Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người

18/12/2023 06:58 GMT+7 | Giải trí

Tiếp nối Tết ở làng địa ngục trên màn ảnh nhỏ, đạo diễn Trần Hữu Tấn mang đến cho khán giả màn ảnh rộng Kẻ ăn hồn - một câu chuyện gần như chung bối cảnh và cảm hứng. Kịch bản được chính Thảo Trang chuyển thể từ tiểu thuyết Ngủ cùng người chết của cô.

Sau 3 lần chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan chức năng, phim được công chiếu toàn quốc từ ngày 15/12. Đây là phim kinh dị dễ xem và đáng xem. Có vẻ vì vậy mà doanh thu đã hơn 29 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam, mở rộng cánh cửa thành công về phòng vé.

Tiền truyện của "Tết ở làng địa ngục"

Cùng được sản xuất bởi ê-kíp của đạo diễn Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn là phần tiền truyện của phiên bản truyền hình với câu chuyện kể về thời thiếu nữ của cô Phong - bà nội ông Thập - và bí kíp luyện rượu sọ người. Đây được xem là một bước đi vừa khôn ngoan, nhưng cũng rất mạo hiểm, khi phim dễ dàng bị so sánh với phiên bản truyền hình vừa ra mắt gần đây.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 1.

Làng địa ngục có bối cảnh công phu

Điểm mạnh nhất của Kẻ ăn hồn chính là phần hình ảnh. Về bối cảnh lẫn tạo hình nhân vật, tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng. Bộ phim đã mở ra cho người xem thấy được không gian sống của làng quê vùng núi Việt Nam đậm chất Bắc bộ. Những quan niệm sống và phong tục tập quán của ông cha ngày xưa như tục chít khăn tang cho cây cũng đồng thời được lồng ghép khéo léo trong độ dài 109 phút.

Xem phim, sẽ thấy Kẻ ăn hồn vẫn giữ đúng tinh thần của Tết ở làng địa ngục, khi tiếp tục sứ mệnh truyền tải văn hóa dân gian của người Việt Nam. Từ hình ảnh con rối, cho đến khung cảnh đám cưới chuột được lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, con đò chở vong, bài vè của trẻ em… Đặc biệt, những chiếc mặt nạ chuột trong Kẻ ăn hồn đều được làm bằng tay với chất liệu là giấy bồi truyền thống. Tất cả đều hướng đến mục đích quảng bá văn hóa - tâm linh đến đại chúng, không chỉ là những khán giả trong nước, mà còn là cộng đồng xem phim quốc tế.

Lấy khuôn mẫu từ cổ phục người Việt Nam như áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh, tạo hình của các nhân vật trong Kẻ ăn hồn nhờ đó mà trở nên gần gũi hơn với khán giả. Ngoài ra, khi kết hợp với kỹ thuật hóa trang đặc biệt, thay vì sử dụng kỹ xảo hậu kỳ, điều này góp phần mang đến cho người xem một trải nghiệm hình ảnh một cách chân thật.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 2.

Những cái chết man rợ trong làng địa ngục

Đi theo lối kể chuyện của dòng phim sát nhân (slasher), bầu không khí trong Kẻ ăn hồn cũng vì thế mà trở nên hồi hộp và đậm mùi trinh thám. So với bản truyền hình, Kẻ ăn hồn đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt khi các nội dung được sắp xếp một cách chặt chẽ và hợp lý hơn. Những tình tiết ban đầu sẽ là tiền đề để giải quyết cao trào về sau theo thứ tự, chứ không bị chồng chéo, đan xen.

Dù vậy, nhưng Kẻ ăn hồn vẫn còn vài thiếu sót. Mặc dù phim đã có sự cải thiện về kịch bản, nhưng vì ôm đồm quá nhiều tuyến nhân vật, nên câu chuyện vẫn còn rời rạc và thiếu tính liên kết ở nửa đoạn đầu. Mãi cho đến khi cú lật (twist) đầu tiên nổ ra, lúc đó phim mới thật sự thu hút được sự chú ý.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 3.

Huỳnh Thanh Trực trong vai Khảm

Hạn chế lớn nhất của phim phải kể đến là phần thoại. Ở một vài phân đoạn, người xem sẽ dễ dàng nhận thấy sự tương tác giữa các diễn viên vẫn còn khá sượng. Điều này bắt nguồn từ việc lời thoại trong phim chưa mang được hơi thở đời sống, mà vẫn còn đậm tính kịch.

Là phần tiền truyện của Tết ở làng địa ngục, thế nhưng Kẻ ăn hồn lại quên đi một chi tiết vô cùng quan trọng là mối quan hệ giữa Thập Nương và rượu sọ người. Đây được xem là sợi dây nối kết giữa các thế giới trong làng địa ngục. Dù có nhắc đến, nhưng chi tiết này vẫn chưa được tập trung khai thác sâu. Do đó, sự xuất hiện của Thập Nương khiến người xem ban đầu kỳ vọng, nhưng về sau lại hụt hẫng.

Bài học ý nghĩa về tình người

Với Kẻ ăn hồn, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã trao cơ hội cho những gương mặt mới như Hoàng Hà và Võ Điền Gia Huy. Nổi lên từ tác phẩm Em và Trịnh, lần này Hoàng Hà đánh dấu sự quay trở lại của mình trong một phim cổ trang kinh dị, mang đậm màu sắc tâm linh.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 4.

Hoàng Hà trong vai Phong

Còn về Gia Huy, anh chàng cho biết: "Trước đây, với bộ phim Fanti, đó là một chàng trai thành thị hài hước, vui nhộn. Nhưng khi vào vai cậu Sang trong Kẻ ăn hồn, đây là một vai hoàn toàn khác biệt khi điềm tĩnh, trầm lắng hơn và có nội tâm vô cùng sâu sắc".

Tuy diễn xuất đã có tiến bộ trong hình tượng mới, nhưng thực tế, Gia Huy vẫn chưa thật sự lột tả được hoàn toàn tính cách nhân vật. Điều này một phần đến từ vấn đề phát âm của nam diễn viên.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 5.

Võ Điền Gia Huy trong vai Sang

Phim mang lại cho người xem một bài học ý nghĩa về tình người. Sang, một nhân vật đáng ghét mà cũng thật đáng thương. Ngọn ngành câu chuyện suy cho cùng cũng là do chính sự ráo hoảnh về tình người của dân làng địa ngục. Trong lúc tuyệt vọng nhất, chẳng một bàn tay nào giơ ra cứu rỗi đứa trẻ mất mẹ. Điều này đã biến Sang từ một đứa trẻ ngây thơ thành một kẻ tàn ác.

Tuy được giới thiệu là tiền truyện của Tết ở làng địa ngục, nhưng Kẻ ăn hồn lại kể về một câu chuyện hoàn toàn khác. Bộ phim chính là lời giải đáp dành cho những bí ẩn về cổ thuật rượu sọ người. Thế nên, dù không cần xem bản truyền hình trước đó, khán giả vẫn có thể hiểu được toàn bộ nội dung.

Có thể thấy, Kẻ ăn hồn là minh chứng cụ thể cho tinh thần học hỏi của đội ngũ sản xuất Tết ở làng địa ngục. Phim đã khắc phục được phần nào những điểm yếu của phiên bản truyền hình, cũng như giữ được tinh thần của tác phẩm văn học. Phim đã gợi nhắc về những ngành nghề vốn đang bị mai một trong xã hội hiện nay như nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi, tôn vinh những nét văn hóa xưa cũ của ông cha ta ngày xưa.

Phim 'Kẻ ăn hồn': Bi kịch từ sự ráo hoảnh về tình người - Ảnh 7.

Cảnh trong phim lấy cảm hứng từ dân gian

Nếu so sánh với những phim trước đây của đạo diễn Trần Hữu Tấn, thì Kẻ ăn hồn đã cho thấy được sự tiến bộ rõ rệt. Phim cũng đồng thời đánh dấu bước chuyển mình mới cho thị trường phim kinh dị tại Việt Nam.

"Câu chuyện kinh dị mà Trang mang đến cho mọi người chỉ là một lớp áo. Mục đích lớn nhất của Trang và cả ê-kíp làm Kẻ ăn hồn chính là lan tỏa văn hóa đến người xem" - nhà biên kịch Thảo Trang chia sẻ.

Anh Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm