Phần thưởng cho 7 thập kỷ 'mò kim đáy bể'

26/03/2015 12:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - A Portrait Of A Gentleman, bức tranh trị giá nhiều triệu đô la của danh họa Phục hưng thế kỷ 16 El Greco (1541-1614), vừa được trao trả về cho những chủ nhân đích thực của nó, sau hơn 7 thập kỷ “lưu lạc” do bị phát xít Đức đánh cướp.

Bức tranh đã từng thuộc về bộ sưu tập nghệ thuật của Julius Priester, một ông chủ ngân hàng người Do Thái. Priester đã bắt đầu sưu tầm nghệ thuật từ những năm 1920 và lập ra một phòng trưng bày nghệ thuật có tiếng.

7 thập kỷ truy tìm kho tranh

Tuy nhiên, ông và vợ là bà Camilla, đã phải trốn tới Paris (Pháp) vào năm 1938, khi Đức thôn tính Áo. 2 năm sau, họ chuyển tới Mexico, nhưng chưa từng từ bỏ hy vọng tìm lại 50 tác phẩm nghệ thuật quý giá đã bị đánh cướp.

Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1945, ông Priester cố gắng tìm lại bộ sưu tập của mình, dù biết việc này khó như "mò kim đáy bể". Ông đã dành cả thập kỷ sau chiến tranh để truy tìm các bức tranh. Ông phối hợp với giới chức Áo để mở rộng cuộc tìm kiếm ra khắp thế giới.


Hình ảnh bức tranh A Portrait of a Gentleman được treo trong phòng ăn của gia đình ông Priester ở Vienna

Năm 1953, cảnh sát Liên bang Áo viết thư cho Priester nói rằng A Portrait Of A Gentleman, một trong các bức tranh thuộc bộ sưu tập bị đánh cướp, đã bị Gestapo (lực lượng cảnh sát mật của phát xít Đức) bán cho các nhà môi giới của Phòng trưng bày Knoedler ở New York.

Tranh đã nằm lại thành phố này từ năm 1952. Tuy nhiên, nhà buôn Frederick Mont của phòng trưng bày trên đã từ chối hợp tác, không cung cấp bất cứ thông tin nào về bức tranh và do vậy, cuộc điều tra bị ngưng trệ.

Sau khi ông Priester qua đời hồi năm 1954, cuộc săn lùng kho tranh tiếp tục được hậu duệ của ông thực hiện. Năm 2005, họ gọi điện tới Hội đồng tìm kiếm Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp châu Âu (CLAE), nhờ giúp đỡ. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên hỗ trợ tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật bị phát xít chiếm đoạt trái phép. Hội đồng được sáng lập hồi năm 1999 và đến nay đã trao trả hơn 3.500 tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp cho các chủ sở hữu đích thực.

Sự kiên trì của gia đình Priester cuối cùng đã được đền đáp sau 70 năm. Hồi năm ngoái, CLAE đã phát hiện A Portrait Of A Gentleman nằm trong danh sách tác phẩm rao bán của một phòng trưng bày ở New York. Họ lập tức yêu cầu ngừng ngay việc bán tranh.

“Nhà buôn nghệ thuật đã hợp tác với chúng tôi, ngay sau khi ông biết nguồn gốc lịch sử của bức tranh. Nhờ vậy, chúng tôi đã có thể đàm phán để trao trả nó về cho những người thừa kế của ông Priester, hiện đang sống ở Anh” – bà Anne Webber, đồng Chủ tịch CLAE cho biết.   

Bức tranh A Portrait of a Gentleman sau khi được trao trả về cho chủ sở hữu

Giá trị tinh thần lớn hơn vật chất

Họa sĩ El Greco có tên khai sinh Domenikos Theotokopoulos. Ông sinh năm 1541 ở Crete, trong một gia đình khá giả. Ngay từ thuở ban đầu của sự nghiệp, ông đã nổi tiếng và được xem là một “họa sĩ biểu tượng”. Tới năm 1563, ông đã được gọi là “bậc thầy”.

Khoảng 4 năm sau, Greco chuyển tới Venice và phát triển phong cách vẽ mạnh mẽ, với màu sắc rực rỡ. Greco ở Venice cho tới khoảng năm 1570, trước khi chuyển tới Roma - trung tâm của thế giới nghệ thuật thời điểm đó.

Ở Roma, Greco nghiên cứu các tác phẩm của các danh họa Phục hưng Michealangelo và Raphael, đồng thời tiếp tục phát triển phong cách vẽ của mình. Sau khi chuyển tới Toledo (Tây Ban Nha) vào năm 1577, Greco đã cho ra đời những họa phẩm xuất sắc nhất của ông, dưới sự ủy quyền của Vua Philip II.

Greco qua đời vào tháng 4/1614. Phong cách vẽ biểu hiện của ông làm cho nhiều người đương thời ngỡ ngàng và mãi đến thế kỷ 20 mới được ưa chuộng. Greco được coi là người tiên phong cho trường phái biểu hiện và lập thể, tâm lý, nổi tiếng hay vẽ những gương mặt và chân tay dài, phối hợp truyền thống nghệ thuật Byzantine với hội họa Tây Âu.

Mặc dù giá trị của bức A Portrait Of A Gentleman chưa được định rõ, tranh của El Greco vẫn thường đạt giá cao. Mức giá kỷ lục thế giới cho một tác phẩm của El Greco hiện là 13,7 triệu USD.

Với những người thừa kế của ông Priester, niềm vui từ việc lấy lại bức tranh còn lớn hơn nhiều giá trị tiền bạc của nó. Họ đã rất xúc động khi thấy bức tranh vẫn nằm trong khung tranh cũ, như hồi nó còn được treo trong phòng ăn tại dinh thự của ông bà Priester ở thủ đô Vienna.

Bộ sưu tập nghệ thuật của ông Priester, gồm tranh của nhiều danh họa như Peter Paul Rubens và Anthony Van Dyke, chỉ là một trong nhiều bộ sưu tập từng thuộc sở hữu của người Do Thái giàu có, trước khi bị phát xít Đức đánh cướp theo mệnh lệnh trực tiếp từ Hitler.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm