Phở ở Mỹ, chút hồn quê

11/02/2013 07:51 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Phở được phát minh ở Việt Nam, đất nước mà thịt bò không phải là loại thực phẩm phổ biến nhất, nên khi sang Mỹ, nơi giá một cân thịt bò rẻ chỉ bằng nửa ở Việt Nam, thì như… hoa nở gặp mưa Xuân.

Không biết tự bao giờ và tại sao, nhiều người Việt Nam tới Mỹ qua ngả Washington D.C hễ vừa đặt chân xuống sân bay là lại được đưa thẳng tới một quán phở.

Có thể là tiện đường. Phở 75, ở Arlington thuộc bang Virginia, nằm ngay rìa đường cao tốc nối từ sân bay về Thủ đô Washington. Mà bay từ Việt Nam sau khi đổi chuyến ở Seoul thường tới Washington sau 24 tiếng, hạ cánh đúng tầm giờ ăn trưa. Phở ở Mỹ là món ăn trưa. Ở đây dân công sở chỉ có thể đi ăn sáng ngoài tiệm vào ngày cuối tuần.

Hoặc cũng có thể nhiều người muốn giới thiệu về bát phở Việt lâu nay được ca tụng như là đỉnh cao của món ăn Việt chinh phục cả nước Mỹ. Ngay cả tôi, khi cùng gia đình nhỏ của mình tới Mỹ công tác, bữa ăn đầu tiên được mời cũng là một bát phở. Tức là mời ăn để xem phở Việt ở Mỹ thế nào.

Phở Nam, phở Bắc đều khác phở gốc

Người ta có thể lục tìm được những nhà hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, nhưng không thể biết được bát phở đầu tiên được nấu ở đây là từ bao giờ. Vietnam Georgetown là nhà hàng Việt đầu tiên mọc lên ở vùng thủ đô, khai trương năm 1973. Nhưng phở không phải là một trong số những món ăn xuất hiện trước tiên trong menu của nhà hàng từng thường xuyên đón những khách VIP như Tổng thống Ronald Reagan, G.W. Bush (cha), Bill Clinton trong những năm 1980-1990. Món mà họ thưởng thức phổ biến là gỏi cuốn và chả giò. 


Bà Trần, chủ của nhà hàng Vietnam Restaurant, một trong những tiệm ăn đầu tiên của người Việt ở New York từ giữa năm 1970, nhớ lại rằng ngày ấy tìm nguyên liệu trên đất Mỹ để làm những món ăn đơn giản của người Việt đã là một điều cực kỳ khó khăn, chưa nói gì tới phở.

Ngay ở Cali, nơi được cho là nơi phở Việt “chào” đất Mỹ ngay từ trước năm 1975, nó cũng chỉ là một món súp nhìn có vẻ giống phở. 

Phải sau này và cho tới hôm nay, cộng đồng người Việt ở Mỹ lên tới 1,7 triệu người (nằm trong Top 5 cộng đồng người gốc châu Á), còn thế giới ngày càng phẳng hơn, nguyên liệu thực phẩm Việt Nam và châu Á bày bán ở các chợ Mỹ đủ để cho các nhà hàng và các gia đình nấu được cả phở Bắc lẫn phở Nam. Trước, phở Việt ở Mỹ chỉ có bánh phở khô sợi nhỏ, trước khi ăn phải trụng khá lâu. Nay ở California hay Texas cũng có phở tươi với lát bánh phở to hơn, ăn mềm đúng chất phở Việt hơn.

Đa phần phở Việt ở Mỹ được chế biến theo phong cách của người Sài Gòn. Những thương hiệu được cho là từng nức tiếng Sài Gòn trước ngày đất nước thống nhất cũng có trên đất Mỹ. Ở thành phố Boston, nơi Bác Hồ được cho rằng đã từng tới đó làm việc trong một khách sạn lớn, có tiệm phở Hòa khá lớn. Ở Philadelphia lại có phở Xe lửa.

Những quán phở gia truyền ấy tồn tại song song cùng với những quán phở mà cái tên của nó thường gắn với thời điểm chủ quán đặt chân tới Mỹ như Phở 75, 79, 86 hay mang tên quê Ninh Kiều, Sài Gòn. Quán nào ít nhất cũng có tới hơn chục loại phở, ăn với hành tây, ngò gai, húng và đặc biệt là giá đỗ, tương đen kèm mấy lát ớt xanh không cay mà cũng chẳng thơm. Ấn tượng của nhiều người Việt sang Mỹ ăn phở là tô phở to như cái chậu và vô cùng nhiều thịt.

Chỉ cần nhìn một người ngồi ăn tô phở, nhâm nhi với một ly cà phê đen hay nâu đá đặc quánh là thấy ngay một Việt Nam không thể lẫn vào đâu được.

Phở Bắc khá hiếm. Phải tới vùng Nam Cali, nơi tập trung người Việt khá đông mới dễ đi ăn phở Bắc. Nhưng bát phở ở nhà hàng Quang Trung - Nguyễn Huệ hay Lý Thái Tổ cũng không thật giống với bát phở Hà Nội hay Nam Định, ngoại trừ vài đặc điểm là nhiều hành hoa hơn và dọc hành chẻ nhỏ. 

Những người thích ăn phở Nam thường chê phở Bắc ở Mỹ là nhạt nhẽo và đơn điệu, do không có sự hòa trộn của các loại mùi vị với nhau và nước phở thì ít béo.

Nhưng, dù khen chê thì cả hai kiểu phở (Hà Nội hay Sài Gòn) sang Mỹ đều như cá gặp nước. Thịt bò ở Mỹ đủ ngon và mềm để người ta có thể làm giả thứ thịt bò Kobe trứ danh của Nhật Bản mà giá còn rẻ hơn cả thịt bò ở Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam kiếm được cái đuôi bò là cả một vấn đề, thì ở Mỹ, bước vào bất cứ chợ châu Á nào, bạn đều có thể mua được cái thứ nhỏ nhất trên cơ thể con bò ấy để ninh ra một nồi nước phở rất trong và rất ngọt. Thế nên, nói như nhiều người Việt qua Mỹ chấm điểm cho phở, thường nhận xét: “Được cái thịt và nước kéo lại”.


Một quán phở Việt ở Mỹ. Ảnh: P.T

Phở là số 1

Thật ra, bát phở Việt ở Mỹ thay đổi (kể cả chính phở Nam so với phở gốc Sài Gòn) cũng không phải là điều ngạc nhiên. Ông John Phạm, chủ quán phở Ninh Kiều (quê gốc Cần Thơ) ở Harrisburg (bang Pennsylvania) lý giải, “quán của tôi chủ yếu bán cho người Mỹ chứ ít khách Việt”. Ông vừa nói lướt mắt qua cả nhà hàng lúc ấy là giờ ăn trưa nhưng chỉ có tôi và một người nữa là khách Việt, còn lại toàn người Mỹ da trắng, người gốc Hàn và Nhật. Còn bà chủ quán Làng Văn ở Charlotte (North Carolina) sau khi hỏi chúng tôi ăn có vừa miệng hay không đã vui vẻ tiết lộ một bí mật là phải lâu lắm rồi nhà hàng mới có khách Việt.

Ông John Phạm chính là người cách nay mấy năm đã được báo chí địa phương nói tới như một câu chuyện đặc biệt. Ông mở giờ Vàng của nhà hàng, mời những người thất nghiệp tới ăn phở với giá 1 xu/tô (tương đương với 200 đồng) như một sự tri ân đối với nước Mỹ đã giúp ông thành công và làm giàu.

Giá thực tế của một tô phở ở Mỹ nhiều hơn thế. Qua các bang, các vùng miền khác nhau, giá dao động trong khoảng từ 6-9 USD mỗi bát. Nó tương đương với một suất bánh mì kẹp thịt mua từ một số cửa hàng ăn nhanh phổ biến ở Mỹ như Subway hay McDonalds.

Cùng với “áo dài” và “bánh mì”, Phở có mặt trong từ điển Oxford với tư cách “từ mới” của thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng không phải quán phở nào ở Mỹ cũng chỉ bán duy nhất phở. Không tính vùng California hay Houston ở Texas, Phở 75 ở Arlington, Virginia là một trong những quán hiếm hoi chẳng bán món nào khác ngoài phở. Ở đấy, có những dãy bàn ghế kê kéo dài, thẳng nhau dễ làm cho người ta liên tưởng tới những quán phở ở quê hương.

Ngay phở Hòa ở Boston cũng bán cả hủ tiếu lẫn bún bò Huế. Phở 14 ở Washington D.C là một quán ăn bán từ bún thịt nướng cho tới cơm sườn... Phở Quyên ở Des Moines (bang Iowa) là một nhà hàng liệt kê cả món lẩu trong thực đơn của họ.

Nhưng nói như bà chủ nhà hàng Quyên, dù mấy món như bánh tráng cuốn thịt, tôm nướng của quán cũng rất được người Mỹ ưa thích nhờ vị mát bởi cuộn kèm với rất nhiều rau sống, thì phở vẫn là đại diện số 1 của ẩm thực Việt ở xứ này.

Chỉ cần nhìn người Việt hay người Mỹ ngồi ăn tô phở, nhâm nhi với một ly cà phê đen hay nâu đá đặc quánh là thấy ngay một Việt Nam không thể lẫn vào đâu được.

Phạm Tấn (PV TTXVN tại Mỹ)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm