05/04/2009 10:42 GMT+7 | Phim
(TT&VH Online) - Ngay từ thế kỷ Công nguyên đầu tiên, giới triết gia đã tranh cãi nhau về câu thơ “Quis custodiet ipsos custodes?” của nhà thơ La Mã, Juvenal. Ai sẽ canh chừng những kẻ được giao trách nhiệm canh chừng người khác? Đó cũng đồng thời là tư tưởng xuyên suốt bộ phim Watchmen (Những kẻ canh chừng) chuyển thể từ 12 tập truyện tranh cùng tên của tác giả Alan Moore và họa sỹ Dave Gibbons.
Watchmen là câu chuyện về những anh hùng và siêu anh hùng, nhưng cả bộ truyện tranh lẫn phim chuyển thể đều không coi tính anh hùng là một chất liệu để khai thác mà coi đây là một đối tượng để mổ xẻ nghiên cứu. Tác giả Alan Moore cho biết, ông tiếp cận Watchmen từ ý tưởng “Tất cả sẽ bắt đầu bằng cái chết của một anh hùng. Để khám phá những bí ẩn đằng sau cái chết này, người đọc sẽ có cơ hội được đi sâu vào thế giới nội tâm của những nhân vật anh hùng khác”. Rõ ràng đó không phải là hướng tiếp cận thông thường của một câu chuyện về siêu anh hùng, có thể chính vì lẽ đó mà Watchmen đã trở thành bộ truyện tranh duy nhất lọt vào danh sách 100 tác phẩm tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của tạp chí Time.
Ý thơ tranh cãi được Watchmen gián tiếp giới thiệu ngay từ đầu trong cảnh phim nhân vật The Comedian giết hại một phụ nữ Việt Nam. Cảnh phim đề cập rất rõ ràng mối quan hệ giữa những kẻ canh chừng và những người được canh chừng. Nhân vật Dr. Manhattan là người duy nhất có đủ quyền lực để canh chừng những “kẻ canh chừng”, trong trường hợp cụ thể này là ngăn cản The Comedian giết người, tuy nhiên với tâm lý phức tạp cộng thêm sự xem thường giá trị của con người, Dr. Manhattan đã gần như gạt bỏ tính trách nhiệm ra khỏi quyền lực của mình.
Với thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ, Watchmen quá dài đối với những ai chỉ muốn khám phá kẻ đã giết hại The Comedian, bởi lẽ đây chỉ là một trong số rất nhiều chi tiết cần khám phá, bao gồm một lượng ẩn dụ khá đậm đặc.
The Comedian có lẽ là nhân vật sinh động nhất trong Watchmen. Là anh hùng duy nhất mang sắc cờ Mỹ trên trang phục và cũng là nhân vật duy nhất lĩnh sẹo từ cuộc chiến tranh Việt Nam, chính vì thế cũng có thể nói The Comedian đã đại diện cho cả nước Mỹ. Nếu hình ảnh người phụ nữ mang thai bị The Comedian ruồng bỏ và giết hại là ẩn dụ cho sự dính líu của nước Mỹ tại chiến trường Việt Nam, thì hình ảnh vết sẹo do người phụ nữ này gây nên trên khuôn mặt y lại là ẩn dụ của hậu quả mà nước Mỹ phải gánh chịu từ cuộc chiến tranh. Vết sẹo đã khiến nụ cười vốn ngạo nghễ của The Comedian trở nên méo mó, như nét tô điểm cho chất Pagliacci trong phong cách hài hước đầy mỉa mai của y: mỉa mai như những giọt nước mắt trên khuôn mặt kép hài, mỉa mai như vết máu trên bộ mặt hạnh phúc. Một trong những câu thoại hay nhất của Watchmen là khi nhân vật Nite Owl 2 hỏi: “Điều gì đã xảy ra với giấc mơ Mỹ?” The Comedian trả lời: “Nó đã trở thành hiện thực, anh đang nhìn thấy nó đấy,” trong khi chỉ vào đám đông cuồng nộ đang phá phách và đòi giải tán nhóm người vẫn luôn tự cho mình là “Những kẻ canh chừng”.
Watchmen có một loạt những yếu tố có có thể liên kết để từ đó suy ra những vấn đề sâu xa hơn: Đó là vở Die Walkuere của Richard Wagner và triết lý của Nietzche. Đây chính là 2 nhân tố đã bị Hitler lạm dụng để xây dựng nên hệ tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa Quốc xã.
Nếu xâu chuỗi những yếu tố này, cộng thêm phông nền của câu chuyện về những siêu anh hùng, chúng ta có nhìn thấy thấp thoáng trong Watchmen khái niệm Uebermensch (người siêu việt) của Nietzsche. Khái niệm này loại bỏ sự tồn tại của Chúa và trao cho “người siêu việt” khả năng kiến tạo những giá trị mới để phù hợp với sự vận động của thế giới. “Người siêu việt” có thể tự định đoạt tính thiện và ác để phục vụ mục tiêu cuối cùng.
Trong Watchmen, tất cả những anh hùng và siêu anh hùng đều có những giá trị riêng, thế nhưng chỉ duy nhất nhân vật Ozymandias là có đầy đủ phẩm chất của một Uebermensch. Ngoài trí tuệ xuất chúng để thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhân vật này còn có thể xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác để ngăn cản thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân. Và rõ ràng yếu tố quyết định việc Ozymandias là một Uebermensch chứ không phải Dr. Manhattan, với quyền lực tuyệt đối, là vì nhân vật này dám đứng ra nhận trách nhiệm đối với nhân loại thay vì coi thường những giá trị nhân bản.
Ngoài ra, Ozymandias còn có ngoại hình của một người chủng Aryan mà Hitler luôn rao giảng là thượng đẳng. Cũng không phải là ngẫu nhiên khi Ozynamdias tự coi mình là người thông minh nhất thế giới và bị Roschach ví với Hitler.
Các nhân vật trong phim Watchmen: The Comedian, Nite Owl 2, Ozymandias, Roschach, Silk Spectre 2
Bộ phim Watchmen còn đề cập đến một loại sức mạnh khác, sức mạnh của ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn Zack Snyder một lần nữa khẳng định được tài năng, vốn đã sớm được thừa nhận từ bộ phim 300, khi chuyển thể thành công bộ truyện tranh từng bị coi không thể đưa lên màn bạc. Không chỉ dừng lại ở việc tóm gọn sự thể hiện phong phú, hay làm mượt mà những chi tiết sạn trong truyện, Zack còn biết vận dụng tối đa sức thể hiện đặc thù của điện ảnh.
Trong nguyên tác của Moore, bối cảnh sự leo thang của nguy cơ diễn ra cuộc chiến tranh hạt nhân được khai thác gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông. Bộ phim chuyển thể về cơ bản cũng sử dụng lại cách này, nhưng Zack đã đẩy được kịch tính lên cao hơn khi bất ngờ hướng khán giả đến một bộ phim thuộc hàng kinh điển về cuộc đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Trong cảnh tổng thống Mỹ quyết định khởi động bộ máy chiến tranh, Zack đã tái hiện chính xác bối cảnh phòng họp chiến lược trong bộ phim Dr. Strange Love or: How I Learned to Stop Worrying and Love the Bomb của đạo diễn Stanley Kubrick. Chính nhờ những yếu tố như vậy, Watchmen đã chinh phục được cả những khán giả điện ảnh chưa từng đọc qua bộ truyện tranh.
Trong lễ công chiếu Watchmen ở London, nam diễn viên Jackie Earle Haley, người đóng vai Rorschach, đã cho biết, tình hình chính trị thế giới hiện nay có rất nhiều liên hệ với bộ phim. Mặc dù không có những tuyên bố hợm hĩnh kiểu như “Chúa trời hiện hữu, và ông ấy là người Mỹ”, nhưng không phải vì thế mà tư tưởng “thế thiên hành đạo” của người Mỹ không tồn tại, vấn đề chỉ là cách thể hiện: Tổng thống Mỹ George W Bush từng tuyên bố: “Chúa ở cùng phe chúng ta”.
TNS John Kerry, một người ôn hòa hơn, thì tuyên bố: “Chúng ta cùng phe Chúa”. Quay trở lại với câu nói của một người Mỹ điển hình, The Comedian, “Vấn đề của giấc mơ Mỹ là nó đang trở thành hiện thực…” phải chăng chúng ta đang chứng kiến điều đó ở Afghanistan, hay Iraq? Ngay cả khi liên hệ với thực tế, những kẻ có đủ khả năng canh chừng dường như vẫn chưa có sự trân trọng cần thiết đối với giá trị con người. Và câu hỏi “Ai canh chừng những kẻ canh chừng?” cũng vì thế mà chưa thể có lời giải đáp.
Đặng Trần Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất