13/07/2017 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Khi đặt câu hỏi “Phim truyền hình chết có phải vì diễn viên chạy show?”, một tên tuổi uy tín của làng phim truyền hình hiện nay là Nguyễn Phương Điền cho rằng “diễn viên đắt show thì mới đáng ưu tiên để mời”.
Anh lý giải thêm: “Mỗi diễn viên có một thời hoàng kim của họ, trên thế giới cũng vậy thôi, nếu mình là đạo diễn của thể loại phim cần nhiều khán giả xem mà mời được những diễn viên đắt khách thì rất tốt. Diễn viên chạy show nhiều chứng tỏ họ đang có khán giả, đang có rating cao và cũng được các nhà sản xuất, các đạo diễn khác chú ý”.
“Khi làm phim, tôi thường ưu tiên mời những diễn viên đắt show vào các vai quan trọng, sẵn sàng xếp lịch để chờ họ, vì có họ mình sẽ yên tâm hơn ở nhiều khía cạnh. Tất nhiên trong mỗi phim cũng cần những vai khác, nên diễn viên kì cựu, mới vào nghề, thậm chí tay ngang đều có đất diễn, miễn họ hợp vai”.
Ngày 7/6/2011, tại một hội thảo về phim truyền hình ở TP.HCM, nhiều nhà chuyên môn cho rằng lý do chính của sự sa sút là bởi cơ chế. Lúc ấy đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói một câu chấn động, được cả hội thảo ủng hộ: “Phim truyền hình xuống cấp là do cơ chế của nhà đài. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ. Cho nên, không thể trách nhà sản xuất vì họ kinh doanh thì phải tính toán làm sao có lời. Trong khi cơ chế mua phim là cào bằng, tối đa 200 triệu đồng/1 tập, đó là chưa kể kinh phí tới tay người làm phim phải qua bao nhiêu cửa, tiền sẽ rơi rụng bớt, có khi rơi đến 40-50%”.
Đến nay, sau 6-7 năm, cơ chế mua phim và kinh phí cho mỗi tập phim gần như không thay đổi, trong khi giá cả sản xuất phim thì tăng rất nhiều lần.
Năm 2013, tại một hội thảo về phim truyền hình ở Hà Nội, nhiều người trong cuộc chỉ ra rằng phim trong Nam ngoài Bắc đều mắc một lỗi lớn, đó là kịch bản cứ kéo dài lê thê, không có bột mà đòi gọt nên hồ, nên nhạt nhẽo, rời rạc là đương nhiên.
Đầu tháng 6/2017 vừa rồi, tại hội thảo “Phim truyền hình Việt Nam xu thế và các thách thức” tại Telefilm 2017 ở TP.HCM cũng chỉ ra nhiều khó khăn, trong đó có chuyện lấn lướt thái quá của các trò chơi truyền hình, của truyền hình thực tế.
Qua các hội thảo chuyên nghiệp về truyền hình toàn quốc trong khoảng 10 năm trở lại đây, ít khi nào chuyện diễn viên chạy show quá nhiều được đặt ra như là một vấn nạn lớn. Bởi yếu tố quyết định đến hơn 50% thành công (theo nhiều nhà chuyên môn, phê bình) của phim truyền hình là kịch bản, mà ví dụ gần đây có thể thấy là ở phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Nếu không có được kịch bản phù hợp với khung cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế hiện thời, thì hai phim này khó mà hút khách nếu dựa vào những yếu tố khác.
Nhiều đạo diễn, trong đó có Trần Cảnh Đôn, Xuân Phước, Nam Yên cũng đồng ý rằng yếu tố quyết định đến sinh mệnh của phim truyền hình là kịch bản. “Nếu kịch bản hay, chỉ cần đạo diễn có tay nghề, diễn viên tròn vai, ê-kíp có trách nhiệm là đã có bộ phim xem được, còn kịch bản đã dở hoặc nhảm nhí, thì chịu thua” - Trần Cảnh Đôn khẳng định.
“Ai cũng nói đạo diễn là linh hồn của bộ phim, vậy tại sao kịch bản dở mà cũng nhận làm? Mà khi đã nhận làm thì tại sao không chỉnh sửa cho nó có chất lượng hơn rồi mới quay? Ra phim trường, tại sao thấy diễn viên chưa nắm ý, chưa thuộc thoại, chưa rõ đường dây câu chuyện mà cũng cố quay, vậy thì công tác đạo diễn bỏ đi đâu?” - Nguyễn Phương Điền đặt ra nhiều câu hỏi.
Đạo diễn Nam Yên, người có nhiều phim phát sóng trên VTV, HTV cho biết: “Phim là kết quả cộng hưởng của nhiều khâu, nên không thể đổ thừa cho diễn viên chạy show làm phim kém chất lượng chung. Trong tình hình nhà nhà làm phim như hiện nay, nơi ai cũng có thể làm diễn viên, mà vẫn có những người còn chạy show được là đáng mừng, chứng tỏ họ có sức hút nhất định. Đây là chưa nói thù lao luôn không xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra cho mỗi phim, nên phải thông cảm với việc chạy show để họ cân bằng cuộc sống".
"Tôi tin rằng khi nhà sản xuất trả cho họ một giá hợp lý, đạo diễn đưa cho họ một kịch bản hay, thì họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phim đó. Kịch bản dở, thù lao thấp… mà đòi giữ chân riêng một người đang đắt show thì thật phi lý”.
“Diễn viên dở hiện nay có không? Có, và có rất nhiều nữa là khác. Nhưng số diễn viên lành nghề, có trách nhiệm với nghề cũng không ít, Thân Thúy Hà là một ví dụ. Những đạo diễn nào đã từng làm việc với những diễn viên như Thân Thúy Hà, Vân Trang, Lương Thế Thành, Nguyệt Ánh, Ngọc Lan, Thúy Diễm (và còn nhiều nữa) mà nói họ chảnh chọe, không có trách nhiệm thì trước hết nên coi lại cách làm việc của mình” - Xuân Phước khẳng định.
Anh cũng nói thêm: “Cả nước có hơn 150 kênh phát sóng phim truyền hình, mỗi năm cần đến 6-7 ngàn lượt tập mới đủ phát sóng căn bản, mà tài lực cho phim truyền hình nội địa thì chỉ có vậy thôi, làm nhiều thì sẽ sai nhiều. Tuy nhiên, nếu nhìn khách quan và biết gạn đục khơi trong, thì trong hàng ngàn tập phim được các đơn vị tại TP.HCM sản xuất mỗi năm, số phim, số tập phim bị cho là thảm họa đâu có nhiều, nên nói truyền hình sa sút do diễn viên chạy show càng không có cơ sở”.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất