Phim ca nhạc "Biệt đội hy vọng" tuyển nhà thơ trẻ: Không dễ!

02/10/2012 13:10 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Bộ phim truyền hình thể loại ca nhạc Biệt đội hy vọng trong tuần này sẽ bấm máy những cảnh quay đầu tiên. Trong thời buổi sản xuất một bộ phim cũng như “sản xuất một món hàng hóa” sẽ không có gì đáng bàn. Nhưng với Biệt đội hy vọng, lần đầu tiên ê-kíp làm phim ở xứ ta tuyển các nhà thơ trẻ để tham gia soạn lời cho các bài hát.

Ông Châu Quang Phước, người phụ trách tổ chức kịch bản cho phim này, đồng thời cũng là người kêu gọi các nhà thơ trẻ “dự tuyển” vào ê-kip Biệt đội hy vọng, đã chia sẻ cùng TT&VH về chuyện xét tuyển nhà thơ.

Trong thơ có nhạc…

* Ở ta từng có một số đơn vị làm phim ca nhạc, như phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chẳng hạn, nhưng việc tuyển nhà thơ cộng tác viết lời cho ca khúc thì đây là lần đầu. Từ đâu anh có ý tưởng tuyển... nhà thơ?

- Phim ca nhạc hoặc nhạc kịch không xa lạ gì ở ta, nhất là với phim điện ảnh ngoại nhập chiếu rạp, gần đây nhất có loạt phim Step Up khi công chiếu được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Trước đó có Mamma Mia! cũng khá đình đám. Xa xưa hơn có các phim ca nhạc của Ấn Độ một thời lừng lẫy. Điện ảnh trong nước cũng có, như với phim Những nụ hôn rực rỡ.

Ông Châu Quang Phước - Ảnh: Toại Nguyễn

Truyền hình Việt cũng đã từng thực hiện các phim như: Cho một tình yêu, Hát ca bềnh bồng... Tuy nhiên phải thừa nhận một điều là thể loại này vẫn có phần "gần nhà xa ngõ" với khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam. Vì nhiều lý do khách quan về công nghệ làm phim truyền hình, về nghề làm nhạc phim ở Việt Nam, các phim truyền hình ca nhạc đã từng được thực hiện đều chưa tạo được dấu ấn đáng kể về chất lượng đặc thù của thể loại này.

Với phim truyền hình ca nhạc Biệt đội hy vọng này, chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều sự phối hợp mang tính đồng bộ hơn, về việc làm nhạc cho phim. Bên cạnh đó, ca khúc nhạc phim góp phần quyết định sự thành bại của sản phẩm, đặc biệt là với phim truyền hình thể loại ca nhạc thì càng phải được chú trọng đầu tư sao cho có thể khơi gợi được thật nhiều cảm xúc của phần đông khán giả. Muốn đạt được sự đồng bộ trong các sáng tác về ca khúc nhạc phim, có lẽ việc phối hợp giữa các nhạc sĩ với các nhà thơ là điều cần thiết và phù hợp nhất, như người ta thường nói "trong thơ có nhạc" và ngược lại.

* Việc tuyển nhà thơ của phim Biệt đội hy vọng khóa sổ vào ngày 23/9, kết quả tuyển đến đâu rồi thưa anh?

- Vì thời gian có hạn cho một dự án phim truyền hình, chúng tôi cũng chỉ có thể kêu gọi nhanh việc tham gia hỗ trợ từ phía các nhà thơ, vậy nên kết quả đạt được chưa như ý. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục đón nhận các ứng viên mới cùng tham gia trong ê-kíp làm nhạc cho phim. Như đã nói, các nhà thơ sẽ làm việc trực tiếp cùng với ê-kíp trợ lý âm nhạc, dưới sự điều phối của giám đốc âm nhạc của dự án phim này.

Nhà thơ phải biết nhạc lý

* Có phải vì phim cần tuyển "nhà thơ trẻ" nên kén chọn người hay không mà đến nay chưa tuyển được như ý? Vì ở ta "ra ngõ gặp nhà thơ" mà nói không có người để tuyển thì quá vô lý!

- Đúng vậy, nhà thơ ở ta có lẽ là rất nhiều, hiện diện cùng khắp. Nhưng vì việc phối hợp viết ca khúc nhạc phim đòi hỏi các nhà thơ phải có kỹ năng nhạc lý nhất định, cùng với mối quan tâm và lòng yêu thích phim ít nhiều thì mới có thể tham gia trong dự án này. Tôi cũng biết những người làm thơ ở mình hay nói chơi với nhau theo kiểu "không biết làm gì thì làm thơ", và tôi cũng thấy rất nhiều bạn bè của tôi là các nhà thơ "trẻ" đều là những người đa năng, nhạy cảm, nhiều mơ ước.

Vậy nên tôi hy vọng dự án phim ca nhạc này cũng tạo thêm một sân chơi mới, với nhiều cảm hứng sáng tạo đa dạng hơn nữa về thơ ca, thông qua việc kêu gọi các nhà thơ tham gia dự tuyển vào ê-kíp làm nhạc cho phim. Còn về việc chỉ kêu gọi ứng tuyển với các "nhà thơ trẻ", đơn giản là vì phim Biệt đội hy vọng có nhóm nhân vật chính đều là những người trẻ, và xuyên suốt quá trình sống của họ khi chập chững bước vào đời là những va đập với thế giới tươi mới xung quanh. Bên cạnh đó cũng có một số tiếp xúc với các nhân vật trung niên thuộc thế hệ trước của họ. Như vậy, chỉ cần các nhà thơ nào cảm thấy mình luôn luôn trẻ về mặt tâm hồn và sức sống cùng sức sáng tạo đều có thể tham gia với dự án phim này.

* Nhà thơ thường tự do, phóng túng… hiểu một nghĩa nào đó là họ thích làm việc độc lập chứ ít khi nào làm việc tập thể. Anh có nghĩ đây là một khó khăn?

- Tôi nghĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ thiết, đạo diễn, diễn viên... hay bất kỳ thành phần nào khác của việc làm phim, đều cần có tinh thần sáng tạo và sự tự do phóng khoáng khi làm việc. Mặt khác, nếu là một thành viên chính thức của dàn đại hợp xướng, bạn cũng cần phải có ý thức làm việc và sáng tạo trong chuẩn mực và quy định chung, dưới sự điều phối của nhạc trưởng. Trong thế giới ngày nay, tất cả các công trình nghiên cứu khoa học hay dự án nghệ thuật nào cũng đều là sự phối hợp đồng bộ của cả một tập thể, phát huy mọi sự tương tác cá nhân và dung hợp mọi cá tính sáng tạo để có thể làm nên một điều kỳ diệu nào đó. Vậy tại sao nhà thơ lại nhất thiết phải đơn lẻ và đứng bên lề khi làm việc? Còn yêu cầu với nhà thơ khi tham gia vào ê-kíp làm phim này chỉ đơn giản là người yêu phim - thích nhạc - mê thơ, và có thêm một số kỹ năng nhạc lý nhất định, chỉ vậy thôi.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm