Pháp - Ma rốc không chỉ là bóng đá

14/12/2022 18:45 GMT+7 | World Cup 2022

Đấy không chỉ là một cuộc chiến bóng đá thuần tuý giữa 22 đôi chân trên sân cỏ và 2 cái đầu HLV ngoài đường piste. Pháp-Maroc còn hơn thế nữa nhiều, xét trên các khía cạnh về lịch sử, văn hoá và con người, cũng như các lợi ích kinh tế và chính trị. Dưới đây là một cái nhìn khác về trận đấu đêm nay.

Có một sự thật rằng, Maroc chỉ thực sự thoát được sự kiểm soát của Pháp vào năm 1956 khi họ giành được độc lập, bởi trước đó, trong hơn 40 năm, kể từ năm 1912, họ là một phần lãnh thổ trực thuộc sự "bảo hộ" của Pháp.

Ở nước láng giềng Algeria, nơi mà nhiều người chẳng hề vui vẻ gì khi Maroc trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử bóng đá châu Phi có mặt ở bán kết World Cup, đơn giản là vì những tranh chấp lãnh thổ với Maroc, cuộc chiến giành độc lập chống lại Pháp đã kéo dài từ 1954 đến 1962, khiến hàng trăm  nghìn người thiệt mạng. Nhưng cả Maroc lẫn Algeria hiện tại cũng như nhiều nước châu Phi khác vẫn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của Paris theo nhiều góc độ, nhất là kinh tế khi 150 triệu người châu Phi nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ và có những mối quan hệ trực tiếp với nước Pháp. Không ngạc nhiên khi Pháp là quốc gia châu Âu mà Maroc có vốn đầu tư trực tiếp nhiều nhất, trong khi Paris đang muốn gia tăng sự hiện diện của họ ở vùng Tây Sahara, không chỉ về kinh tế.

Chính vì thế, Pháp-Maroc có thể là một trận bán kết World Cup, nhưng người Pháp, người Maroc không nghĩ nhiều đến quá khứ trước kia để ra sức căng thẳng với nhau, dù giữa họ còn nhiều bất đồng. Hiện tại của họ nằm ở Qatar, ở cách mà Pháp đã khai thác Qatar để có mặt ở vùng Vịnh, mà đất nước nhỏ bé  này lại đang là trung tâm trong một cuộc chơi lớn của người Pháp. Trong khi ở Abu Dhabi và Dubai, người ta nhìn sang Anh và Italy để đầu tư, ở Saudi Arabia, họ hướng sang Mỹ và Trung Quốc, thì ở Qatar, bắt đầu từ thể thao, người ta nhìn sang kinh tế và chính trị. Người nối nhịp cầu ấy là cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và một người Pháp huyền thoại, nhưng sau đó trở nên bê bối, Michel Platini. Họ là những người tích cực vận động để giúp Qatar đăng cai World Cup 2022 từ hơn 10 năm trước. Sau đó, Qatar mua máy bay Airbus cho hãng hàng không quốc gia, rồi tiền của Qatar đổ vào PSG, với những thương vụ kinh khủng để có lần lượt Neymar, Mbappe và Messi. Đó chính là một cánh cửa để Qatar vươn bàn tay của mình đến với châu Âu, qua ngả nước Pháp.

Pháp - Ma rốc không chỉ là bóng đá - Ảnh 2.

Pháp - Ma rốc không chỉ là bóng đá

Nhưng còn câu chuyện Maroc? Những điều thần kỳ bóng đá của họ đã được tạo nên trên mảnh đất này, và nếu như đêm nay, ở sân Al-Bayt, theo dự kiến sẽ có khoảng 45 nghìn trong số 65 nghìn khán giả là người Maroc, trong khi chỉ có chừng 4 nghìn người Pháp trên khán đài, Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp là Emmanuel Macron cũng không cảm thấy mình lạc lõng. Chính vị chính trị gia rất mê bóng đá này cuối tuần trước đã viết một dòng trên Twitter để chúc mừng chiến thắng của Maroc trước Bồ Đào Nha. "Hỡi các bạn Maroc, chúc mừng chiến thắng của các bạn! Hẹn gặp các bạn trong trận bán kết", ông viết một cách đầy hứng khởi. Bây giờ thì họ gặp nhau trong trận bán kết mà Macron, một người từng lên án chống lại chế độ thuộc địa của Pháp trong quá khứ, rất đợi chờ.

Không có gì ngạc nhiên về lời chúc mừng này. Năm ngoái, Maroc đã đầu tư 530 triệu USD vào Pháp, trong khi theo các thống kê chưa chính thức, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, các nhà đầu tư Maroc còn chi bạo hơn, khi tăng số vốn đầu tư trực tiếp lên đến xấp xỉ 1,3 tỷ USD vào Pháp, nơi có tới gần 800 nghìn người Pháp gốc Maroc. Đất nước của đội tuyển Áo Lam trở thành nước đứng đầu trong danh sách đầu tư ra nước ngoài của Maroc. Ngược lại, người Pháp cũng rất quan tâm đến việc làm ăn ở Maroc sau khi đã biến Casablanca, nơi nổi tiếng chủ yếu nhờ bộ phim kinh điển cùng tên, thành thủ đô của hãng xe hơi Renault, trong khi ở Marrakech, một thành phố nổi tiếng khác của Maroc, nhà thời trang Yves Saint-Laurent đã lập nên một bảo tàng lớn để lưu lại những kỷ niệm tuyệt vời của ông tại Maroc. Mối quan hệ rắc rối và thường là phức tạp giữa Pháp và Maroc đã dẫn đến nhiều tranh cãi trong quá khứ, nhưng bây giờ, mọi chuyện có vẻ như đang rất ổn.

Pháp - Ma rốc không chỉ là bóng đá - Ảnh 3.

Quốc vương Ma-rốc Mohammed VI, trái, với Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy trong chuyến thăm Ma-rốc ngày 24 tháng 10 năm 2007 [Eric Feferberg/Reuters]

Tổng thống Macron dự kiến sẽ có một chuyến thăm đến thủ đô Rabat trong tháng 1/2023 để đẩy quan hệ giữa hai bên lên một bước cao hơn nữa. Và ông đã rất khôn ngoan sử dụng bóng đá để lấy lòng những người lãnh đạo Maroc. Sau thành công từ việc mở cánh cửa cho Qatar vào châu Âu và có một World Cup tráng lệ, Pháp muốn làm điều tương tự với Maroc, ở một quy mô nhỏ hơn, với hàng loạt hợp đồng kinh tế và năng lượng chờ đợi được chốt. Nhưng trước đó, bóng đá trên sân chứ không phải trên bàn đàm phán các hợp đồng kinh tế và chính trị sẽ làm thứ móc nối giữa hai bên. Pháp được đánh giá cao hơn, đương nhiên rồi, trong khi với Maroc, dù kết quả trận nào đi nữa thì họ vẫn tự coi mình là chiến thắng, khi lần đầu tiên trong lịch sử có mặt trong một trận bán kết World Cup.

Đêm nay, ở Paris và nhiều thành phố lớn của Pháp, người Pháp và người Pháp gốc Maroc sẽ ủng hộ đội tuyển của họ và đội tuyển của đất nước gốc gác của họ. Hàng nghìn cảnh sát đã được điều động về Paris sau những lo ngại rằng những người Maroc hoặc gốc Maroc sẽ làm loạn thành phố ánh sáng, bất kể trận đấu có kết quả ra sao. Nhưng với Macron và giới kinh doanh Pháp, điều đó chẳng quan trọng, vì thế nào họ và giới làm ăn Maroc đều ở thế "win-win".

Đêm nay, 13 cầu thủ người Pháp sẽ chiến đấu chống lại Maroc, nhưng cũng là một cuộc chiến chống lại nguồn gốc của mình. Họ luôn tự hào về nguồn gốc ấy, họ cũng thực hành tôn giáo của nguồn gốc ấy (Hồi giáo), nhưng họ cũng là người Pháp và cảm thấy mình thuộc về mảnh đất hình lục lăng này. Họ vẫn hát quốc ca Pháp, bài Marseillaise và những vấn đề liên quan đến màu da của họ không còn gây ra những tranh cãi như hồi Pháp vô địch World Cup 1998 nữa. Họ cũng không còn phải đối đầu với những quan điểm cực hữu gọi họ là "Pháp đen" hoặc "Pháp châu Phi" nữa. Với họ, Pháp là đủ.

Họ là những ai? Thủ môn Steve Mandanda (sinh ra ở CHDC Congo); các hậu vệ Axel Disasi (gốc Congo), Jules Kounde (bố người Benin), Dayot Upamecano (gốc Guinea Bissau), William Saliba (bố Lebanon, mẹ Cameroon), Ibrahima Konate (gốc Mali); các tiền vệ Eduardo Camavinga (sinh ở Angola trong gia đình người Congo), Aurelien Tchouameni (bố mẹ người Cameroon), Matteo Guendouzi (bố người Maroc), Youssouf Fofana (gia đình người Bờ Biển Ngà); các tiền đạo Randal Kolo Muani (người Congo), Kylian Mbappe (bố Cameroon, mẹ Algeria) và Ousmane Dembele (bố Mali, mẹ Senegal và Mauritania). Đó là còn chưa kể đến 3 cầu thủ khác sinh ra ở các lãnh thổ hải ngoại của Pháp là Kingsley Coman và Marcus Thuram (Guadelupe) và Raphael Varane (Martinique), trong khi thủ môn dự bị Alphonse Areola có gốc Phillippines.

Trên thực tế, đội tuyển Pháp đã có các cầu thủ gốc Phi từ rất lâu, với Raoul Diagne những năm 1930. Ông là người gốc Guiana thuộc Pháp và là người mở đầu trong con số hàng trăm cầu thủ khoác áo Pháp có nguồn gốc thuộc địa cũ của nước này. Maroc không phải là một ngoại lệ, khi họ từng là một vùng lãnh thổ bảo hộ của Pháp trong những năm 1950 và cũng đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển Pháp, người mới nhất là Guendouzi.

Trong đội hình Maroc cũng có những người sinh ra ở Pháp, có quyền chọn khoác áo Pháp, nhưng cuối cùng chọn đội tuyển quê hương. Đó là Romain Saiss, sinh ra ở Bourge-de-Peage, một thị trấn nhỏ nằm giữa Lyon và Avignonl là Sofiane Boufal, ra đời ở Paris. HLV Walid Regragui, ra đời cách Paris 30 km, từng chơi cho một đội hạng 3 và từng là đồng đội của... Olivier Giroud!

Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar


Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm