Phim “Midnight in Paris” bỗng dưng bị kiện!

28/10/2012 07:21 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Hai tuần sau giải Nobel Văn học, làng văn thế giới đang hơi buồn tẻ. Nhờ thế, vụ việc tưởng như lãng xẹt là công ty bảo vệ quyền tác giả của nhà văn William Faulkner kiện hãng Sony vì một câu trích dẫn sai trong phim Midnight in Paris, lại gây ồn ào.

Ngày 25/10, công ty bảo vệ tác quyền của William Faulkner, Faulkner Literary Rights LLC, đã đâm đơn kiện hãng phim Sony Pictures Classics và các hãng hợp tác làm phim lên tòa án quận Mississippi, bang Mississippi, Mỹ.

Vụ kiện từ "trên trời"

Đầu đuôi câu chuyện bắt đầu từ câu nói của nhân vật Gil Pender (Owen Wilson), một nhà văn từ Mỹ đến Paris và lọt vào thế giới quá khứ huyền bí của các nhà văn lớn đầu thế kỷ 20. Trong một cảnh phim, nhân vật này nói: “Quá khứ không chết. Thực ra, đó thậm chí không phải là quá khứ. Em biết ai đã nói vậy không? Faulkner. Và ông ấy đúng. Và anh cũng đã gặp ông ấy. Anh đụng phải ông ấy trong một bữa tiệc tối” (trích dẫn trực tiếp từ đơn kiện).

Câu này được Faulkner, chủ nhân Nobel Văn học năm 1949, viết trong cuốn Lễ cầu hồn cho một nữ tu (Requiem for a Nun) vào năm 1951, nhưng phim đã trích dẫn hơi thiếu chính xác. Câu văn gốc là: “Quá khứ không bao giờ chết. Đó thậm chí không phải là quá khứ”.

Cảnh trong phim Midnight in Paris. Ảnh: Sony Pictures Classics.

Đơn kiện (được trang Hollywood Reporter đăng file gốc) nhấn mạnh câu nói trong phim này là “Trích dẫn Vi phạm” (viết hoa), còn Midnight in Paris là “Bộ phim Vi phạm” (cũng viết hoa).

Mục 23 trong đơn kiện ghi "Hành động phân phối bộ phim của hãng Sony là hiểm ác, gian lận, có tính toán và chủ tâm". Đơn kiện đòi Sony “bồi thường thiệt hại, từ bỏ quyền sử dụng trích dẫn nói trên, trả phí vụ kiện và thuê công tố viên”.

Midnight in Paris là phim điện ảnh ăn khách nhất của Woody Allen, một đạo diễn vốn theo đuổi dòng phim nghệ thuật cao, doanh thu thấp. Phim có dàn diễn viên nổi tiếng: Owen Wilson, Rachel McAdams, Marion Cotillard, Adrien Brody và Cựu Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni.

Một chuyện phù phiếm?

Theo New York Times, hôm 26/10, hãng Sony có tuyên bố đầu tiên về vụ việc: “Đây là một vụ kiện phù phiếm và chúng tôi tin rằng mình có ưu thế khi chống lại nó. Chẳng có nghi ngờ gì cả, trích dẫn vắn tắt này (chỉ có 10 từ trong nguyên gốc tiếng Anh) được chúng tôi tham khảo từ một bài nói chuyện công khai của Faulkner, được sử dụng một cách công bằng và mọi cáo buộc trong đơn kiện đều không có giá trị”.

Còn đại diện truyền thông của đạo diễn Woody Allen từ chối trả lời báo chí.

“Có không ít vụ kiện tác quyền văn học điên rồ, nhưng có những vụ khiến bạn phải ngồi xuống và tự hỏi một luật sư phải gan dạ tuyệt vời đến thế nào mới dám nộp đơn và theo đuổi vụ việc này. Đây là một trong những trường hợp như vậy” -  trang Opposing Views bình luận.

Vài nét về nhà văn được dẫn lời trong phim

William Faulkner (1897-1962) là nhà văn lớn người Mỹ, từng giành giải Nobel Văn học năm 1949. Ông là tác giả cuốn nổi tiếng Âm thanh và cuồng nộ, xếp thứ 6 trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thế kỷ 20. Faulkner là một trong những tác gia quan trọng của văn học miền Nam nước Mỹ, cùng với Mark Twain, Flannery O'Connor, Truman Capote, Harper Lee, Tennessee Williams…

Đơn kiện chỉ ra rằng cuốn sách Requiem for a Nun được đăng ký bản quyền năm 1951 và đăng ký mới vào năm 1979. Trang Opposing Views thì sự thực đó cũng chẳng có một chút ý nghĩa nào trong toàn bộ vụ việc. Tất nhiên là cuốn sách là tài sản sở hữu trí tuệ hợp pháp, nhưng, thế thì sao? “Bộ phim trích dẫn 10 từ ngắn ngủi. Nghiêm túc mà nói, phía nguyên đơn nghĩ sẽ có thiệt hại gì xảy ra ở đây?”. Còn công ty Faulkner Literary Rights cho rằng họ sở hữu “độc quyền” khai thác và sử dụng các tác phẩm của Faulkner.

Đơn kiện đi xa hơn bằng tuyên bố ở mục 27: “Hãng Sony không có sự đồng ý của Faulkner trong việc sử dụng tên hoặc tác phẩm của Faulkner để phục vụ lợi ích của Sony”. “Tác phẩm” thì còn phải tranh cãi, nhưng “tên của Faulkner”? Điều kỳ quặc được nhấn mạnh là: Tại sao nhắc đến tên của bất cứ một người nào đó, còn sống hoặc đã chết, mà không có sự đồng ý của người đó, lại là bất hợp pháp?

Lý lẽ mà công ty bảo vệ tác quyền bám vào là hãng Sony đã không hỏi ý kiến họ khi sản xuất, phát hành và phân phối bộ phim.

Một tiền lệ xấu

Hãng Sony đã khẳng định họ tự tin sẽ có lợi thế khi chống lại lời cáo buộc. Cũng có ý kiến ủng hộ khi cho rằng Sony không thể chỉ vì vụ kiện quá dở hơi mà bỏ cuộc, vì nếu bỏ thì sẽ tạo ra tiền lệ không tốt, bất lợi cho giới sáng tác.

“Hy vọng Sony sẽ không hèn nhát và trả tiền bồi thường cho Faulkner Literary Rights để dẹp im vụ việc. Đây là một trường hợp đáng để đấu tranh”, theo Opposing Views.

Lo lắng “tạo ra tiền lệ xấu” không phải không có cơ sở, bởi Midnight in Paris là một phim về văn chương nghệ thuật và có sự xuất hiện của vô số nhân vật nhà văn, nhà thơ, họa sĩ: Ernest Hemingway, Gertrude Stein, Pablo Picasso, Zelda và F. Scott Fitzgerald, Cole Porter, Salvador Dalí, T. S. Eliot… William Faulkner thậm chí còn không phải là một nhân vật mà chỉ được nhắc đến qua một trích dẫn.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm