Platini tái đắc cử Chủ tịch UEFA: Cuộc cách mạng vẫn tiếp tục

25/12/2010 11:48 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Sự kiện Michel Platini tái đắc cử Chủ tịch UEFA chẳng khác nào một lời khẳng định rằng, tư duy kỳ lạ mà ông đã và đang áp dụng vào quỹ đạo vận hành của bóng đá châu Âu sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng trong ít nhất 4 năm nữa. Một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi diện mạo bóng đá châu Âu, trái tim của bóng đá Thế giới?

Hãy gọi Platini là “Ngài cải tổ”. Kể từ khi đánh bại người tiền nhiệm Lennart Johansson 3 năm về trước, không một ngày nào Thế giới bóng đá yên ổn với những ý tưởng mới mẻ của ông. Chỉ 3 ngày sau khi đắc cử Chủ tịch UEFA năm 2007, Platini tuyên bố ông sẽ thay đổi cơ cấu các đội dự Champions League, đe dọa cắt giảm số suất dự Champions League của 3 nền bóng đá hàng đầu Anh, Italia và TBN xuống chỉ còn 3 suất (thay vì 4 suất).

Pha chơi bóng bằng tay của Henry đã thúc đẩy ý tưởng tăng thêm trọng tài của Platini đi vào thực tế - Ảnh: Getty
Ý tưởng ấy chưa trở thành hiện thực, nhưng mùa giải Champions League 2009-2010 đã chứng kiến một cải tổ nhỏ của Platini. Quy định mới về việc bốc thăm vòng sơ loại của Platini được coi là động thái mà theo ông, là để “thu hẹp khoảng cách giữa các nền bóng đá”, tạo điều kiện cho các đội bóng đến từ những nền bóng đá trung bình yếu như Romania, Bỉ… có thể lọt vào vòng đấu bảng.

Điều đáng nói là tất cả những đội bóng nhỏ lọt vào vòng bảng nhờ loạt play-off  sơ loại (xem box) được Platini thêm vào, bao gồm Zurich (Thụy Sĩ), APOEL (Hy Lạp), Debreceni (Bỉ), đều đứng bét bảng đấu họ góp mặt.. Trong khi đó, số trận đấu ở Champions League phình to ra, đi ngược lại với tôn chỉ giảm tải lượng vận động cho các cầu thủ mà Platini đề cập.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều ý tưởng nói lên tư duy bình đẳng hóa bóng đá của Platini. Ông tăng tiền thưởng cho các đội bóng ở Champions League, áp dụng thể thức đá 2 lượt đi về ở Europa League, không ngoài mục đích để cho các đội bóng nhỏ kiếm được nhiều hơn trong các trận đấu ở Cúp châu Âu. Tiếng nói của ông có ảnh hưởng lớn trong việc đa EURO 2012 về với Ukraina và Ba Lan, dù thực tế cơ sở vật chất ở 2 quốc gia này chưa chứng minh được tầm cỡ tổ chức giải đấu đỉnh cao. Việc tăng số lượng các đội dự EURO từ 16 lên 24 ở VCK năm 2016 cũng đang được cân nhắc. Cuối cùng, quả bom ý tưởng của lớn nhất của Platini sẽ phát nổ vào mùa giải 2012/2013, khi Luật “Tài chính công bằng” có hiệu lực.

Bình đẳng hóa bóng đá?

Đó sẽ là đạo luật có thể thay đổi diện mạo của bóng đá trong tương lai gần, khi các CLB buộc phải thắt chặt chi tiêu, không thể dựa vào bầu sữa của các ông chủ sở hữu để chạy đua và đẩy giá trị chuyển nhượng lẫn tiền lương cho các ngôi sao đến mức không thể kiểm soát như hiện tại. Một đạo luật có thể dập tắt mọi hy vọng “ăn xổi” của các CLB (kiểu Chelsea 3 năm trước, và bây giờ là Manchester City), nhưng cũng có thể dập tắt luôn tính cạnh tranh vốn đang bị chi phối khá nhiều bởi tiềm lực tài chính của bóng đá châu Âu hiện tại.

Công thức của Platini trong 4 năm đầu nhiệm kỳ của ông rất đơn giản: Ông luôn xuất hiện với hình ảnh một “hiệp sĩ” của các nền bóng đá nhỏ, luôn tạo điều kiện cho họ được tham gia vào những sân chơi lớn và kiếm nhiều tiền hơn. Ông thể hiện những nỗ lực nhào nặn một Thế giới bóng đá bình đẳng bằng cách ngăn cản sự bành trướng của tiền bạc. Nhưng bên cạnh việc rút ngắn khoảng cách về tài chính ấy là sự phình to của số lượng các trận đấu ở châu Âu, một thảm họa đối với sức khỏe các cầu thủ, những người luôn được Platini kêu gọi phải giảm tải cho họ, sau rất nhiều những cái chết đau lòng vài năm gần đây.

Việc Platini tái đắc cử cũng có nghĩa là cuộc cách mạng của ông sẽ còn làm diện mạo của bóng đá châu Âu thay đổi nhiều hơn nữa, “theo hướng bình đẳng hơn”, theo cách nói của ông. Nhưng cào bằng về tài chính liệu có thể dẫn tới một châu Âu bình đẳng hơn về bóng đá hay không, thì chỉ thời gian mới trả lời được. 4 năm nữa, châu Âu lại đảo điên cùng Platini…

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm