(TT&VH) - Thế kỷ 21 còn trẻ măng nhưng đã xuất hiện một thần tượng nhạc Pop mới – Stefani Joanne Angelina Germannotta, hay ngắn gọn và dễ nhớ hơn: Lady Gaga, người từng sang Việt Nam trình diễn trong sự kiện đáng lẽ đăng quang Hoa hậu hoàn vũ 2008. Tuy là ngôi sao mới nổi nhưng cô gái Mỹ này đã có quyết tâm sắt đá đưa Britney Spears và Madonna xuống thành dòng chú thích in nhỏ của lịch sử nhạc Pop!
Vạn sự khởi đầu… thuận
Không thể nói khác được: “Cô gái Chập mạch” (không phải do ác cảm, mà hoàn toàn trung thành với cách dịch nhiều thiện ý nhất của cái tên Lady Gaga) là người gốc Italia và được nuôi dưỡng trong một không khí mộ đạo Cơ Đốc như Madonna. Duy chỉ đất New York đầy cơ hội và cạm bẫy ngăn không cho cô đến nhà thờ cầu nguyện vào mỗi Chủ nhật nữa. Thay vào đó, Lady Gaga nhuộm tóc, khoác lên người những bộ trang phục hở nhiều hơn che, mở miệng ra là quảng bá cho danh vọng, tình dục, giá trị vật chất và những thứ khác khiến các tín đồ Cơ Đốc giáo phải đỏ mặt. Một “Madonna mới” đã ra đời?
Lại cũng phải kể đến các năng khiếu trời cho để biết thoạt tiên Lady Gaga tự gọi mình là “Madonna”. Như thần tượng của cô, Lady Gaga nhảy múa điêu luyện, hát hay, sáng tác cũng cừ (cho một số khách hàng “nặng ký” như Britney Spears, Fergie, Pussycat Dolls, thậm chí cả nhóm New Kids On The Block vừa được hà hơi phục sinh). Năm nay 23 tuổi, có vẻ như “học trò” đã vượt “sư phụ” và tự tin cho mình một cái tên mới - “Chập mạch” hay Gaga, gợi nhớ đến bài Radio Gaga nổi tiếng của ban nhạc Queen huyền thoại. Kể ra cô cũng là một người rất biết nắm bắt cơ hội: Britney Spears dặt dẹo sau cú ngã vì ma túy và thất tình, Madonna hùng hục trong phòng tập thể lực hòng giấu nét tàn tạ hoặc ngang dọc tận châu Phi để chứng minh tình mẫu tử (với đứa con nuôi “trị giá” 13 triệu USD), mà sân khấu nhạc pop thì không thể vắng một bóng hồng câu khách, “the show must go on”...
Hoạn lộ thênh thang
Rời trường nghệ thuật Tisch School danh tiếng, Stefani Joanne Angelina Germanotta có trong hành trang một vốn kiến thức tốt về lĩnh vực này. Ở tuổi 17, cô bước vào quầng sáng của đèn pha sân khấu tạp kỹ để tìm danh vọng. Nếu khán giả chưa chịu lắng nghe thì cô chẳng ngại xuất hiện trong hình ảnh sexy để tìm cách chen chân vào thế giới mới, với những tay guitar hom hem, vũ công đồng tính và đại gia phất lên nhờ “hàng trắng”.
Ở đó, nhà sản xuất Rob Fusari phát hiện ra “cỗ máy in tiền” mới của mình. Ông “kê đơn” một cách lão luyện: ca từ “mạt hạng” như trong các bản Dirty Ice Cream hay Beautiful, Dirty, Rich, tóc trắng như Cindy Lauper và kiểu hành xử gợi nhớ đến Madonna. Chẳng mấy chốc Lady Gaga dẫn đầu các bảng xếp hạng ở Mỹ, Canada và Anh bằng đĩa đơn Just Dance, tiếp theo là Poker Face với một đoạn sample lấy từ bài Ma Baker của Boney M.
Sẽ bất công nếu không khen Lady Gaga tài giỏi thực sự: Khi mới 13 tuổi, cô đã viết hòa tấu piano đầu tiên, hãng thu âm Interscope ký hợp đồng bao tiêu mọi sáng tác của nữ nghệ sĩ này lúc cô 20 tuổi. Chính Lady Gaga cũng tự tin rằng mình “siêu thông minh”. Khi viết nhạc, đầu óc cô còn mượng tượng ra cả bộ trang phục mà mình sẽ tự sáng tạo và mặc khi hát bài đó. Tương tự Madonna, Lady Gaga hóa thân vào đủ nhân vật như Christina Aguilera hay Donatella Versace. Và cô không ngần ngại tiết lộ bí quyết để có được sự nổi tiếng của mình: đẹp, “bẩn”, giàu.
* Lady Gaga, album đầu tay của cô mang tên The Fame (Danh tiếng) ra mắt lúc chưa có nhiều người biết cô là ai. Cô hát về kiểu danh tiếng nào?
- Không phải loại danh tiếng người ta vẫn đọc trong báo, mà là danh tiếng từ nội tâm phát ra. Tôi đã “bịt mắt” mọi người xung quanh một thời gian dài, để họ tin rằng tôi nổi tiếng hơn nhiều so với sự thật. Tôi phải hành xử để ai cũng nghĩ là tôi nổi tiếng. Họ bảo nhau: “Tôi không rõ cô ta là ai, phải tìm hiểu xem sao”.
* Kể cũng là một loại danh tiếng trừu tượng...
- Ðúng thế đấy. Nó không thể hiện ra ở dạng tiền bạc, nhà cửa lộng lẫy...
* Trong Beautiful, Dirty, Rich, cô hát: “Chúng tôi tuyệt đẹp, bẩn thỉu và giàu có”. Cô có thể giải thích rõ hơn: “Chúng tôi” ở đây là ai vậy?
- Bài hát này nói về tôi và những người bạn ở New York. Chúng tôi nhẵn túi nhưng tối nào cũng kéo ra đường. Chúng tôi mặc quần bó hết cỡ và mất hàng tiếng đồng hồ để làm tóc cho nhau. Chúng tôi tự cảm thấy mình tuyệt đẹp.
* Mất chừng ấy công sức để trang điểm, có quan trọng không?
- Nhất định là quan trọng. Có một câu rất hay: Khi kinh tế đi xuống thì đến lúc phải làm đẹp.
* Nhưng cô đã luôn luôn đẹp.
- Ðúng vậy! Ngay cả khi tôi đi ngủ.
* Xin lỗi, có lẽ ta nên bàn đến phông âm nhạc của cô...
- Tôi chơi piano từ năm lên 4, chủ yếu là nhạc cổ điển. Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu sáng tác. Mọi người xung quanh đều bảo rằng, tôi là một nhạc sĩ chính cống. Nhưng tôi bỏ nhạc cổ điển vì yêu pop hơn, tôi cũng thích sản xuất nhạc pop nữa. Và thế là tôi vào cuộc.
* Có một bản thu âm của Poker Face mà trong đó chỉ nghe thấy tiếng đàn piano và giọng hát của cô. Có phải cô định chứng minh cho giới phê bình thấy mình có khả năng thực sự chứ không cần đến sự trợ lực của kỹ thuật?
- Tôi không định chứng minh với ai bất cứ điều gì. Tôi không cần phải làm điều đó.
* Vậy cô phát hành đĩa nhạc làm gì?
- Vì tôi thích và thạo nghề sản xuất nhạc.
* Cô dùng piano khi sáng tác?
- Thỉnh thoảng. Riêng bài Poker Face thì không. Tôi thất vọng vì nhiều thính giả cho rằng đây là một dạng thu âm thanh thuần túy. Tôi dùng các hợp âm khác hẳn, chia đoạn và ngẫu hứng cũng khác.
* Trước khi nổi tiếng thế giới như hiện nay, cô có show diễn ở New York tên là Lady Gaga And The Starlight Revue. Ở đó, cô trình diễn loại nhạc nào?
- Vẫn như hôm nay. Nhưng nước Mỹ không tiêu hóa được loại hình đó. Người ta cho rằng tôi quá ầm ĩ để gây chú ý về mình.
* Cũng đúng. Show diễn hề là chính.
- Hề pop chứ!
* Cô là một loại “phản văn hóa”?
- Show diễn của tôi là “phản văn hóa”. Và tôi cũng là một kiểu “phản văn hóa” vì không thích làm theo những tiêu chí do người khác đặt ra sẵn. Nhưng âm nhạc thì trước sau vẫn thế. Vì lẽ đó mà con đường sự nghiệp của tôi cũng đầy mâu thuẫn và khó hiểu. Khi thấy tôi, mọi người ồ lên: “Cô ta là “phản văn hóa”, hoàn toàn khác đời, nhất định sẽ chơi loại nhạc khác đời”. Nhưng thế là sai bét. Thực tế là trong “phản văn hóa”, người ta lại theo đuổi loại nhạc chính thống, dùng văn hóa chính thống để gây hấn mới là nghệ thuật đích thực.
* Giờ thì cô đã đạt thành công khi dùng nhạc chính thống để quay lại thế giới chính thống.
- Tôi đã nỗ lực khủng khiếp.
* Ðâu thiếu những người cũng rất nỗ lực...
- Nhưng tôi là một người không biết bỏ cuộc giữa chừng. Và tôi rất khôn. Nhờ phông văn hóa được tạo ra từ ngày còn trong trứng mà tôi có khả năng xây dựng phong cách âm nhạc của mình. Theo tôi, âm nhạc phải có “hình dạng”.
* Nghe nói cô tự thiết kế trang phục cho mình?
- Thỉnh thoảng tôi tự làm, nhưng cũng có lúc phải nhờ đến một nhà tạo mẫu. Hiếm khi tôi dùng đồ đang mốt ngoài phố.
* Cô có một xưởng nghệ thuật riêng, Nhà Gaga, tập trung toàn các bạn trẻ.
- Vâng, đó là nhóm sáng tạo của tôi. Tôi thích tụ hợp quanh mình những người sáng tạo. Họ là những cá nhân thông minh, độc đáo và biết mình làm gì.
* Vì vậy cô định nghĩa pop là nghệ thuật?
- Tôi chưa bao giờ nói thế cả. Chính xác hơn, tôi nói “Pop của tôi là nghệ thuật”.
* Thì ra thế. Tại sao?
- Vì tôi nói thế.
* Cô cũng nói là David Bowie và Freddie Mercury có ảnh hưởng lớn đến mình, trong khi nhạc của họ đi theo hướng khác hẳn.
- Ðúng.
* Vậy ảnh hưởng đó ở đâu ?
- Nhạc của họ là sân khấu, kịch tính và triết lý. Nhưng người ta hay hiểu sai ý tôi. Khi tôi nói Bowie gây cảm hứng cho mình, không có nghĩa là tôi giống ông ấy. Mà tôi chỉ định nói rằng khi nghe đĩa ngày xưa hoặc xem ảnh cũ của Bowie, tôi muốn hiểu ông ta lấy đâu ra can đảm để làm được những điều mà chúng ta đã thấy. Và khi đã hiểu rồi thì tôi cũng có thể biết mình lấy can đảm từ đâu ra. Vấn đề không phải tấm ảnh mà là trí tưởng tượng. Tôi kể chuyện thật và lồng vào đó một chút dối trá. Chính sự dối trá ấy chỉ cho các fan lối thoát khỏi thế giới của họ.
Đức Anh