22/03/2016 11:33 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Năm nay chấm Cánh diều, chúng tôi nhận thấy miền Bắc chủ yếu chọn đề tài gia đình, còn miền Nam chủ yếu chọn đề tài hình sự… Phim về nông thôn đang trên đà trở thành “đặc sản” trên sóng truyền hình.
“Đặc sản” có nguy cơ ít người “ăn”
Khó có thể nói là khán giả không còn yêu thích đề tài nông thôn, vì thực tế nông dân chiếm tới 60% trong cơ cấu dân số Việt Nam. Một bộ phim mang hơi thở của nông thôn, nói được vấn đề của nông dân sẽ “hot” không kém các bộ phim đề tài thành thị hấp dẫn.
Phản ứng của khán giả gần đây cho thấy chất lượng của các bộ phim đề tài nông thôn không còn được như trước, mặt khác cho thấy nhiệt huyết của các nhà sản xuất bắt đầu giảm.
Gần đây nhất là Bão qua làng, cũng mới chỉ đề cập đến những vấn đề hết sức “nhẹ nhàng”, bề mặt ở làng quê, và dùng tiếng cười để khỏa lấp nên không thể gây “bão” như những bộ phim trước đó.
Xu hướng hiện tại cho thấy các đài chú trọng đầu tư phim đề tài thành thị, có nhiều yếu tố giải trí để phục vụ khán giả. Xu hướng này khiến những bộ phim đề tài nông thôn, nếu không phải dự án trọng điểm của các hãng phim lớn sẽ phải chật vật cạnh tranh giờ phát sóng với phim đề tài thành thị.
Bến không chồng - phiên bản truyền hình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh sản xuất năm 2014 được xếp lịch phát sóng cuối năm nay được coi là may mắn. Trong khi đó, cũng sản xuất năm 2014, bộ phim Sống gượng của đạo diễn Nhuệ Giang, đề tài về thời bao cấp, được một số người trong nghề đánh giá có chất lượng rất tốt, chưa biết bao giờ được phát sóng.
Còn ai làm phim nông thôn?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết hiện VFC dù coi dòng phim chính luận (trong đó có phim đề tài nông thôn) là dòng phim tạo nên thương hiệu cho VFC, nhưng không đặt mục tiêu một năm phải sản xuất bao nhiêu phim đề tài nông thôn. “Với đề tài này, chỉ có kịch bản nào thực sự đặc biệt, có chất lượng nội dung xứng tầm mới được lựa chọn. Hiện số kịch bản đề tài nông thôn hàng năm chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về VFC, nhưng lựa chọn được rất ít”.
Ở phía Bắc hiện nay chỉ có rất ít đạo diễn có khả năng làm phim về nông thôn, ngay cả diễn viên cũng ít có khả năng đáp ứng thể loại phim này.
Gia phả của đất, bộ phim mới nhất của VFC được giao cho đạo diễn Quốc Trọng, người từng có kinh nghiệm làm Hương đất, Bí thư tỉnh ủy, Bão qua làng thực hiện. Ngoài Quốc Trọng ra, ở phía Bắc có đạo diễn Nguyễn Hữu Phần “chuyên trị” phim về nông thôn, còn lại rất khó kiếm đạo diễn có kinh nghiệm cho loại phim này.
Ê-kíp diễn viên Gia phả của đất cũng toàn những gương mặt thân quen như: Hoàng Hải, Đỗ Kỉ, Phú Đôn cho thấy phim nông thôn có rất ít lựa chọn diễn viên.
Đạo diễn Quốc Trọng cho biết nỗi khổ lớn nhất của ông khi làm phim nông thôn là phải phụ thuộc vào bối cảnh thật: “Khi làm Bí thư tỉnh ủy tôi đã găm được một số bối cảnh.
Nhưng sau 3 năm trở lại làm Gia phả của đất, tôi tá hỏa vì một cái đình cổ nay đã bị bê tông hóa sau một dự án tu bổ di sản. Muốn quay cảnh đồng lúa thật thì chắc phải 3 vụ mới xong, vì máy gặt bây giờ xoẹt một cái là đi cả cánh đồng lúa chín chỉ trong một buổi sáng. May mà còn có kĩ xảo hỗ trợ”.
Ngoài ra, làm phim đề tài nông thôn ngốn kinh phí và thời gian gấp đôi phim về các đề tài khác, nên không khó hiểu khi loại phim này ngày một ít đi.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Năm nay chấm Cánh diều, chúng tôi nhận thấy miền Bắc chủ yếu chọn đề tài gia đình, còn miền Nam chủ yếu chọn đề tài hình sự… Tôi nhận thấy số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi. Các đài cũng không đặt ra tỉ lệ làm phim đề tài này nên khó có thể tăng lượng phim. Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim nông thôn nữa”.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất