'Phố Phái', 'Phái Phố' và bà Phái

07/06/2024 07:10 GMT+7 | Văn hoá

Bà Nguyễn Thị Sính, phu nhân của họa sĩ Bùi Xuân Phái, đã qua đời vào hồi 6h45 ngày 5/6/2024 tại Hà Nội, thọ 97 tuổi. Vậy là bà đã về đoàn tụ với người chồng thân yêu của mình sau 36 năm cách biệt âm dương. Danh họa Bùi Xuân Phái không chỉ có Phố Phái, Phái Phố, mà còn có người vợ tảo tần - bà Phái - là điểm tựa của cả cuộc đời và sự nghiệp của ông.

1. Còn nhớ, hồi tưởng nhớ 20 năm ngày mất của Bùi Xuân Phái, một giải thưởng mang tên ông đã ra đời - đó chính là Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ sáng lập. Trong suốt 16 mùa giải từ đó đến nay, bà Nguyễn Thị Sính thi thoảng mới xuất hiện trong khán phòng các mùa giải, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, nhưng lần nào sự xuất hiện của bà cũng khiến cử tọa xúc động sâu sắc, như thấy lại được vẻ đẹp, phong thái của một nếp nhà Hà Nội một thời.

'Phố Phái', 'Phái Phố' và bà Phái - Ảnh 1.

Vợ chồng Bùi Xuân Phái cùng các con, con dâu, và các cháu đón năm mới, ảnh chụp năm 1987

Trong ký ức của mình, thì Bùi Xuân Phái "có một tuổi thơ kéo dài cả đời". Toàn bộ cuộc đời ông bị cuốn vào những đam mê nghệ thuật. Ông sống hồn nhiên, lãng đãng, rất yêu con nhưng không biết tắm cho con, không biết cho con ăn, không biết con học hành như thế nào và đang học lớp mấy, không quan tâm gì về chuyện tiền nong hay việc nhà. Tất cả mọi việc đã có bà Phái lo. Ông hoàn thành trách nhiệm của người bố nhưng ông không phải là ông bố "bỉm sữa" vì tâm trí và thời gian của ông chỉ dành để vẽ ra những bức tranh.

Cuộc sống bấp bênh, Bùi Xuân Phái là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm chứ chưa nói tới chuyện lo cho cả một cái "tầu há mồm" của gia đình (Thời đó, nước ta chưa mở cửa ra thế giới nên không có thị trường mỹ thuật như thời nay).

Họa sĩ Bùi Thanh Phương đã chia sẻ trong cuốn Nhớ cha tôi, Bùi Xuân Phái như sau: "Mình cũng ngạc nhiên và khâm phục tính chịu đựng gian khổ của các cụ. Cứ hình dung, thời buổi bây giờ, bất kỳ cặp vợ chồng nào mà sinh liền 5 đứa con, cả nhà ấy lâm vào cảnh khốn cùng là cái chắc. Bùi Xuân Phái sống và sáng tác nghệ thuật được, chính là nhờ vào sự tần tảo, đảm đang của bà Phái".

"Mẹ tôi có một nghề khá bình dị, bà là y tá ở một bệnh viện, hàng ngày, sau khi hết giờ làm việc, bà trở về nhà và tiêm thuốc cho người bệnh (tiếng miền Nam gọi là chích thuốc). Bà rất mát tay, nên bà có tín nhiệm, khách tìm đến bà nhiều vì bà tiêm không đau, khác hẳn với việc nếu họ phải ra trạm y tế, tiêm vừa bị đau vừa hay bị quát nạt. Trong mấy chục năm trời, cái khay tiêm ấy đã thực sự giúp cho bà Phái "nuôi đủ 5 con với 1 chồng".

2. Hai ông bà Bùi Xuân Phái gặp và quen biết nhau từ thuở nhỏ, ông Phái ở phố Thuốc Bắc, còn bà ở Đinh Tiên Hoàng, trước mặt phố là hồ Hoàn Kiếm. Họ thường qua lại nhà nhau vì bà có người anh rể có họ với bên dòng họ Bùi. Ông hơn bà 7 tuổi.

Đến khi tản cư vào Thanh Hóa họ gặp lại nhau. Ở cầu Thiều có một quán cà phê thường được anh em văn nghệ sĩ lui tới, đó là quán của gia đình bà, còn Bùi Xuân Phái khi ấy là họa sĩ vẽ minh họa cho mấy tờ báo.

Theo Phạm Duy thì hồi ấy thường đến quán cà phê này ôm đàn và hát, còn mấy nhà thơ khác thì thường đem thơ của mình ra ngâm nga, vậy mà không lọt được vào mắt xanh cô con gái chủ quán vì nàng đã chấm anh chàng họa sĩ có cặp mắt và chiếc mũi như Tây, hàng ngày đến quán thường ngồi trầm tư một mình bên làn khói thuốc với ly cà phê.

'Phố Phái', 'Phái Phố' và bà Phái - Ảnh 2.

Vợ chồng Bùi Xuân Phái trong cuộc triển lãm cá nhân "Hội hoạ Bùi Xuân Phái" năm 1984

Sau này, bà Phái nhớ lại kỷ niệm về buổi hẹn hò đầu tiên với Bùi Xuân Phái:

-Hôm đó ông Phái ấy đến đúng hẹn, nhưng tôi ngạc nhiên quá vì ông lại đi chân đất. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh ấy, chân ông ấy trắng quá mà lại đi đất nên thấy tội và thương làm sao. Tôi bèn hỏi: Trời, sao anh lại đi chân đất vậy chứ? Ông ấy bối rối một lúc sau thật thà nói là để đâu mất, tìm mãi không thấy, sợ trễ hẹn nên đành phải chân đất mà đi vậy.

Bà từ ngày lấy ông, tên của bà đã được gắn chặt với tên của ông Phái đến nỗi ít người biết tên thật của bà (Nguyễn Thị Sính). Một lần có vị khách người Pháp đến chơi xưởng vẽ, vị này nói tiếng Việt khá sõi và rất nhắng, đúng chất người Pháp là hay bông đùa. Anh ta hỏi bà Phái bằng tiếng Việt giọng Tây lơ lớ :

Ba la ba Phai vậy ba có ba phai không? Không đâu ông ơi, tôi chỉ một phải rưỡi thôi, vì tôi đâu phải người nghe ai nói điều gì cũng gật búa xua, ba phải.

 Câu hỏi làm cả nhà cười ồ. Bà Phái đáp:

Về phần ông Phái, cũng có nhiều lần bị người ta gọi ông là ông Sính, làm ông ngẩn người ra một lúc sau mới nhận ra là người ta muốn nói với mình. Ông cười hiền lành, nói vui:

- Có người gọi mình là "ông Sính" nghe cũng lạ nhưng chưa thích lắm vì có vẻ như tên của một họa sĩ bên Tàu.

3. Nhận được tin bà Phái qua đời, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam Natalia Kraevskaia (Natasha) chia sẻ những dòng này:

"Tin tức vào khuya thứ Tư muộn về sự ra đi của bà Phái khiến tôi có cảm giác như cả một kỷ nguyên đã kết thúc, một thời gian của tình bạn chân thành nhất, những hành động vị tha, và chia sẻ nỗi đau và giấc mơ. Bà có thể không phải là nhân vật trung tâm của kỷ nguyên này, nhưng bà luôn đứng bên cạnh chồng thiên tài của mình, khắng khít với ông, mạnh mẽ và ủng hộ".

"Tôi gặp bà lần đầu tiên vào đầu năm 1984 trong phòng nhà của họ ở số nhà 87 phố Thuốc Bắc. Mỗi lần tôi đến nhà Phái vào buổi tối với chồng sắp cưới Vũ Dân Tân hoặc với một nhóm bạn, chúng tôi ngồi, trò chuyện và uống, và bà tiêm liên tục cho hàng loạt khách (bà Nguyễn Thị Sính là y tá - BTV). Chúng tôi đùa vui và tranh luận, và bà, tập trung và im lặng, vẫn tiếp tục tiêm cho trẻ em và người lớn. Bùi Xuân Phái coi trọng việc làm nghệ thuật hơn là kiếm sống, nhưng bà luôn ở đó, hỗ trợ, tận tâm, kiên cường và vững chắc".

'Phố Phái', 'Phái Phố' và bà Phái - Ảnh 3.

Chân dung bà Phái (Bùi Xuân Phái vẽ năm 1952, lúc này ông 32 tuổi còn bà là 25) và bức chân dung cuối cùng Bùi Xuân Phái vẽ tặng vợ (bên phải)

"Mỗi dịp Tết trong thập kỷ vừa qua, tôi đã hạn chế những chuyến thăm đến những người bạn lão niên lớn tuổi hơn tôi. Mỗi năm số chuyến thăm này giảm đi. Cuối cùng, chỉ còn Dương Tường và bà Phái, và năm nay chỉ còn bà. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện đơn giản cuối cùng.  - "Tôi không thể đi lại được nữa" -bà Phái nói. - "Tôi hiểu, nhưng bà có thể xem ti vi. Bà đã béo lên rồi, nhưng trước đây bà gầy" - "Gầy? Khi nào?" - "Khi Phái vẽ bà, 40 năm trước" - "Ôi, Chúa ơi, 40 năm trước...".

"Từ Tết năm sau, tôi sẽ ở nhà với những bức ảnh và kỷ niệm của mình. Nhưng khuôn mặt của bà sẽ không bao giờ phai nhạt khỏi ký ức của tôi, người vợ đáng kính của người nghệ sĩ lớn"!  - bà Natasha viết.

4. Đây là bức chân dung cuối cùng mà Bùi Xuân Phái vẽ tặng vợ.

Hôm đó, trước khi vẽ, bà bảo ông: "Để tôi trang điểm và diện bộ mà tôi vừa ý nhất cho ông vẽ nhé".

Bà lấy chiếc khăn khoác của Natasha tặng mà bấy lâu vẫn chưa có dịp để thể hiện. Bức tranh được hoàn thành trong buổi chiều hôm đó. Bùi Xuân Phái hỏi bà: Bà xem đã vừa ý chưa để tôi ký tên nào?

Bà Phái thích bức chân dung đó lắm, nhưng bà hiểu rằng, ông đã chiều mình mà vẽ khá là realist (hiện thực) cho bà có thể thích và hiểu được. Bà vốn là người phụ nữ không quan tâm và cũng không hiểu nhiều lắm về nghệ thuật của ông, nên bà cho rằng, lần này, ông vẽ bà khác hẳn những bức trước đây vốn là những bức ông vẽ cho ông với quan niệm nghệ thuật của ông. Nghĩ vậy, bà Phái bảo ông: Tôi muốn lần sau ông vẽ tôi một bức khác theo đúng phong cách của ông. Tôi thích ông vẽ tôi một bức chân dung thật phá phách và tự do theo đúng chất của ông.

Bùi Xuân Phái gật đầu, hứa sẽ vẽ cho bà bức chân dung theo ý muốn của bà.

'Phố Phái', 'Phái Phố' và bà Phái - Ảnh 4.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Natasha và bà Phái

Nhưng lời hứa của ông với bà đã mãi mãi chỉ là lời hứa, bà đã không bao giờ có dịp để ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung nữa. Bức chân dung mà bà nhận xét là hiền lành và realist lại là bức chân dung cuối cùng ông vẽ bà.

Ngày tiễn đưa Bùi Xuân Phái về cõi vĩnh hằng, bà Phái lấy trong tủ ra bộ complet sang trọng nhất trong đời Bùi Xuân Phái, bộ complet này bà đi may cho ông khi bà hay tin ông được xuất ngoại theo lời mời của người Pháp. Bà muốn ông sang Pháp diện bộ đồ thật oách. Nhưng ông đã chưa có dịp được mặc bộ complet thật oách đó một lần nào. Trong lúc mặc bộ complet sang trọng đó cho ông, bà Phái mếu máo nói: Ông đã hứa vẽ cho tôi bức chân dung thật là bạt tê, phá phách, rồi đấy nhé! Ông vẫn còn nợ tôi một bức chân dung đó.

Và cứ thế, những giọt nước mắt của bà không ngừng rơi xuống khuôn mặt đã bất động của ông.

5. Trong suốt cuộc đời mình, bà Phái là người được Bùi Xuân Phái vẽ nhiều nhất, ông vẽ bà từ khi còn là một thiếu nữ, theo thời gian đến khi người bạn đời của ông đã là một bà lão - số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà chụp trong đời.

Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà - như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về.

Vi Mỹ (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm