21/06/2013 10:15 GMT+7 | Thế giới
Vì sao đề tài này bỗng dưng lại được quan tâm đến vậy? Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với anh Nguyễn Huy Khâm, phóng viên ảnh của hãng thông tấn Reuters tại Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động ảnh báo chí và cũng là người có uy tín trong giới phóng viên ảnh tại Việt Nam.
* Công việc chính xác của anh tại Reuters là gì?
- Phóng viên ảnh Nguyễn Huy Khâm: Một phóng viên chụp ảnh cho các hãng thông tấn thường được gọi tên chính xác theo tiếng Anh là PhotoJournalist. Photojournalist không chỉ là làm công việc của một Photographer mà trong đó bao gồm cả công việc của người làm báo. Vậy công việc của những người như tôi là không chỉ phải làm thế nào để có một bức ảnh như những người nghệ sỹ chụp ảnh mà còn phải có góc nhìn để kết quả cho ra một tác phẩm báo chí.
Tác phẩm báo chí ở đây người ta phải hiểu rằng có nội dung, có vấn đề mới, tính thời sự... mà PhotoJournalist muốn truyền tải thông qua vấn đề đó là như thế nào. Ở Reuters, những PhotoJournalist phải theo được những sự kiện để bằng công cụ nhiếp ảnh truyền tải đến khách hàng những thông điệp về sự kiện hoặc những đề tài mang tính báo chí.
Phóng viên ảnh Nguyễn Huy Khâm (giữa) (Ảnh: Hai Keu)
Cụ thể như tôi, tôi có 2 phần việc. Một là chụp ảnh theo nội dung bài viết báo sẽ đăng tải do các phóng viên khác viết. Hai là tác nghiệp độc lập. Tức là người chụp ảnh phải tự tìm đề tài, đưa những bức ảnh, chùm ảnh có tính báo chí và có chú thích, nội dung dài hơn ảnh minh họa để người xem hiểu về nội dung báo muốn truyền tải. Và tôi chụp tất cả các vấn đề chứ không theo riêng một mảng nào.
* Anh nghĩ sao về chất lượng ảnh báo chí Việt Nam hiện nay?
- Ảnh báo chí Việt Nam giờ đã có sự phân hóa rõ ràng. Nếu ta nhìn kỹ thì sẽ thấy, lực lượng những người chụp ảnh chuyên nghiệp đã tăng hơn nhiều. Họ được trang bị thiết bị hiện đại, thậm chí so với các nước thì phóng viên ảnh Việt Nam có đủ những máy mới nhất. Ngoài ra, họ cũng là những người được đào tạo, có kiến thức về ảnh nên cho ra những sản phẩm báo chí chất lượng.
Nhưng đồng thời cũng có thêm một lực lượng nữa cần phải nói đến. Đó là khi kinh tế phát triển, khoa học công nghệ phát triển thì xuất hiện một đội ngũ những người sử dụng các thiết bị có thể chụp được ảnh. Và khi họ không được trang bị các kiến thức về nhiếp ảnh thì họ dễ dãi trong việc chụp ảnh. Và điều đó dẫn đến trên báo chí xuất hiện 2 loại ảnh, ảnh chất lượng tốt do người có nghề chụp và những ảnh dễ dãi do những người không được đào tạo về ảnh chụp.
* Theo anh, một tờ báo cần bao nhiêu phóng viên ảnh thì có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng ảnh?
- Đối với 1 tờ tuần báo thì có thể phụ thuộc vào số trang nhưng cơ bản 1 phóng viên ảnh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu. Nhưng đối với báo ngày, bất kể số trang, chắc chắn phải cần 2 phóng viên ảnh trở lên. Lý do bởi phóng viên ảnh cũng như phóng viên viết, họ cần có thời gian nghỉ ngơi, thời gian tái tạo lại tư duy, sức lao động để đầu tư cho việc chụp ảnh. Nếu chỉ có 1 người thì sẽ không chỉ nặng nề cho tòa soạn mà cả chính người làm công việc của một phóng viên ảnh.
Nhưng quan trọng hơn, đối với một tờ báo ngày, nhất thiết phải có một người chịu trách nhiệm điều phối công việc biên tập ảnh. Biên tập ảnh ở đây không chỉ là cắt cúp ảnh mà còn phải có sự lựa chọn, đưa ra ý tưởng để điều phối với người phóng viên ảnh. Biên tập ảnh cũng phải cân đối được ảnh với nội dung bài viết mà ảnh sẽ minh họa, hay sử dụng ảnh nào là hợp lý với chùm ảnh sẽ đăng tải... Thậm chí họ có thể nắm được thực tế bức ảnh đó có thể chụp được như thế nào là hay nhất để đảm bảo phóng viên ảnh thực hiện đúng theo tiêu chí của tòa soạn.
Ở đây phải hiểu, cách thể hiện của ảnh và cách thể hiện của viết không giống nhau. Bạn có thể dùng ngôn từ để miêu tả một sự vật, hiện tượng nào nhưng ảnh chỉ có thể phản ánh một phần. Và người biên tập sẽ là người biết cân đối sự thể hiện đó của ảnh trên báo.
* Dường như các báo điện tử hiện nay đang rất chuộng sử dụng các chùm ảnh nhưng có rất nhiều chùm ảnh có chất lượng không được tốt cho lắm. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Ảnh cũng như bài viết, có ngắn, có dài, có sự đơn giản hoặc rất sâu. Đôi khi, để tiếp cận với một câu chuyện chỉ cần 1 bức ảnh. Nhưng có những câu chuyện lại cần có một chùm ảnh, phóng sự ảnh, câu chuyện ảnh và đây là hình thức mà thế giới đã sử dụng từ rất lâu và sử dụng rất nhiều.
Tuy nhiên, để sử dụng được một chùm ảnh thì phóng viên ảnh không chỉ là người cầm máy mà anh phải đi đến được tận cùng chiều sâu của câu chuyện thông qua những tấm ảnh đó. Nếu anh chỉ quan sát ở bề ngoài thì tất nhiên chùm ảnh sẽ có chất lượng thấp.
Hiện nay, phương thức truyền thông đa phương tiện rất phát triển, dẫn đến thực trạng người đọc lười tư duy, thích xem hơn là thích nghe, đọc. Vì vậy nó đẩy một số tờ báo vào xu thế phục vụ các đối tượng này. Thế nhưng nếu chùm ảnh được thực hiện chu đáo, cẩn thận, người thực hiện đúng là một phóng viên ảnh thì sẽ làm cho chùm ảnh giá trị hơn. Nhưng thời điểm hiện tại, sức ép của tòa soạn về mặt thời gian đang làm cho phóng viên ảnh không có thời gian để đầu tư được nhiều hơn cho phóng sự ảnh đó.
Thời gian ở đây nó còn liên quan đến mặt tiền bạc. Nếu người phóng viên ảnh đầu tư tốt thời gian, công sức cho chùm ảnh nhưng lại không được chi trả phù hợp với công sức họ bỏ ra thì rõ ràng chất lượng ảnh sẽ thấp dần, phù hợp với những gì được chi trả.
- Bao nhiêu năm qua, truyền thông, báo chí chính thống và những trang thông tin đã không chấp nhận một thực tế về việc đảm bảo bản quyền, sở hữu bản quyền. Và họ sử dụng chùa các tác phẩm báo chí, trong đó có ảnh một cách khá tự do. Điều đó trước tiên không đúng với công ước quốc tế, không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Và đối với đạo đức của một người làm nghề, nó lại càng vi phạm.
Việc gần đây có nhiều hội thảo trao đổi về vấn đề này cho thấy một dấu hiệu tốt về sự cảnh báo, đấu tranh để đòi được quyền cơ bản nhất của những người tham gia vào lĩnh vực truyền thông, đó là anh phải tôn trọng bản quyền, tôn trọng người khác. Khi anh tôn trọng người khác thì anh mới được tôn trọng. Và đấy là điều cơ bản nhất, thực thi đúng những gì pháp luật quy định.
Phóng viên ảnh Nguyễn Huy Khâm tác nghiệp tại khu rác thải của Hà Nội (Ảnh: Quang Trung)
* Những bàn luận như thế liệu có muộn không khi vừa qua, một số tờ báo trên thế giới bắt đầu cắt giảm lực lượng phóng viên ảnh? Thậm chí có tờ báo cắt giảm toàn bộ phóng viên ảnh và trang bị điện thoại thông minh để phóng viên viết có thể tự chụp ảnh minh họa cho bài viết.
- Câu chuyện phóng viên ảnh hiện nay là thách thức của sự phát triển, nó không liên quan đến câu chuyện chúng ta đang đấu tranh cho bản quyền ảnh.
Hiện nay kinh tế khó khăn và nó ảnh hưởng đến tất cả các ngành, trong đó có cả báo chí. Sự phát triển của công nghệ hiện nay đã giúp cho việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giúp cho khoảng cách chất lượng ảnh chụp giữa người chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trở nên nhỏ hơn. Một số tòa soạn chọn phương thức cho phóng viên ảnh nghỉ việc và chấp nhận chất lượng ảnh xuống thấp hơn để đổi lấy việc giảm lỗ. Nó có thể trở thành một xu thế lớn hơn trong ngành báo nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, điều đó không dẫn đến việc phóng viên ảnh không có đất sống.
Việc phóng viên viết phải biết chụp ảnh, và ngược lại, phóng viên ảnh phải biết viết đang là lựa chọn của nhiều tờ báo Việt Nam có thể dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nội dung. Dù sao, nếu ai chuyên việc của người đó sẽ đem lại chất lượng tốt nhất. Nhưng tất nhiên, mỗi báo có một lựa chọn phương án kinh doanh khác nhau để phục vụ từng đối tượng độc giả. Nhưng nếu nhìn vào những tờ báo có kinh tế tốt, chịu đầu tư, bạn sẽ thấy ngay chất lượng bài vở của họ tốt hơn nhiều.
Thực tế từng chứng minh, trong từng thời điểm, một tờ báo khi thay đổi phương thức kinh doanh sẽ đem lại những hiệu quả nhất định. Nhưng nếu nhìn vào sự dài hơi, sẽ thấy có thiệt hại đáng kể. Cá nhân tôi cho rằng, việc cắt giảm, đuổi việc phóng viên ảnh, trang bị điện thoại cho phóng viên viết thực hiện việc chụp ảnh không phải là phương thức hay. Báo có thể cắt giảm nhiều phóng viên ảnh nhưng không thể nào cắt tuyệt đối.
* Nhiều phóng viên ảnh Việt Nam cho rằng, thu nhập của họ đang không tương xứng với công việc, sự sáng tạo của họ. Họ cũng cảm nhận được rằng, họ không được coi trọng bằng những người khác cũng đang làm công việc liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Đó là một thực tế. Dường như có một quan điểm đang tồn tại, người chụp ảnh có một trình độ thấp hơn những người viết. Thực tế đó thiếu công bằng và không triệt để. Nhưng vấn đề ở chỗ nhiều phóng viên ảnh không được đào tạo tốt, bản thân ảnh của họ cũng không có chất lượng tốt. Và khi anh có tác phẩm không tốt thì anh thiếu đi sự tôn trọng và sự thiếu tôn trọng đó cứ dầy lên.
Nhưng như tôi biết, có những tòa soạn rất biết sử dụng và tôn trọng phóng viên ảnh. Ở đó, phóng viên ảnh có thu nhập tốt hơn rất nhiều so với phóng viên viết bởi họ còn phải làm cả công việc của một kỹ thuật (làm ảnh) và cả công việc của một phóng viên viết (làm nội dung cho chùm ảnh, phóng sự ảnh). Cho nên họ được tôn trọng. Nhưng số đó không nhiều và chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay những tòa soạn làm được điều đó.
* Vậy vấn đề mấu chốt ở đây là do quan điểm, sự đầu tư của tòa soạn?
- Nó có sự tương tác với nhau. Đầu tiên là tòa soạn đó đặt vấn đề việc sử dụng lao động thế nào. Nếu họ đòi hỏi có phóng viên ảnh chất lượng được đào tạo, có tư duy báo chí... thì họ sẽ tuyển chọn được người chất lượng và phát triển được nội dung tờ báo. Còn ở tòa soạn không có nhu cầu và tự họ chọn sản phẩm chất lượng thấp thì rõ ràng họ sẽ không nhận được sự tôn trọng tương xứng. Tôi cho đó là sự công bằng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất