Michael Phelps: Nhà Olympic vĩ đại nhất

02/08/2012 10:00 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH) - 20 năm trước khi lần đầu tiên nhảy xuống hồ bơi ở ngoại ô Baltimor, cậu bé 7 tuổi Michael Phelps hẳn không thể tưởng tượng rằng đó sẽ là nơi anh chinh phục những kỷ lục vĩ đại nhất, không chỉ trên đường đua xanh, mà trong cả lịch sử Olympic.

Chính xác vào lúc 9giờ 04 phút tối ngày thứ Ba (giờ địa phương), trong một buổi tối lộn xộn ở Trung tâm thể thao dưới nước Stratford, Phelps đã giành được tấm huy chương Olympic thứ 19, và HCV đầu tiên của anh tại Thế vận hội 2012, nội dung 4x200 mét tiếp sức. Bằng thành tích này, Phelps đã xô đổ kỷ lục của Larisa Latynina. VĐV thể dục dụng cụ người Liên Xô nhận tấm huy chương cuối cùng vào năm 1964, nhưng thành tích của Phelps kịch tính và ấn tượng hơn nhiều.

Micheal Phelps - Ảnh: Getty

Kình ngư người Mỹ đã cân bằng thành tích với Latynina một giờ trước khi vượt qua, nhưng không phải là với niềm vui trọn vẹn. Ở nội dung 200 mét bơi bướm, phần thi đã thuộc về Phelps trong một thập kỷ qua, anh chỉ về nhì và phải nhường tấm HCV cho đối thủ người Nam Phi Chad le Clos, người đã có phần kết thúc khiến Phelps chẳng có chút cơ hội nào.

Đó là một kết cục cho thấy sự khắc nghiệt và đòi hỏi khắt khe cả về thể chất và cảm xúc của một môn thể thao như bơi lội. Từng bất bại ở mọi kỳ Olympic và là nhà vô địch thế giới nội dung 200 mét bướm từ năm 2001 đến nay, Phelps đã không tìm thấy động lực sau những nghi ngờ và thất vọng gần đây. Sự áp đảo tuyệt đối trên đường đua xanh của anh không còn nữa, và Le Clos, 20 tuổi, đã trở thành kẻ lật đổ xứng đáng.

“Hồ bơi”, Phelps từng nói. “Là một nơi trú ngụ an toàn. Hai bức tường hai bên, những làn nước được chia vạch và lằn kẻ đen dưới đáy hồ làm chỉ dẫn”. Trong 170 mét đầu tiên, có vẻ như kình ngư vĩ đại nhất mọi thời không cần lằn kẻ đen dưới đáy hồ nữa. Phelps tung hết sải tay dài 2 mét của anh và có vẻ như sẽ lại giành chiến thắng không thể ngăn cản ở nội dung ưa thích nhất của mình. Nhưng Le Clos không bỏ cuộc. Trong những mét cuối cùng, VĐV người Nam Phi bỗng như được tiếp them sức mạnh, anh rút ngắn dần, ngắn dần khoảng cách, rồi tới khi chỉ còn lại 10 mét, Phelps hụt hơi. Tuy nhiên, Le Clos cũng chỉ về đích đầu tiên với 1’52’’96, chỉ nhanh hơn Phelps 5/100 giây.

Chiến thắng kịch tính giải thích tại sao Le Clos không tin nổi rằng anh đã có HCV cho tới khi Phelps tiến đến gần chúc mừng người chiến thắng. Lúc này, VĐV 20 tuổi người Nam Phi mới bật khóc, rồi lại cười tươi, rồi vừa cười vừa khóc. Những cảm xúc lẫn lộn của anh chìm ngập trong tiếng hoan hô vang dội trên khán đài, không biết vì HCV đầu tiên trong sự nghiệp cho Le Clos, hay bởi tấm huy chương thứ 18 mang tính biểu tượng của Phelps.

Đây là một kỳ Olympic kỳ lạ và không dễ dàng với kình ngư người Mỹ. Anh chỉ về thứ 4 ở nội dung 400 mét hỗn hợp. Đó cũng là lần đầu tiên anh không giành được huy chương trong cuộc đua ra mắt Olympic, kể từ khi Phelps tới với Thế vận hội năm 2000, lúc anh 15 tuổi. Tại Sydney khi đó, mẹ của Phelps, bà Debbie, đã phải đi theo khi chứng rối loạn khả năng tập trung của anh vẫn chưa được điều trị dứt điểm. Nhưng người cha, Fred, lại vắng mặt vì ông đã ly dị với bà Debbie.

Tôi cảm thấy thoải mái nhất dưới nước”, Phelps từng nói khi anh ở đỉnh cao sự nghiệp. “Tôi biến mất khỏi thế giới này”. Olympic London cho thấy điều ngược lại. Trong những năm sau kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 kỷ lục, Phelps dường như trở nên chán nản, rệu rã và không còn độc lực. Nhưng rồi cuối cùng thì tấm huy chương mà mọi người chờ đợi cũng đã đến với anh. Nó càng có ý nghĩa hơn, không chỉ bởi nó có màu vàng, mà còn bởi Phelps đã giành được bên cạnh những người đồng đội, và cả đối thủ của anh ở tuyển Mỹ.

Phelps được chỉ định bơi cuối cùng và Ryan Lochte, Conor Dwyer và Ricky Berens đã giúp nhiệm vụ còn lại của kình ngư này trở nên khá đơn giản. Anh xuất phát với khoảng cách dẫn trước khá xa so với người bơi cuối của đội Pháp, Yannick Agnel, nhà tân vô địch 400 mét tự do. Agnel, cũng mới 20 tuổi, đã nhanh hơn Phelps, nhưng không thể nào làm đủ để san lấp một khoảng cách quá lớn. Và khi chạm tay vào thành bể, kình ngư người Mỹ đã có thể chắc chắn rằng giờ đây, Michael Phelps là một tượng đài của Olympic mọi thời đại.

Trần Trọng



19 huy chương của Michael Phelps

Athens 2004: 6 HCV: 100 mét bướm, 200 mét bướm, 200 mét hỗn hợp, 400 mét hỗn hợp, 4x200 mét tự do, 4x200 mét hỗn hợp. 2 HCĐ: 200 mét tự do, 4x100 mét tự do.

Bắc Kinh 2008: 8 HCV: 100 mét bướm, 200 mét bướm, 200 mét hỗn hợp, 400 mét hỗn hợp, 200 mét tự do, 4x100 mét tự do, 4x200 mét tự do, 4x100 mét hỗn hợp.

London 2012: 1 HCV: 4x200 mét tự do. 2 HCB: 4x100 mét tự do, 200 mét bướm.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm