04/05/2011 14:37 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Ngày 5/5 tới, 4 phim tài liệu của Việt Nam sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình “ăn khách” nhất thế giới hiện nay: Discovery. Để đi đến chặng cuối này, dự án đã từng trải qua ít nhiều “sóng gió”.
TT&VH trò chuyện với nhà sản xuất Hà Thục Vân - người đã gắn bó với dự án Lần đầu làm phim với Discovery, kể cả trong lúc khó khăn nhất.
* Được khởi động từ năm 2009, vì sao sau gần 2 năm, 4 bộ phim mới có thể phát sóng, thưa chị?
- Thực ra, tôi không phải là người có quyền quyết định lộ trình thời gian, cũng như thời điểm phát sóng. Là người tham gia dự án, bản thân tôi cũng như các đoàn phim đều muốn kết thúc sớm. Lý do tiến độ dự án chậm cũng vì nhiều yếu tố, từ tiền kỳ, sản xuất, đến cả khâu hậu kỳ. Ví dụ, bộ phim Thành phố đam mê của Phan Ý Ly, ngay từ đầu, đã quay bằng máy quay không đạt chuẩn của Discovery nên phải làm lại. Rồi việc có đạo diễn không thể thu xếp thời gian để thực hiện hậu kỳ ở Singapore cùng cả đoàn cũng là một lý do.
Nhà sản xuất Hà Thục Vân (giữa) và 4 đạo diễn của dự án |
* Theo những gì tôi được biết qua phản ánh của báo chí đến nay, dự án này cũng gặp không ít “sóng gió”, kể cả “rắc rối” mang tính nội bộ được đưa lên mặt báo. Và “sóng gió” có vẻ cũng chưa kết thúc khi vào phút chót, bộ phim của Phan Ý Ly mà chị vừa nhắc tới lại bị loại...
- Như ông Vikram Channa, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói, làm phim đồng nghĩa khó khăn. Phim của Phan Ý Ly không được phát sóng, tôi cũng tiếc. Nhưng với tư cách một người quản lý dự án cũng như những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc với các kênh truyền hình nước ngoài, tôi cũng nỗ lực hết sức bằng khả năng của mình. Trước đây đã làm cho Discovery, BBC... tôi cũng hiểu rằng, điều quan trọng là phải tôn trọng lộ trình thời gian do đối tác đề ra.
Tham gia cuộc chơi, phải chấp nhận luật chơi, chấp nhận sự khác biệt và công bằng vì thực tế, có khi đối tác không hiểu lắm về văn hóa bản địa. Những người không có khả năng làm việc nhóm thì không thể hợp tác với nước ngoài. Người nước ngoài rất thẳng thắn, họ không cần biết anh có nhiều tiền hay ít tiền, anh có quyền chức hay không, mà họ chỉ nhìn vào công việc anh làm.
* Theo đánh giá của chị, nhà làm phim Việt Nam còn khiếm khuyết gì so với chuẩn quốc tế?
- Tôi không thể thay mặt cho một nhóm nhỏ để nêu quan điểm cá nhân. Nhưng điều tôi thấy là chúng ta có ý tưởng kịch bản tốt, với những quay phim có nghề. Tôi rất thích các quay phim tham gia dự án này. Quay phim tài liệu không được bố trí như quay phim truyện. Họ giống như đạo diễn hình giải quyết mọi vấn đề trên hiện trường. Người quay phim phải làm việc chặt chẽ và hiểu đạo diễn. Họ còn phải nhạy cảm trong nắm bắt được mọi thay đổi, kể cả bất chấp sự nguy hiểm. Các quay phim của dự án này làm việc rất nghiêm túc, tâm huyết không thua kém gì nước ngoài.
Cảnh trong phim Thành phố ngàn năm sẽ phát trên Discovery
- Phải nói rằng, Công ty Red Bridge có vai trò quan trọng trong dự án này. Discovery không bao giờ chọn đối tác họ chưa từng biết “chất”. Là người quản lý dự án, tôi phải là người cân bằng mọi yếu tố, từ lộ trình sản xuất đến quan điểm nghệ thuật. Sự cân bằng tôi nói đến ở đây còn là chính suy nghĩ, tình cảm của mình khi bị nói oan ức, hoặc gặp áp lực từ phía dư luận...
* Những lúc khó khăn đó, có bao giờ, chị nghĩ sẽ từ bỏ?
- Rất may, tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Tôi nghĩ không nên mang tình cảm cá nhân vào công việc. Trong một dự án khó khăn, tôi đã chọn vai trò làm cầu nối. Nếu tôi bỏ cuộc thì còn ai dám tiếp tục nữa? Nhiều lúc cũng mệt mỏi, nhưng vẫn phải gồng mình lên.
* Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, vì sao chị lại chọn đứng ở phía hậu trường?
- Bố tôi là đạo diễn, diễn viên Hà Văn Trọng. Ông từng làm nhiều phim, cũng như thể hiện nhiều vai diễn trên màn ảnh. Nhưng nghề đạo diễn không dễ, mà cần tài năng. Tôi cũng thích nghề này lắm, nhưng không làm được. Làm diễn viên giống mẹ, một lần nữa, cũng cần có tài năng. Nói tới sản xuất, người ta chỉ nghĩ tới lợi nhuận. Nhưng tôi chọn nghề này vì cân bằng được cả hai - “con mắt” nghệ thuật và sự tỉnh táo của người quản lý kinh tế. Và may mắn hơn, tôi có một người chồng luôn ở bên cạnh ủng hộ và hỗ trợ trong mọi tình huống.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Hoàng Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất