Phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018: 'Giữ lửa' cho biếm họa

03/04/2018 07:18 GMT+7 | Biếm Họa

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay (3/4), sau 3 năm gián đoạn, Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018 được phát động trở lại với chủ đề: Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh. Lễ phát động sẽ được tổ chức lúc 9h30 tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cùng với đó là Triển lãm “96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam”.

Báo tin này cho các họa sĩ, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, kèm theo đó là những chia sẻ của các họa sĩ về sự "tái xuất" của cúp Rồng tre sau "kỳ nghỉ Đông dài ngày".

"Trễ hẹn" lại... lên

Họa sĩ Lê Phương (LEO): “Cách đây một tháng có một người Mỹ sang Việt Nam phỏng vấn tôi về tranh biếm và tôi cũng có nhắc đến Giải Biếm họa báo chí VN - Cup Rồng tre.

Tôi có nói với ông ấy cúp Rồng tre là một giải uy tín, chất lượng và được đông đảo các họa sĩ hưởng ứng, tạo được sự lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng. Ông ấy hỏi tôi giải còn tổ chức không thì tôi có nói sau mùa giải lần IV cách đây 4 năm, cúp Rồng tre chưa thấy trở lại. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn tin là giải sẽ trở lại.

Và niềm tin ấy đã đúng khi tôi nhận được lời mời của Thể thao và Văn hóa, tham gia vào Hội đồng giám khảo mùa giải lần V-2018. Tôi vẫn cho rằng, cho đến bây giờ Giải biếm họa báo chí VN - cúp Rồng tre vẫn là ngày hội lớn nhất và xôm tụ nhất của các "nhà báo vẽ" ở khắp mọi nơi.

Vì thế, sự trở lại của giải vừa là một tín hiệu vui, vừa cho thấy biếm họa dù thực tế ảm đạm nhưng vẫn... chưa kết thúc vai trò của nó. Cúp Rồng tre trở lại cũng cho thấy, hóa ra vẫn còn nhiều tờ báo (như Thể thao và Văn hóa) trân trọng những giá trị của biếm họa và tôn vinh biếm họa bằng một giải thưởng ý nghĩa. Tôi hy vọng sau lần "sống lại" này, cúp Rồng tre sẽ luôn khỏe mạnh, giữ được phong độ và tiếp tục khích lệ, "giữ lửa" cho phong trào sáng tác biếm họa trong mỗi họa sĩ chuyên và không chuyên ở khắp mọi nơi”.

Chú thích ảnh
Một trong hai tác phẩm đoạt giải Nhất Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – Cup Rồng tre lần IV của họa sĩ ZĨN. Ở mùa giải này, tác giả ZĨN đoạt giải Nhất với chùm tác phẩm phê phán nạn chặt chém du khách nước ngoài ở Việt Nam

Họa sĩ Vũ Thanh Hiền (Zĩn): “Từ trước tới nay, chỉ có Biếm họa - cúp Rồng tre là sân chơi lớn nhất, uy tín nhất cho các họa sĩ biếm chuyên và không chuyên. Sau khi gián đoạn 3 năm, cúp Rồng tre trở lại đương nhiên là một tin rất vui đối với cá nhân tôi nói riêng và các "nhà báo vẽ" khác nói chung.

Biếm họa luôn gắn liền với báo chí nhưng rất tiếc là ở Việt Nam hiện nay còn rất ít đầu báo dành chỗ cho biếm họa hoặc nếu có thì "mảnh đất" cho nó cũng khá chật chội.

Vì thế, nhiều người bây giờ chọn cách đưa biếm họa lên trang mạng xã hội để phục vụ công chúng. Cách làm này cũng hay, nhưng vì biếm họa rất đa chiều nên rất có thể bị người này, người khác suy diễn hoặc sử dụng "sai mục đích", khiến tác giả "tai bay, vạ gió".

Tôi cho rằng, biếm họa luôn mang tính tích cực theo một góc nhìn vui vẻ, hài hước và đầy tính xây dựng. Hy vọng, cúp Rồng tre lần này sẽ nhận được nhiều góc nhìn đầy tính xây dựng vì một xã hội văn minh như chủ đề mà BTC giải năm nay đã chọn”.

Hãy tạo không gian mở cho biếm họa

Họa sĩ Thành Chương: “Giải Biếm họa từ khi ra đời đã thực sự xây dựng và đem đến những niềm vui lớn cho xã hội, trở thành một thương hiệu giá trị của Thể thao và Văn hóa.

Sau mùa giải lần IV, giải bị gián đoạn và bản thân tôi cũng rất lấy làm tiếc. Nhưng rất may và rất vui là sự gián đoạn của cúp Rồng tre hóa ra chỉ như một đợt nghỉ Đông dài, giờ cúp Rồng tre đã được đánh thức thì tôi tin nó sẽ lớn mạnh và cổ vũ cho phong trào biếm họa nước nhà ngày thêm phát triển.

Tôi hy vọng sự trở lại của Giải Biếm họa - cúp Rồng tre sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đang được xã hội quan tâm bằng nghệ thuật biếm họa theo góc độ tích cực của nó. Nếu biếm họa còn e dè, ngại đụng chạm hoặc không dám thẳng thắn, trung thực được nữa thì chỉ cho ra đời những tác phẩm "vòng vo Tam quốc", lượn lờ bên ngoài vấn đề xã hội quan tâm mà thôi. Và như thế, chắc chắn không thể hấp dẫn được bạn đọc.

Nếu ngòi bút của các họa sĩ biếm mất đi tính chiến đấu thì còn gì là biếm họa nữa. Tôi tin các họa sĩ biếm sẽ luôn sẵn sàng phê phán cái xấu để góp phần làm cho xã hội văn minh, văn hóa hơn”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Giải Biếm họa - cúp Rồng tre, từ khi ra đời, qua theo dõi tôi thấy tạo được dư luận tốt trong xã hội và được giới nghệ sĩ rất đồng tình và hoan nghênh.

Trong những năm qua, càng ngày chúng ta càng thấy có quá nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm, bức xúc nhưng lại thiếu cái nhìn kịp thời, hay nói cách khác là rất lõm bõm của các họa sĩ biếm. Cho nên cúp Rồng tre trở lại, tôi tin sẽ là cú hích cho các họa sĩ tích cực vào cuộc với những tiếng nói, cái nhìn đầy trách nhiệm với công chúng, với xã hội”.

Bên cạnh đó, tôi cũng tin rằng sự trở lại của cúp Rồng tre sẽ góp phần làm cho đội ngũ các họa sĩ biếm ngày một nhiều lên chứ không ít ỏi như bây giờ. Đồng thời, các báo, các cơ quan quản lý và công chúng nên có những cái nhìn cởi mở hơn đối với biếm họa, không nên cụ thể hóa mang tính ràng buộc mà hãy tạo ra một không gian mở để các họa sĩ phát huy thế mạnh, đồng thời hãy để các họa sĩ tự chịu trách nhiệm với tiếng nói, cách nhìn của mình...”.

Phạm Huy (ghi)

 

Chú thích ảnh

Khởi động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018: Đánh thức các họa sĩ biếm đang 'ngủ quên'

Khởi động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018: Đánh thức các họa sĩ biếm đang 'ngủ quên'

Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre mở hội lần V-2018 là một tin vui đối với các “nhà báo vẽ”, trong đó có họa sĩ Võ An Lai - cháu của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Võ An Ninh.

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm