Việc đưa ra các phán quyết đối với các vấn đề mang tính luật pháp không phải là quyền hạn của UEFA, bởi suy cho cùng thì chúng tôi không phải là thẩm phán. Đó là nhiệm vụ của cơ quan công tố ở các nước. Tôi, với tư cách là Chủ tịch UEFA, chỉ có thể tìm kiếm các giải pháp tốt nhất cho bóng đá.

* Những đạo luật này có bị các thế lực tội phạm đứng phía sau cản trở?

- Chúng tôi sẽ đổi mới hệ thống nghiên cứu và điều tra đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan có liên quan ở tất cả các quốc gia thành viên của UEFA. Mỗi năm chúng tôi chi ra khoảng 6 triệu euro cho một hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ. Đó là một sự trợ giúp đáng kể với các cơ quan, bởi tội phạm trong lĩnh vực bóng đá sẽ sớm được ngăn ngừa. Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ các tổ chức công đoàn của giới cầu thủ.

* Và hệ thống này đã hoạt động?

- Vâng, chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) cũng như các tổ chức công đoàn quốc tế của giới cầu thủ khác. Chỉ có cầu thủ mới bảo vệ được tương lai của bóng đá, và cũng là của chính họ. Họ là tâm điểm của các trận đấu và họ phải lưu tâm đến điều này.

Đạo luật Tài chính công bằng

* Ông nhấn mạnh rằng Đạo luật Tài chính công bằng là công việc quan trọng thứ hai cần phải làm?

- Với Đạo luật Tài chính công bằng, chúng tôi phải đưa ra các quy định hết sức rõ ràng, đồng thời xác định rõ những việc không được phép làm. Chẳng hạn, bởi vì ở Đức đã có các quy định chặt chẽ, nên có thể các đội bóng từ Bundesliga khó giành được chiến thắng tại đấu trường châu lục. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, nên các đội bóng có nhiều cơ hội đăng quang hơn. Đó là điều không logic chút nào. Bởi vậy, chúng tôi phải có hành động kịp thời, thông qua tổ chức UEFA.

* Từ năm 2013 hệ thống chứng nhận tài chính của UEFA sẽ chính thức có hiệu lực?

- Đạo luật Tài chính công bằng rất quan trọng. Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống, và từ đây chúng tôi sẽ không nhường bước. Chúng tôi muốn giúp đỡ các câu lạc bộ, đó là mục đích của Đạo luật. Chúng tôi không hề muốn làm tổn thương các câu lạc bộ hay giết chết họ. Chúng tôi muốn những Bayern Munich, Manchester United hay Chelsea đều hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi muốn cảnh báo trước để các đội bóng có sự chuẩn bị tốt cho tương lai.

* Không ai có thể tự khẳng định được, rằng những câu lạc bộ lớn trong hệ thống thi đấu của UEFA như Manchester United, Chelsea, Inter Milan hay Real Madrid chắc chắn sẽ tham dự Champions League...

- Điều này phụ thuộc vào bản thân các câu lạc bộ. Khi chấp nhận các quy định này, các đội bóng cũng buộc phải đạt được chứng nhận tài chính. Họ đã biết được các điều kiện từ 4 năm về trước, đủ thời gian để chuẩn bị. Ở Đức đã có hệ thống các quy định chặt chẽ nên việc thích nghi với Đạo luật Tài chính công bằng sẽ dễ dàng hơn.

* Như vậy, với Đạo luật Tài chính công bằng, tình trạng số nợ của các câu lạc bộ gia tăng sẽ được chấm dứt?

- UEFA không yêu cầu các đội bóng phải có chứng nhận tài chính đối với tất cả các khoản nợ của họ. Chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề cân bằng thu - chi. Những chi phí như xây dựng sân vận động hay cơ sở tập luyện sẽ không được tính trong Đạo luật Tài chính công bằng. Nhưng khi một đội bóng có số nợ quá lớn, ví dụ như trên 500 triệu euro, thì bản thân họ sẽ gặp ngay rắc rối với các chủ nợ. Điều chúng tôi muốn là trong tương lai, các đội bóng sẽ kiểm soát tốt khoản nợ của mình. Họ chỉ được phép tiêu không nhiều hơn số tiền mà họ kiếm được.

* Nhưng ông cần phải lưu ý rằng, ở khắp châu Âu, nhiều câu lạc bộ nhận sự đầu tư từ các tài phiệt vùng Viễn Đông hay Ả-rập. Họ sẽ gặp rắc rối?

- Với tư cách cá nhân Michel Platini, tôi đã cảm thấy lo lắng cho những đội bóng này còn với tư cách là Chủ tịch UEFA, tôi không có bình luận gì. Ở Đức đã có quy tắc 50+1, cấm các nhà đầu tư ngoại nắm quyền sở hữu câu lạc bộ. Tôi nghĩ rằng điều này là rất quan trọng. Nhưng mà Đức lại không phải là Anh hay một vài quốc gia khác. Bóng đá dựa trên sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa và người hâm mộ. Đơn cử một ví dụ thế này: Nếu Schalke thuộc về một nhà đầu tư ngoại, có một huấn luyện viên ngoại và không sử dụng cầu thủ người Đức nào, đá với một Bayern Munich thuần chất Đức thì người hâm mộ sẽ ủng hộ ai? Cổ động viên rất quan trọng với bóng đá. Họ luôn giúp đỡ các câu lạc bộ, còn các nhà đầu tư chỉ đóng vai trò thứ hai. Với Đạo luật Tài chính công bằng, chúng tôi chỉ ra một con đường đi mà ở phía cuối con đường đó, bản thân các câu lạc bộ có quyền quyết định cao hơn.

World Cup 2022 diễn ra vào mùa Đông

* Ông có ý định điều chỉnh hệ thống lịch thi đấu hiện tại?

- Đó chỉ là những thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Đức, không phải là ý kiến của tôi hay của UEFA. Năm 1998 tôi từng suy nghĩ đến việc cải tổ lịch thi đấu, nhưng từ đó tôi không nghĩ thêm nữa. Ngoại trừ có sự điều chỉnh từ phía FIFA. Điều duy nhất mà tôi từng nói là World Cup 2022 ở Qatar phải diễn ra vào mùa Đông để tránh cái nắng lên đến 55oC vào mùa Hè.

* Tương tự như World Cup diễn ra vào mùa Đông ở Nam Phi vừa qua?

- Cũng có thể so sánh như thế. Ở Nam Phi, trời tối um vào lúc 17h và nhiệt độ hạ xuống thấp, đến mức 0oC. Ở Nam Phi hầu như không có chỗ nghỉ ngơi cho các cổ động viên, nên việc thu hút người hâm mộ từ nơi khác đến là rất khó khăn. Vấn đề ở Qatar thì ngược lại, nhiệt độ ban ngày trong mùa Hè lên tới 550C. Ai sẽ mở cửa đi ra ngoài, hay tắm nắng ở các bãi biển? Đó không phải là điều kiện thời tiết lý tưởng cho một giải đấu. Chúng ta vẫn còn đến 10 năm để cân nhắc về thời điểm thích hợp tổ chức giải đấu.

* Việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar gây nhiều tranh cãi. Tại sao ông ủng hộ Qatar, và ông chờ đợi điều gì ở World Cup này?

- Điều đó thật dễ hiểu: Hầu hết các thành viên của Ủy ban điều hành FIFA đã quyết định. Tại sao lại đưa World Cup đến Nga rồi lại Qatar? Đó là 2 quốc gia chưa từng tổ chức World Cup. Nước Nga có quyền đặt câu hỏi tại sao phần lớn các quốc gia ở phía Tây châu Âu đều đã được đăng cai World Cup, còn họ thì không? Qatar cũng vậy. Maroc từng 5 lần xin đăng cai nhưng không thành, còn các quốc gia Ả-rập thì chưa một lần nào. Tôi hiểu điều đó. Tôi không cảm thấy có bất kỳ lo lắng nào khi World Cup diễn ra ở Nga hay Qatar.

* Tổng thống Pháp, Ngài Nicolas Sarkozy, đã thỉnh cầu ông bỏ phiếu cho Qatar?

- Không bao giờ, ông ấy không bao giờ làm việc đó. Việc bỏ phiếu cho Qatar là quyết định của tôi. Ông ấy có gặp tôi và chỉ nói rằng ủng hộ Qatar là một việc tốt. Ông ấy hiểu tôi có quan điểm của riêng tôi và tôi không phụ thuộc vào bất kỳ ai.

* Hiện có những sự khác biệt nhất định trong quan điểm của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Mohamed Bin Hammam, Chủ tịch người Qatar của Liên đoàn bóng đá châu Á?

- Vấn đề lớn nhất hiện tại là tranh cãi về việc tổ chức World Cup 2022 vào thời điểm nào, giữa mùa Hè hay mùa Đông. Có lẽ việc này sẽ bắt đầu được đưa ra bàn thảo vào mùa Thu tới. Cá nhân tôi tin rằng giải đấu sẽ diễn ra vào mùa Đông. Sự dàn xếp này ít nhiều mang yếu tố chính trị, khi Bin Hammam hiện là một ứng viên cho vị trí Tổng thư ký FIFA.

* Liệu Sepp Blatter có tham gia tranh cử thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch FIFA nữa trong cuộc họp Hội đồng FIFA vào tháng 6 tới?

- Tôi không khẳng định được điều này. Tuy nhiên, tôi biết là Mohamed Bin Hammam cũng trở thành một ứng viên sáng giá.

* Bản thân Michel Platini cũng là một ứng viên?

- Tôi thì không. Tôi vẫn sẽ gắn bó với cương vị Chủ tịch UEFA.  

Vấn đề của EURO 2012

* Ông có hối hận khi giao phó việc tổ chức EURO 2012 cho Ba Lan và Ukraina không?

- Thật nực cười! Tôi chưa từng có ý giao việc tổ chức EURO cho Ukraina. Đó là quyết định của đa số thành viên Ủy ban điều hành UEFA. Tôi bỏ phiếu cho Italia. Tôi biết rằng tổ chức giải đấu sẽ là một việc cực kỳ khó khăn, từ kinh nghiệm sau lần tổ chức World Cup 1998 tại Pháp. Việc trao quyền cho cả Ba Lan và Ukraina là một hướng đi sang phía Đông. Bởi cả hai quốc gia này chưa từng có kinh nghiệm tổ chức một giải đấu nào. Đó cũng là bài toán khó đối với UEFA.

* Nhưng tất cả đều ổn?

- Đúng vậy, tất cả đều rất tốt. Tất nhiên sẽ không hoàn hảo như World Cup 2006 diễn ra ở Đức. Ba Lan và Ukraina có ít khách sạn hơn, giao thông giữa các địa điểm thi đấu cũng khác. Người ta có thể đi từ Frankfurt tới Munich dễ dàng hơn là đi từ Danzig tới Charkiv. Nhưng chúng tôi sẽ khắc phục vấn đề này.

* Đầu tháng 2 vừa qua, Ukraina đối mặt với nguy cơ bị đoạt mất quyền tổ chức EURO 2012?

- Đã có vấn đề xảy ra ở Liên đoàn bóng đá Ukraina. Do vậy, Liên đoàn này đã bị Liên đoàn bóng đá thế giới xử lý. Hiện tại, vấn đề nội bộ đã được giải quyết.

* EURO 2012 là giải đấu cuối cùng có sự góp mặt của 16 quốc gia, tới EURO 2016 sẽ có 24 đội tuyển từ 53 Liên đoàn thành viên của UEFA...

- Tại giải vô địch châu âu diễn ra ở Áo và Thụy Sĩ, tất cả các đội bóng thuộc Vương quốc Anh - Gồm Anh, Wales, Ireland và Scotland - đều không thể tham dự. Đan Mạch, Bỉ và Serbia cũng đều vắng mặt. Đó đều là những đội tuyển có tên tuổi và từng đi vào lịch sử bóng đá thế giới. Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ được chứng kiến sự góp mặt của 24 đội chơi xuất sắc tại EURO 2016 diễn ra ở Pháp. Một số thành phố nhỏ phải đầu tư rất nhiều để xây dựng sân vận động mới cùng cơ sở hạ tầng nhưng chỉ để tổ chức 3 trận đấu nếu giải chỉ có 16 đội. Đó là điều hết sức phí phạm và cũng là lý do để nâng số đội tuyển lên 24.

* Vậy vòng đấu loại vẫn cần thiết?

- Đối với các đội bóng lớn thì vấn đề này trở nên đơn giản hơn. Có thể là đối với đội tuyển Anh... Trước đây, vì tiền bản quyền truyền hình, các liên đoàn nhỏ thường trông đợi vào các trận đấu với những đối thủ tầm cỡ. Bây giờ các đội bóng nhỏ cũng muốn lọt vào vòng chung kết. Tôi đã suy nghĩ rất lâu rồi mới đưa ra quyết định. Tôi đã rút được kinh nghiệm từ 16 đội tuyển thi đấu tại World Cup 1978 ở Argentina. Bốn năm sau đó, tại World Cup 1982 ở Tây Ban Nha, số đội tăng lên 24, rồi lên đến 32 như bây giờ. Tôi cam kết 24 đội sẽ mang đến một EURO hấp dẫn hơn 16 đội.

* Tại các giải đấu lớn, mặc dù UEFA đã sử dụng các trọng tài giỏi, thậm chí đến 5 trọng tài trong 1 trận đấu. Tại sao ông lại không ủng hộ việc sử dụng máy móc trợ giúp các trọng tài?

- Hình ảnh gây tranh cãi luôn được chiếu đi chiếu lại trên các chương trình truyền hình. Các cầu thủ không thích bằng chứng trên tivi, vì hình ảnh thường đúng. Tôi tin tưởng vào các trọng tài. Và nếu trọng tài không thể tự đưa ra mọi quyết định đúng đắn thì chúng tôi sẽ giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng đó là câu trả lời cho việc yêu cầu sử dụng hình ảnh làm bằng chứng. Tôi thích một trọng tài làm việc với các trợ lý, ở 2 biên và phía sau khung thành, hơn là chỉ 1 trọng tài ngồi trên khán đài.

“Tôi không phải là kẻ nói dối”

* Trước cuộc bầu cử vào vị trí Chủ tịch UEFA, ông được thế giới biết đến như là một cầu thủ nổi tiếng hơn là một nhà chính trị. Điều đó bây giờ có thay đổi không?

- Chỉ một nửa thôi, tôi là một chính trị gia thể thao chứ không hẳn là một chính trị gia đúng nghĩa. Tôi sẽ thuyết phục mọi người bằng ý tưởng của thể thao. Điều đó có nghĩa chính trị là nghệ thuật lừa dối. Tuy vậy tôi không phải là một nghệ sĩ, cũng không phải là một kẻ nói dối. Tôi cố gắng thuyết phục mọi người.

* Là Chủ tịch của UEFA ông có dùng đến năng khiếu trời cho mà ông thể hiện như một cầu thủ không?

- Là cầu thủ giỏi, tôi có thuận lợi trong việc làm chính trị thông qua thể thao. Với cương vị Chủ tịch UEFA, tôi phải nhận biết được sự phát triển, giống như một cầu thủ đoán trước được tình huống. Tất cả chúng ta dù là Blatter, Bin Hammam, Beckenbauer hay Platini đều phải bảo vệ được ý nghĩa đích thực của bóng đá. Nếu như kết quả của một trận đấu được dàn xếp trước bởi các vụ cá cược thì bóng đá sẽ chết. Bởi vậy tất cả chúng ta phải chống lại điều đó.

* Nhìn vào Bundesliga ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Borussia Dortmund?

- Họ sẽ là nhà vô địch. Borussia Dortmund là một câu lạc bộ lớn với lịch sử lẫy lừng. Một sân vận động hoành tráng với những cổ động viên tuyệt vời. Dù Dortmund có làm mưa làm gió thì Bundesliga vẫn sẽ mang đến một giải đấu hấp dẫn. Những sân vận động chật cứng khán giả ở nước Đức là kết quả tốt đẹp từ thành công của World Cup 2006. Từ đó, bóng đá Đức cũng đã được đánh giá cao hơn.

Hà Minh Chi - Nguyễn Thanh (lược dịch từ Kicker)

 

Michel Platini

Sinh ngày 21/6/1955

Nơi sinh: Joeuf, Pháp

Vị trí thi đấu: Tiền vệ công

CLB đã khoác áo: Nancy (1972-1979), St. Etienne (1979-1982), Juventus (1982-1987).

Đội tuyển Pháp: 1976 - 1987, 72 trận, 41 bàn. Huấn luyện: Đội tuyển Pháp, 1988-1992

Thành tích: Cầu thủ xuất sắc nhất nước Pháp 1976, 1977; Vua phá lưới Serie A 1983; Quả bóng vàng châu Âu 1983, 1985; Vô địch EURO 1984; Vua phá lưới EURO 1984; Vô địch Serie A 1984, 1986; Vô địch Cúp C2 1984; Vô địch Cúp C1 1985.

Những cải tổ của Michel Platini

Kể từ khi giữ chức Chủ tịch UEFA vào năm 2007, Michel Platini đã đưa ra khá nhiều cải tổ:

- Phân lại suất dự Champions League và Europa League. Ngoài việc bị bớt suất, các nền bóng đá lớn còn phải cử đại diện đá vòng play-off với nhau.

- Thêm trợ lý trọng tài phía sau khung thành, áp dụng thử nghiệm ở Europa League mùa giải 2009-2010 và mở rộng sang cả Champions League ở mùa giải 2010-2011.

- Thực thi Đạo luật Tài chính công bằng nhằm siết chặt việc chi tiêu quá mức của các câu lạc bộ, dẫn đến những nguy cơ về việc vỡ nợ hay phá sản.

“Đây là lý do vì sao tôi phản đối sử dụng công nghệ, máy móc vào các trận đấu bóng đá. Không phải lúc nào máy móc cũng hoạt động trơn tru” - Michel Platini bình phẩm về tấm màn không thể tự động hạ xuống dù được điều khiển bằng máy ở buổi lễ công bố chính thức bán vé EURO 2012 tại Warsaw, Ba Lan hôm 1/3 vừa qua.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm