Vì sao Radamel Falcao phải rời Monaco, gia nhập Man United?

05/09/2014 09:00 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ người Nga của CLB Công quốc không còn lựa chọn nào khác. Dmitry Rybolovlev đang mắc kẹt trong một vụ ly dị có thể khiến ông tiêu tốn 2,7 tỉ USD, còn nợ thuế 41,5 triệu USD và luật công bằng tài chính (FFP) đang đe dọa Monaco.

Nhiều người đã bất ngờ khi Radamel Falcao vội vã rời Monaco để tới Manchester trong ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng. Tuy nhiên, mọi việc đều có nguyên nhân sâu xa. Đội bóng của Rybolovlev đang gặp vấn đề lớn trong thanh khoản, buộc nhà tài phiệt Nga phải giảm bớt đầu tư và bán đi những siêu sao như Falcao và James Rodriguez, dù CLB sẽ trở lại Champions League lần đầu tiên sau một thập kỷ. Tất cả những điều đó trở nên dễ hiểu nếu bạn biết rằng Rybolovlev vừa trải qua vụ ly dị 2,7 tỉ USD.

Trục trặc gia đình của ông đã ảnh hưởng tới đội bóng. Bán đi James và Falcao không phải là những gì tân HLV Leonardo Jardim được hứa hẹn khi ông thay thế Claudio Ranieri hồi tháng 6. Trong khi đó, các CĐV yêu cầu CLB phải hoàn tiền bán áo đấu cũng như tiền vé cả mùa họ đã mua trước cuộc chảy máu hàng loạt các ngôi sao và sự thay đổi trong chính sách chiêu mộ cầu thủ.

Monaco cũng đã rút khỏi một hợp đồng với cựu thủ thành Barcelona Victor Valdes, thay vào đó mượn Maarten Stekelenburg từ Fulham. Nhiều tháng sau kế hoạch điên rồ mua về Cristiano Ronaldo, những mục tiêu của Monaco giờ khác hẳn.

Joao Moutinho, tới cùng James từ Porto năm ngoái trong thỏa thuận cả gói 60 triệu bảng, đã bỏ tập giữa chừng khi biết tin Falcao tới Man United, và sự cam kết của chính tiền đạo người Colombia đã rất đáng ngờ kể từ sau khi James ra đi.

James Rodriguez đã rời Monaco để gia nhập Real Madrid vào mùa Hè này

Còn buồn hơn cho Ligue 1, giờ đây giải đấu thực sự trở thành Paris Saint-Germain và phần còn lại. Mùa trước, ít ra cuộc đua vô địch còn là PSG, Monaco và phần còn lại.

Đội bóng của Jardim mới có 4 điểm sau 4 trận và mục tiêu giành chức vô địch Pháp đầu tiên kể từ năm 2000 đã trở nên xa vời khi mùa giải chỉ mới bắt đầu. Các CĐV trung thành cảm thấy bị phản bội và rất giận dữ.

Tuy nhiên, Công quốc là một xứ sở khác hẳn với các thành phố bóng đá ở Pháp, như Marseille hay Paris. Những cư dân triệu phú và tỉ phú ở đây, các tay quần vợt và đua xe chuyên nghiệp, diễn viên, ngôi sao ca nhạc…, đang bận rộn cho triển lãm du thuyền hàng năm ở Monaco, thay vì để tâm tới các cầu thủ bóng đá quần đùi áo số.

AS Monaco từ lâu đã là một CLB bóng đá khá đặc biệt, đại diện cho một thiên đường thuế có 36.000 dân cư trú, quốc gia có dân số nhỏ thứ hai thế giới. Có thời họ từng tham gia các hạng đấu ở Pháp trước đám đông CĐV 11.000 trên một sân bóng nhỏ bé tồi tàn vốn là bãi đậu xe.

Bóng đá ở đó chỉ là quan tâm thứ yếu. “Tôi còn trẻ và tôi thấy thế cũng thích”, cực tiền đạo tuyển thủ Anh Mark Hateley, từng có 3 năm chơi cho Monaco sau khi chuyển sang AC Milan năm 1987, nhớ lại. “Không khí hoàn toàn khác với ở Milan. Tôi có thể đi ra đường với các con mà không bị ai quấy rầy. Chúng tôi chơi thứ bóng đá đẹp mắt với một HLV trẻ trung, Arsene Wenger. Chúng tôi rất thành công, vô địch Pháp, một trải nghiệm tuyệt vời. Phong cách sống ở đó thật lý tưởng, nhưng trong mùa đông, trên sân đôi khi chỉ có 2-3.000 khán giả. Với các cầu thủ lớn, đó không phải là điều bạn muốn. Tôi ra đi sau 3 năm. Tôi cần những thử thách mới. Đó là mặt tiêu cực. Còn mặt tích cực, tất nhiên là cho những ngôi sao lớn, xứ đó hoàn toàn miễn thuế”.

Falcao được Monaco đem cho Man United mượn

Công quốc do triều đại nhà Grimaldi cai quản không thu thuế thu nhập và ngành ngân hàng ở Monaco chủ yếu làm các dịch vụ quốc tế. Trong 5 năm cho tới năm 2009, Monaco nằm trong danh sách đen chính thức các thiên đường thuế bất hợp tác, nhưng quốc gia nhỏ xíu này luôn bác bỏ những cáo buộc nói họ chứa chấp việc rửa tiền.

Rybolovlev là công dân Monaco từ tháng 12/2011 khi ông mua lại 66,67% đội bóng đang trong khủng hoảng và lơ lửng ở cuối bảng xếp hạng Ligue 2, từ vị thế của á quân Champions League 2004. Nguyên thủ quốc gia của Monaco, ông hoàng Albert II đã rất ca ngợi thương vụ của Ryobolovlev.

“Thỏa thuận này mở ra một trang mới trong lịch sử đội bóng mến yêu của công quốc”, ông hoàng nói. “Tôi hy vọng CLB có thể tìm lại uy tín trước kia, từng khiến nó là một trong những viên ngọc của đời sống thể thao Monaco”.

Những người khác thì nghi ngờ liệu đó có phải là một vụ đầu tư lâu dài hay không, khi Monaco thiếu một nền tảng CĐV bền vững, và FFP sắp có hiệu lực. Liệu họ sẽ bay cao như Chelsea, hay chìm sâu như Anzhi Makhachkala?

Sự giàu có của Rybolovlev dựa trên ngành khai khoáng được coi là sự đảm bảo chắc chắn. Forbes ước tính tài sản của ông trong năm 2014 là 5,3 tỉ bảng và Rybolovlev hiện vẫn rất giàu, bất chấp vụ ly dị.

18 tháng sau khi đưa Monaco trở lại với Ligue 1 và tập hợp được một đội hình đông đúc ngôi sao, họ về nhì sau PSG mùa trước, nhưng các kế hoạch có vẻ đang đi chệch hướng. Sau khi chia tay Falcao hôm thứ Hai, PCT CLB Vadim Vasilyev nhấn mạnh đội bóng không có ý định mua sắm điên cuồng và giải thích có 3 yếu tố khiến nhà tài phiệt Nga phải “điều chỉnh lại dự án”.

Trước hết, theo Vasilyev, là FFP và các khoản phạt mà UEFA đã áp đặt lên Manchester City và PSG.

Thứ hai là khoản tiền 41,5 triệu bảng còn nợ ban tổ chức giải vô địch Pháp để dàn xếp các tranh cãi cho phép Monaco tiếp tục hoạt động ở một quốc gia không phải đóng thuế, trong khi những đối thủ của họ tại Pháp sẽ phải chịu thuế. “Họ luôn là cái gai trong mắt nhà điều hành bóng đá Pháp”, Hateley nói.

Các CLB đối thủ của Monaco yêu cầu nhà chức trách ra tay khi Pháp đề xuất luật thuế thu nhập cá nhân mới trong đó những người giàu nhất có thể phải đóng tới 75% thu nhập. Hai bên đã tìm được tiếng nói chung sau khi Monaco đồng ý trả dứt điểm khoản dàn xếp trong một lần, tất nhiên, từ tiền túi của Rybolovlev.

Thứ ba, doanh thu của đội bóng đã không bùng nổ như mong đợi sau khi những tên tuổi Falcao, James, Moutinho, Jeremy Toulalan, Ricardo Carvalho và Eric Abidal tới. “Chúng tôi nghĩ rằng với những ngôi sao chúng tôi đã đưa về, các nhà tài trợ sẽ đến”, Vasilyev nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Pháp L’Equipe. “Nhưng rồi chúng tôi nhận ra phải mất nhiều thời gian để điều đó xảy ra”.

Vụ ly dị của Rybolovlev không được đưa ra như một nguyên nhân chính thức, dù tài sản của ông đã phải chia đôi hồi tháng 5 khi một tòa án ở Thụy Sĩ ra lệnh cho nhà tỉ phú phải trả 2,7 tỉ bảng cộng thêm một bất động sản ở Thụy Sĩ trị giá 88,5 triệu bảng cho bà vợ Elena sau 20 năm chung sống. “Vụ ly dị đắt giá nhất lịch sử”, theo lời luật sư của Elena.

Nhiều người cho rằng điều này đã ảnh hưởng tới chính sách của CLB, trong khi những người khác nói Rybolovlev thất vọng vì khoản tiền ông bỏ ra cho AS Monaco đã không được đền đáp với vị thế xã hội mà ông mong đợi. Ông hiện cũng chỉ là công dân thường trú của Công quốc, hết hạn trong 10 năm, thay vì công dân đầy đủ, với tấm hộ chiếu Monegasque đáng mơ ước.

Chỉ ông hoàng Monaco mới có quyền cấp quy chế công dân đầy đủ và hiện chỉ có khoảng 6.000 hộ chiếu Monegasque đang hoạt động trên toàn thế giới (ước tính năm 2009). Đó là vấn đề về sự thừa nhận của giới thượng lưu, và quan hệ của Rybolovlev với gia đình hoàng gia không được suôn sẻ như lúc đầu.

Ông hoàng Albert đã bỏ về sớm khi Monaco thua trận mở màn mùa giải gặp Lorient, một hành động được coi là để phản đối việc Rybolovlev không chịu đầu tư mạnh tay hơn khoản tiền 71 triệu bảng thu về từ việc bán James. Tuy nhiên, cũng cần phải thông cảm cho nhà tài phiệt Nga. Các thỏa thuận trước đó của ông đưa Falcao, James và Moutinho về sân Louis II rất nhập nhằng với bên sở hữu thứ ba và vì thế, Monaco không thu trọn khoản lợi nhuận từ bán cầu thủ.

Dẫu vậy, không có dấu hiệu gì cho thấy Rybolovlev sẽ bỏ cuộc. Ông vừa mua một căn hộ mới trị giá 180 triệu bảng nhìn xuống bến cảng, chiến tích mới nhất trong bộ sưu tập bất động sản của ông, bao gồm một dinh thự trên không trị giá 59 triệu bảng ở Công viên trung tâm đã phá kỷ lục về giá bất động sản ở thành phố New York, Mỹ.

“Ai mà biết được tương lai?” Vasilyev nói với L’Equipe, nhưng ông khẳng định ngài chủ tịch sẽ vẫn có mặt ở trận mở màn Champions League mùa này của Monaco gặp Bayer Levekusen ngày 16/9, và vẫn còn nguyên tham vọng về “một dự án khôn ngoan trong dài hạn”, dù “ít hào nhoáng hơn” so với trước kia.

Trần Trọng
Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm