05/05/2021 19:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hình tượng Thích Ca sơ sinh xuất phát từ truyền thuyết Đức Phật đản sinh được chép trong nhiều bộ kinh khác nhau, với nhiều phiên bản xuất nhập. Và hình tượng này được hiện thực hóa thông qua nhiều hình thái nghệ thuật Phật giáo khác nhau ở cả Nam Á và Đông Á.
1. Nhìn từ lịch sử nghệ Phật giáo Nam Á và Đông Á, sự “biến ảo” của hình tượng Thích Ca sơ sinh, theo PGS-TS Trần Trọng Dương, là cứ liệu quan trọng trong quá trình phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý.
Ông cho biết: “Truyền thuyết Đức Phật đản sinh được chép trong nhiều bộ kinh khác nhau, với nhiều phiên bản xuất nhập. Song tích phổ biến nhất có thể xuất nguồn từ một bộ kinh phổ biến. Đó là Phật tổ thống kỷ được phiên dịch đời Tống. Sách này ghi như sau: Ngày mùng 8 tháng 4, phu nhân thấy cây vô ưu hoa lá tốt tươi. Liền giơ tay phải vin hái. Bồ Tát mới dần từ sườn trái sinh ra. Khi ấy, dưới gốc cây nở ra 7 đóa sen báu, lớn như bánh xe. Thân ngài lọt xuống hoa, tự bước 7 bước, giơ tay phải, cất tiếng như sư tử hống rằng: “Trong cõi thiên nhân này, ta là bậc cao hơn cả”. Khi ấy, Tứ Thiên Vương liền đem lụa báu phủ lên ghế. Đế Thích cầm lọng báu, Phạm Vương nắm phất trần trắng, đứng hầu tả hữu. 2 anh em Nan Đà Long Vương từ không trung phun nước thanh tịnh, 1 dòng ấm, 1 dòng mát để tắm cho kim thân sắc vàng của Thái tử. 32 vị tướng phóng ánh quang minh chiếu khắc 3.000 thế giới. Thiên long bát bộ tấu nhạc giữa trời...
Tuy nhiên, một phiên bản khác được biết đến nhiều hơn được chép lại trong Phổ diệu kinh như sau: Khi ấy, Bồ Tát sinh ra từ sườn phải, chợt mình đậu trên hoa sen báu, xuống đất đi 7 bước, nói tiếng Phạn, huấn giáo vô thường: “Ta gánh việc cứu độ việc trên trời dưới đất, là bậc tôn quý cõi trời người, dứt đứt khổ sinh - tử, là bậc vô thượng trong tam giới, khiến tất thảy chúng sinh được vô vi an lạc mãi”. Thiên đế - Thích Phạm trên trời bỗng giáng xuống, dùng nước thơm tắm cho Bồ Tát, cửu long từ trên phun hương thủy, tắm cho Thánh Tôn. Tắm táp đã xong, thân tâm thanh tịnh”.
Xuất phát từ hệ thống các Kinh điển Phật giáo - 1 trong những nguồn quan trọng nhất chứa đựng hệ tư tưởng đạo Phật, PGS-TS Trần Trọng Dương cho rằng, từ hệ thống kinh điển này các nhà truyền giáo, chư tăng, chư tổ các đời đã hiện thực hóa kinh điển thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau, tạm gọi là Kinh biến - mặc dù kinh biến ban đầu để chỉ hình họa.
“Kinh biến theo ý niệm của tôi có thể chia thành 4 loại chính. Thứ nhất, hiện thực hóa kinh điển thông qua kiến trúc. Thứ 2, hiện thực hóa kinh điển mô tả thông qua hội họa. Thứ 3, hiện thực hóa kinh điển thông qua nghệ thuật điêu khắc tồn tại ở các dạng phù điêu. Và thứ 4, hiện thực hóa kinh điển thông qua hoạt động hành vi tức là các nghi lễ” - ông Dương nói. Từ góc độ phạm vi, kinh biến đã để lại những dấu vết quan trọng trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần ở Phật giáo Nam Á và Đông Á.
Từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 10, nghệ thuật Phật giáo Nam Á chủ yếu khắc họa chi tiết Đức Phật đản sinh thông qua hoạt cảnh được mô tả trong các kinh điển Phật giáo phương Nam rằng: Thánh mẫu Ma Da đứng dưới 1 gốc cây trong vườn Lâm Tỳ Ni, khi hái quả, Đức Phật được sinh ra từ nách bên tay phải.
Theo ông Dương, “mảng miếng điêu khắc của Phật giáo Nam Á hầu hết mô tả hoạt cảnh này, Thánh mẫu Ma Da đản sinh ra Đức Phật xung quanh có các Chư Thiên hay các Thị Nữ đỡ Đức Phật từ phía nách bên phải”. Điển hình phải kể đến những bức phù điêu kinh biến hoạt cảnh Đức Phật đản sinh có niên đại từ thế kỷ 2 - 3 sau Công nguyên với trường phái Gandhara.
Sau này, mô-típ Phật đản sinh Nam Á ảnh hưởng đến Phật giáo phía Bắc thông qua con đường tơ lụa. Hiện nay, tại hang Mạc Cao - Đôn Hoàng (Trung Quốc) vào thời nhà Đường, vẫn còn lưu lại những vết tích tranh vẽ màu hoạt cảnh Phật đản sinh trên vách đá có hình tượng Thánh mẫu Ma Da dưới tán cây, có các Chư Thiên, Thị Nữ…
2. Mặc dù có sự ảnh hưởng từ Nam Á song nghệ thuật Phật giáo Đông Á có sự khác biệt trong việc mô tả hoạt cảnh Phật đản sinh. Cụ thể, theo PGS-TS Trần Trọng Dương, “ngoài Thị Nữ, Chư Thiên còn có thêm chi tiết quan trọng đó là con rồng. Con rồng trong các hoạt cảnh Phật đản sinh bay từ trên trời xuống gọi là Thiên Long. Các kinh điển Phật giáo Đông Á cũng có mô tả rằng khi Đức Phật đản sinh, hai anh em Long Vương Nan Đà, mỗi vị phún ra 2 dòng nước ấm và mát để tắm cho Đức Phật”.
“Đến thời Bắc Chu, tại hang Mạc Cao số 290 bắt đầu xuất hiện những bức họa đã thoát ly ra khỏi văn hóa Phật giáo Nam Á, khắc họa Đức Phật đản sinh không còn hình ảnh của Thánh mẫu Ma Da chỉ còn nhân vật trung tâm là Đức Thích Ca sơ sinh xung quanh không còn 2 con rồng như trong kinh điển mô tả mà thay vào đó là “Cửu long phún thủy”, 9 con rồng phun nước tắm cho Thái tử”.
Trong những kinh biến hội họa khác, Đức Phật được đặt trong âu vàng có nước thơm bằng đàn hương, nước trầm để tắm, phía trên cũng có hình tượng Cửu long đang phún thủy. Từ hội họa sang đến điêu khắc, nghệ thuật Phật giáo cũng có những bức phù điêu được tạc vào vách đá thời Tống với hình tượng “Cửu long phún thủy” dưới có Đức Phật tọa thiền.
Hoặc, trong hệ thống kinh biến có những bức tranh vẽ minh họa cho sách vở kinh điển sử dụng nghệ thuật đồng hiện trong cùng một bức tranh. Những bức tranh này vừa có nhân vật trung tâm là Đức Thích Ca sơ sinh bước đi trên đài sen phía trên có Cửu long đang rót 2 dòng nước ấm và nước mát, xung quanh Đức Phật có Tứ Thiên Vương, vừa có hoạt cảnh miêu tả vườn Lâm Tỳ Ni có Thánh mẫu Ma Da sinh Đức Phật từ nách tay phải. Nghệ thuật đồng hiện này cho thấy sự giao thoa giữa nghệ thuật Phật giáo Đông Á và Nam Á.
Về mặt hiện vật, PGS-TS Trần Trọng Dương cho biết: “Hiện vật sớm nhất hiện còn ở Đông Á là tượng Thích Ca sơ sinh ở chùa Đông Đại tại Nhật Bản có niên đại thế kỷ 8. Hiện vật có hình tượng Đức Thích Ca được đặt trong chậu đồng. Chứng tỏ rằng vào thời Đường thế kỷ 8 đã có thực hành những nghi lễ tắm Phật”.
(Còn tiếp)
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất